Công nghiệp vượt biên (K2): Hoạt động buôn người

Các tác giả cuốn “Lời thú tội của một kẻ buôn người” (Confessions of a Human Trafficker) cho rằng việc đưa người vượt biên thực chất là một hoạt động buôn người, trong đó những người di dân và tỵ nạn bị xem như một món hàng.

Các tác giả cuốn “Lời thú tội của một kẻ buôn người” (Confessions of a Human Trafficker) cho rằng việc đưa người vượt biên thực chất là một hoạt động buôn người, trong đó những người di dân và tỵ nạn bị xem như một món hàng.

Công nghiệp vượt biên (K1): Cái giá của hy vọng

“Đại lý du lịch”

Phía sau mỗi trường hợp nhập cư trái phép cũng như hàng chục ngàn người di cư đến châu Âu mỗi năm, có một ngành công nghiệp bao gồm những tên tội phạm cò con và cả những tên trùm, những người đòi tới 10.000EUR trên mỗi người nhập cư.

Đó là một “đại lý du lịch” lớn nhất và tàn bạo nhất thế giới. Tùy theo túi tiền của khách hàng, những kẻ đưa người vượt biên sẽ đưa ra các tùy chọn khác nhau: từ việc vượt biên trên những chiếc thuyền đánh cá tồi tàn cho đến trên tàu tốc độ cao, du thuyền sang trọng cắm cờ Hoa Kỳ, hay thậm chí là dịch vụ bay trực tiếp đến sân bay Malpensa ở Milan với hộ chiếu giả. Khi an ninh tại một địa điểm được thắt chặt, số người nhập cư lại tăng ở các tuyến đường khác.

Thí dụ, một tuyến đường được sử dụng gần đây từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen đến Romania, một nước thành viên EU. Hồi tháng 9, một chiếc tàu chở 82 người Syria và Afghanistan đã bị mắc kẹt ở phía Bắc Istanbul dọc theo tuyến đường đó. Đầu tháng 11, 25 người tỵ nạn đã chết ở Bosporus trên đường đến Romania. Nguồn khách hàng của những kẻ đưa người vượt biên dường như vô tận, với hơn 2 triệu người Syria hiện đang sống trong các trại tỵ nạn của Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon.

Nawal Soufi, 26 tuổi - sinh ra ở Morocco và lớn lên ở thành phố Sicily, Catania, được gọi là “Thiên thần của người Syria”. Trang Facebook của cô hoạt động như một trung tâm liên lạc của những hỗ trợ phi thương mại cho người di cư và tỵ nạn. Trang Soufi có thể tiếp cận 24/24 và có bài đăng hàng giờ.

Những người tỵ nạn xem số điện thoại của cô như một hình thức bảo hiểm nhân thọ. Những thuyền viên gặp các vấn đề trong chuyến vượt biên thường gọi cho Soufi và cô sẽ thông báo cho nhân viên bảo vệ bờ biển. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.300 người tỵ nạn bị chết đuối, nhưng hơn 150.000 đã được cứu sống, một phần nhờ vào Soufi và mạng lưới của cô.

Tuy nhiên, chương trình cứu hộ "Mare Nostrum" hiện nay đã chấm dứt, một phần vì các chỉ trích rằng chương trình này chỉ càng khuyến khích bọn đưa người vượt biên dùng những chiếc thuyền nhỏ, dột nát hơn để dễ lách qua mắt nhà chức trách.

Soufi và mạng lưới của cô thậm chí có thể biết về một con tàu vượt biên trước cả lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân, vì chính những người tỵ nạn hoặc các thân nhân của họ nói cho cô biết. Dưới chương trình Triton mới của EU, lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu hải quân chỉ tuần tra trong vòng 30 hải lý ngoài khơi bờ biển Italia.

Trong khi đó, nhà hoạt động Soufi luôn cố hết sức mình để đảm bảo tất cả mọi người được bình yên. “Chính sách cô lập của EU chỉ khuyến khích hoạt động buôn bán người“” - Soufi giải thích.

Trung tâm Milan

Ahmad, nhà phát triển phần mềm người Damascus, đã mô tả những điều kiện tại trại tỵ nạn, nơi anh đến vào tối ngày 10-10. Dĩ nhiên, mọi người đều từ chối lăn dấu vân tay vì biết nếu làm như vậy họ sẽ bị gửi trả về Italia, cho dù đã sang tới Đức hay Thụy Điển.

Nhưng Ahmad nhận ra rằng việc cố gắng chống cự là vô nghĩa. Nên anh chỉ đơn giản là hy vọng người Đức sau này sẽ nhân từ với anh và để người ta quét đủ 10 dấu vân tay. Anh lặng lẽ rời trại 4 ngày sau đó và đến Milan, nơi được xem như trung tâm ngành công nghiệp đưa người vượt biên ở Italia.

Tại nhà ga xe lửa chính, nơi Ahmad có những cuộc tiếp xúc đầu tiên, các tình nguyện viên phân phối nước, bánh mì cho tới nửa đêm. Những người không lên chuyến tàu đầu tiên đến Munich có thể tìm thấy những người môi giới nói tiếng Ả rập ở tầng trệt. Trong và xung quanh nhà ga xe lửa có đầy người tỵ nạn.

Những người Eritrea nghèo khổ đã phải trải qua chuyến vượt Địa Trung Hải ở dưới boong tàu, nơi nguy hiểm nhất nếu có tai nạn xảy ra, hiện đang ngồi ở lối vào chính, uống rượu vang trắng đựng trong thùng carton. Ngược lại, những người tỵ nạn Syria ăn mặc bảnh bao, dùng điện thoại thông minh và đang trên đường rời khỏi Milan. Thường họ chỉ ở thành phố phía Bắc Italia này khoảng 4 ngày.

Trong số hơn 44.000 người di cư đã dừng chân ở Milan kể từ đầu năm đến nay, chỉ có 47 người xin tỵ nạn ở Italia. Tuy nhiên, thành phố đã này đã tới đỉnh điểm. Pierfrancesco Majorino, thành viên hội đồng thành phố Milan phụ trách vấn đề nhập cư, muốn chính phủ Italia gây áp lực nhiều hơn với Đức.

"Những người tỵ nạn cần giấy phép cư trú tạm thời để có thể di chuyển tự do trên khắp châu Âu. Các cách thức hiện tại và sự thất bại trong chính sách nhập cư của EU chỉ làm lợi cho những kẻ đưa người vượt biên. Một mạng lưới tội phạm đang được hỗ trợ” - Majorino nói. Điều này có thể được nhìn thấy trong một lệnh bắt giữ của Văn phòng công tố Milan. Lệnh bắt dựa trên kết quả chiến dịch Jackal tháng 11 năm ngoái, khi các đơn vị đặc nhiệm của cảnh sát phá vỡ một đường dây đưa người vượt biên. Ông trùm đường dây này là người Syria.

Chỉ kém buôn ma túy

Những ghi chép theo dõi các cuộc điện thoại hé lộ một phần mạng lưới hoạt động của các nhóm tội phạm nhỏ ở Ai Cập, Syria và Bắc Phi. Điểm hẹn ưa thích của họ tại Milan là nhà hàng McDonald ở phía trước nhà ga xe lửa chính, Burger King ở Piazza Lima và trạm tàu điện ngầm Molino Dorino. Các khách hàng tiềm năng được mời chào trực tiếp tại nhà ga xe lửa hoặc bởi các cò mồi ở những trung tâm tiếp nhận.

Người nhập cư trái phép tại ga Milan.

Người nhập cư trái phép tại ga Milan.

Một chuyến xe buýt mini chở 8 người từ Milan đến Munich thu phí tới 4.000EUR, trả trước một nửa và nửa còn lại trả khi đến nơi. Xe buýt này khởi hành lúc 6 giờ chiều, do một người Italia lái và quay lại vào sáng hôm sau. “Nhưng đôi khi họ trở lại chỉ sau 1 giờ, khi bỏ khách ở giữa chừng, thường là những khách không thể đọc được chữ Latin” - Tytty Cherasien, một thành viên trong mạng lưới tình nguyện tại trung tâm Milan, nói. Cô theo dõi số phận của người tỵ nạn Syria Ahmad và các đồng hành của anh kể từ khi họ đến Italia.

“Những gì chúng tôi đang làm là bất hợp pháp vì giúp người tỵ nạn tiếp tục cuộc hành trình của họ. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự chỉ làm nhiệm vụ của những công dân" - Cherasien nói. Cô thậm chí đã bán xe của mình để trả tiền cho đám tang của một cậu bé bị bọn đưa người vượt biên ném ra khỏi xe ở Sicily. Cậu bé đã chết một thời gian ngắn sau đó.

Cho đến nay, nỗ lực vận động các nhà chính trị đưa ra những chính sách nới lỏng nhập cư ở châu Âu đã thất bại. Các tác giả “Confessions of a Human Trafficker” cho rằng châu Âu càng đầu tư nhiều vào các bức tường, rào chắn và giám sát tuần tra, càng làm lợi cho ngành công nghiệp đưa người vượt biên. Theo họ, công nghiệp đưa người vượt biên vào châu Âu chỉ có lợi nhuận đứng sau buôn bán ma túy.

Các tin khác