Công nghiệp vượt biên (K1): Cái giá của hy vọng

Cùng với việc Liên mình châu Âu (EU) cố gắng ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép, ngành công nghiệp đưa người vượt biên đã thu về hàng tỷ USD do nhu cầu tỵ nạn từ các nước loạn lạc ngày càng lớn.

Cùng với việc Liên mình châu Âu (EU) cố gắng ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép, ngành công nghiệp đưa người vượt biên đã thu về hàng tỷ USD do nhu cầu tỵ nạn từ các nước loạn lạc ngày càng lớn.

Hơn 150.000 người tỵ nạn đã đến bờ biển Italia trong năm nay, hầu hết đều mong muốn sẽ tiếp tục hành trình lên hướng Bắc. Và hy vọng về một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu của người tỵ nạn đang tạo ra nguồn thu cho những kẻ đưa người vượt biên.

Quy tắc bất thành văn

Đằng sau quán La Grotta là điểm kết thúc của Italia. Nhưng có con đường hẹp tiếp nối băng qua biên giới vào nước Pháp, vòng theo một vách đá trên biển. Nó là một nút cổ chai cho những người nhập cư bất hợp pháp và bọn đưa người vượt biên.

Ẩn mình sau những bụi cây thùa, 3 thanh niên đến từ Mali đang cúi mình trên sườn dốc, mắt chăm chú hướng về phía biên giới. Cách đó vài mét, một nhóm người tỵ nạn Syria đang lúi húi cắm trại. Người đàn ông tên Ahmad là phát ngôn viên của những người nhập cư bất hợp pháp. Ông từng là nhà phát triển phần mềm ở Damascus, nơi ông để lại vợ con. Ahmad kéo một mảnh giấy nhàu nát ra khỏi túi áo khoác - xác nhận chính thức về việc đến Italia của ông - người tỵ nạn số 13.962.

Con số này phản ánh các số liệu thống kê lưu giữ ở sở cảnh sát Crotone, nằm ở phía Nam Calabria của Italia. Theo đó, hơn 150.000 người di cư và người tỵ nạn đã đổ bộ vào bờ biển Italia kể từ tháng 1 và gần một nửa trong số họ - hơn 60.000 nam giới, phụ nữ và trẻ em - không bao giờ được đăng ký trong cơ sở dữ liệu Eurodac của EU. Họ đã biến mất từ lâu, đi theo hướng Bắc về phía còn lại của châu Âu.

Có một quy tắc bất thành văn sau vụ đắm tàu bi thảm ở ngoài khơi đảo Lampedusa vào ngày 3-10-2013 làm 366 người chết: Roma sẽ gửi tàu hải quân và tàu bảo vệ bờ biển đến Địa Trung Hải để tham gia vào hoạt động cứu hộ "Mare Nostrum", sau đó cho phép hầu hết người di cư tiếp tục vượt biên giới lên phía Bắc để đổi lại họ sẽ không xin tỵ nạn chính trị tại Italia - quốc gia đầu tiên họ đến - theo yêu cầu của Thỏa thuận Dublin II. Nhưng vào cuối tháng 9, Italia đã thay đổi.

Theo nguồn tin bí mật của báo Spiegel (Đức), Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano ra lệnh từ đó về sau nhất định phải lấy dấu vân tay và nhân thân của người di cư. Alfano lưu ý các nước khác trong EU phàn nàn về việc Italia để những người nhập cư trái phép thẳng tiến lên các nước phía Bắc mà không có hành động cản trở nào.

Điểm đến ưa thích của người di cư gồm Thụy Điển, Đức và Thụy Sĩ, những nước có phúc lợi xã hội và khả năng tỵ nạn chính trị cao. Trong khi đó, Italia thậm chí không thể bảo đảm chỗ ở thích hợp cho những người tỵ nạn, theo phán quyết ngày 4-11 của Tòa án Nhân quyền châu Âu. Hơn bao giờ hết, Thỏa thuận Dublin đang bị dần trở thành một trò hề, với chỉ khoảng 6% những người xin tỵ nạn ở Đức thực sự được trả lại đất nước đầu tiên khi họ đặt chân đến EU.

Châu Âu hiện đang phải vật lộn để tìm ra một chiến lược mới nhằm đối phó với dòng người di cư và tỵ nạn từ châu Phi và Trung Đông. Italia dừng hoạt động Mare Nostrum từ ngày 1-11, vừa để giảm chi phí vừa thúc đẩy một giải pháp toàn châu Âu. Kể từ đó, tàu tuần tra ngoài khơi bờ biển của Italia thuộc chương trình Triton của EU. Nhưng chương trình này không được giao nhiệm vụ giải cứu người tỵ nạn trên biển.

Đối mặt với làn sóng người tỵ nạn lớn nhất trong hàng thập niên, các nước giàu đã thất bại thảm hại, theo kết luận của Tổ chức Ân xá Quốc tế, chẳng hạn Italia chỉ có một nửa số quỹ 3,74 tỷ USD dành cho người tỵ nạn theo yêu cầu của Liên hiệp quốc. Ngày mai (11-12), EU sẽ công bố kết quả điều tra Mos Maiorum của cảnh sát toàn liên minh, với nhiệm vụ điều tra nơi đến, xuất xứ và con đường tỵ nạn của người tỵ nạn đến châu Âu.

Chuyện kể của Ahmad

Trong khi đó, giấc mơ về cuộc sống tốt hơn ở EU là nguồn thu khổng lồ của ngành công nghiệp đưa người vượt biên. Rất ít người Syria, Eritrea hay Hạ Sahara dám mạo hiểm trong cuộc hành trình đến châu Âu, mà hầu hết chọn cách chi tiền để được giúp đỡ. Ước tính từ đầu năm đến nay, những kẻ đưa người vượt biên đã có thể kiếm được vài trăm triệu EUR từ những người di cư đã đổ bộ lên bờ biển Italia. Các rào cản trên con đường lên phía Bắc càng nhiều, lợi nhuận những kẻ đưa người vượt biên kiếm được càng lớn.

Ahmad đã kể câu chuyện về cuộc hành trình của mình, từ các đường phố bị ném bom tơi tả của Damascus đến biên giới Pháp-Italia: “Mối liên lạc đầu tiên của tôi là một người môi giới ở Damascus tên Abu Jafir. Ông này nói tổng chi phí cho chuyến đi đến Italia 8.735USD/người và phải đưa trước. Số tiền này tương đương ít nhất 2 năm lương bình quân ở Syria trước chiến tranh.

Chúng tôi bắt xe buýt từ khu phố của tôi đến một khu vực gần sân bay. Từ đó, chúng tôi tiếp tục hướng tới Aleppo, nơi chúng tôi lên một chiếc xe tải nhỏ để đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Những người tỵ nạn đã bò qua một đường hầm dưới lòng đất để vào Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ là tỉnh Kilis ở phía Nam Anatolia.

Một chiếc xe buýt đưa chúng tôi đến Istanbul, cách đó 1.200km. Chúng tôi ở đó 2 tuần, một nửa thời gian là ở khách sạn. 500USD tôi mang theo đã hết sạch khi chúng tôi rời đó để đến một nơi gần Izmir. Đầu tiên, chúng tôi đã phải đi bộ suốt 8 giờ để đến một bến bí mật vào khoảng 9 giờ tối. Tôi và 126 người tỵ nạn khác bước lên chiếc thuyền dài hơn 20m, treo cờ Hoa Kỳ. Chúng tôi thật may mắn vì chiếc thuyền có động cơ khá mạnh. Chúng tôi đến Italia 4 ngày sau đó”.

Mỗi năm có khoảng 150.000 người nhập cư và tỵ nạn đổ bộ vào các bờ biển Italia.

Mỗi năm có khoảng 150.000 người nhập cư và tỵ nạn đổ bộ vào các bờ biển Italia.

Sau khi đổ bộ vào Capo Cimiti trên bờ biển Calabria, đội trưởng của họ - một người Turk 28 tuổi tên Koç Can - đã cố gắng giả dạng như một người tỵ nạn bị câm điếc. Nhưng Ahmad và những người khác không biết ai lên kế hoạch cho cuộc hành trình của họ, cũng không biết số tiền ít nhất 800.000EUR rơi vào tay ai.

Istanbul từ lâu đã nổi tiếng trong cộng đồng thực thi pháp luật là một trung tâm đưa người vượt biên quốc tế. Riêng trong năm 2011, hơn 9.000 kẻ đưa người vượt biên ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thu về lợi nhuận 303 triệu USD, theo một báo cáo của Trung tâm Chống khủng bố quốc tế thuộc Học viện Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng hạn, một nhân viên được phân công bảo vệ người tỵ nạn tại Istanbul được trả 30USD/ngày.

Người cho thuê tàu được ít nhất 3.000USD/tuần, trong khi đội trưởng của một đoàn tỵ nạn đến bờ biển Italia kiếm tới 10.000USD mỗi chuyến đi. Một trong những “bố già” của ngành đưa người vượt biên tỵ nạn là Muammer Küçük, hiện đang ẩn náu. Chỉ trong năm 2010, ông này đã bị mất tới 77 tàu chở người tỵ nạn ở bờ biển Italia, một con số cho thấy quy mô to lớn trong hoạt động đưa người vượt biên của ông.

(Còn tiếp)

Các tin khác