Shichi-Go-San & lễ hội tình yêu

Cố đô Kamakura. Hàng cây dâng lên trời những tàng lá màu lửa đỏ. Thiên nhiên đổ tràn từ những ngọn núi nhấp nhô, phủ thênh thang lên những con phố. Tôi chớp mắt, không tin mình đang có mặt ở Nhật Bản, vào giữa tháng 11, khi mùa thu đang chín.“Bạn thật may mắn vì có mặt ở đây vào đúng ngày lễ hội Shichi-Go-San” - bạn tôi, nhà văn Holly Thompson, một người Hoa Kỳ đã sống, giảng dạy và viết ở Nhật Bản hơn 10 năm nay, vừa nói, vừa dẫn tôi qua những con phố nhỏ xinh nằm vắt mình qua những khu vườn xum xuê quả chín.

Cố đô Kamakura. Hàng cây dâng lên trời những tàng lá màu lửa đỏ. Thiên nhiên đổ tràn từ những ngọn núi nhấp nhô, phủ thênh thang lên những con phố. Tôi chớp mắt, không tin mình đang có mặt ở Nhật Bản, vào giữa tháng 11, khi mùa thu đang chín.“Bạn thật may mắn vì có mặt ở đây vào đúng ngày lễ hội Shichi-Go-San” - bạn tôi, nhà văn Holly Thompson, một người Hoa Kỳ đã sống, giảng dạy và viết ở Nhật Bản hơn 10 năm nay, vừa nói, vừa dẫn tôi qua những con phố nhỏ xinh nằm vắt mình qua những khu vườn xum xuê quả chín.

Bước chân tôi rạo rực. Đã hai tuần nay, trong chuyến hành trình xuyên đất nước mặt trời mọc, tôi đã chứng kiến biết bao truyền thống văn hóa giàu bản sắc của người dân nơi đây. Trái với tưởng tượng về một nước Nhật vội vã, tôi đã được thả mình trong những bể nước khoáng cùng những phụ nữ bản xứ tại nhà tắm công cộng Osaka; ngồi lặng người để đón bình minh lên ở một đền thờ cổ tại cố đô Nara; ngắm nhìn những cô gái thướt tha trong bộ kimono tại thành phố Kyoto cổ kính; thưởng thức trà truyền thống cùng người Nhật tại một ngôi chùa ở thành phố Tokyo hiện đại…

Băng qua những con phố đông đúc người, trước mặt chúng tôi, cánh cửa khổng lồ của ngôi đền 950 năm tuổi Tsurugaoka Hachiman-gu hiện ra, đỏ thắm. “Ôi, đáng yêu quá” - tôi thốt lên khi thấy các bé gái xúng xính trong những bộ váy truyền thống, mặt ngời rạng rỡ. Một em bé trong chiếc kimono đỏ rực điểm xuyết bằng những nụ hoa anh đào, nhoẻn miệng cười với tôi. Đi tất trắng, guốc gỗ, thắt chiếc nơ lưng obi hai màu xanh thẳm và vàng óng qua eo, em bé trông như một thiên thần với vòng hoa đỏ cài trên tóc. Em vội vã nắm tay mẹ hướng về những bậc thềm dẫn lên sảnh của đền thờ. Trên tay em cầm một túi giấy dài.

“Ở trong chiếc túi ấy là những thỏi kẹo ngàn năm chitose-ame. Đó là những thỏi kẹo dài màu trắng và hồng có hình rùa và hạc - loài vật biểu tượng cho sự trường thọ” - Holly nói rồi hào hứng giải thích cho tôi về ngôi đền Tsurugaoka Hachiman-gu - ngôi đền Shinto linh thiêng nhất của cố đô Kamakura: “Hôm nay là ngày của lễ hội Shichi-Go-San (Ba, Năm, Bảy). Lễ hội đặc biệt này được tổ chức vào giữa tháng 11 hàng năm, để đánh dấu những mốc quan trọng nhất trong chặng đường đầu đời của mỗi đứa trẻ, khi chúng lên 3, 5 và 7.

Đôi uyên ương hạnh phúc trên chiếc xe kéo truyền thống.

Đôi uyên ương hạnh phúc trên chiếc xe kéo truyền thống.

Trên những bậc thềm dẫn lên sảnh của đền thờ lúc này có rất đông bé gái, bé trai xúng xính trong các bộ quần áo truyền thống của tổ tiên. Theo chân các em bước vào đền thờ Shinto linh thiêng, tôi lặng người trước một nghi lễ vô cùng trang trọng: những em bé đang được ban phước lành để sống lâu, khỏe mạnh suốt đời.

Được khởi xướng từ thời Heian (năm 794-1185), Shichi-Go-San ban đầu là nghi lễ của tầng lớp thượng lưu tổ chức vào ngày 15-11 hàng năm, ngày được xem là may mắn nhất trong năm. Sau đó, nghi lễ này lan nhanh sang các tầng lớp dân chúng, để rồi trở thành truyền thống văn hóa của người Nhật Bản. Holly nói dù bận rộn, các bố mẹ Nhật Bản đều cố gắng thu xếp để con họ tham dự nghi lễ đặc biệt này khi chúng lên 3 và 5 tuổi (với bé trai) và lên 3 và 7 tuổi (với bé gái).

Các bé trai sẽ được mặc chiếc áo khoác haori và quần hakama truyền thống, trong khi các bé gái mặc kimono lễ phục. Rất nhiều gia đình phải tiết kiệm một thời gian dài mới mua được các bộ kimono vì chúng được làm bằng các chất liệu quý nên rất đắt.

Ra khỏi đền thờ, tôi bắt gặp tiếng sáo và tù và. Một đôi nam nữ đang khoác tay nhau bước về phía tòa nhà nằm giữa khuôn viên rộng thênh thang của đền thờ. Cô gái mặc kimono trắng thướt tha, đầu đội chiếc mũ to màu trắng. Chàng trai mặc bộ kimono đen, thắt lưng trắng. Cả hai đều đi tất trắng và đeo guốc gỗ.

“Ôi, đám cưới” - Holly thốt lên và chúng tôi cùng hòa vào dòng người. Hôm nay đúng là ngày may mắn, vì tôi được chứng kiến hôn lễ cho đôi trai gái được cử hành long trọng, với sự tham dự của hai bên gia đình và rất đông khách lạ đang ghé qua đền. Sau khi hôn lễ kết thúc, tôi theo chân cặp vợ chồng mới cưới ra khỏi Tsurugaoka Hachiman-gu và bất ngờ thấy họ dừng chân trước một chiếc xe kéo.

Thay vì đi về bằng chiếc xe hơi sang trọng, chú rể ân cần đỡ cô dâu lên xe kéo đơn sơ. Người phu kéo trong trang phục truyền thống, đầu đội mũ đen hất tung một mảnh vải đỏ và phủ lên chân của cặp uyên ương. Tôi dõi theo cho đến khi cặp đôi hạnh phúc mất hút cùng đoàn người trên phố.

Chia tay Holly, chia tay cố đô Kamakura, tôi lên trên chuyến tàu lửa cao tốc hướng về thành phố Tokyo. Chẳng mấy chốc, trước mặt tôi là những tòa nhà vươn những cột sáng rực rỡ lên bầu trời đêm. Đất nước Nhật Bản đang dũng mãnh tiến về phía trước nhưng không hề bỏ quên những giá trị truyền thống văn hóa.

Các tin khác