Nghe chân ngựa về chốn xa

Từ ca khúc đầu tay “Ướt mi” viết năm 1958 đến khi qua đời vào năm 2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác được khoảng 600 bài hát. Hơn nửa thế kỷ qua, âm nhạc Trịnh Công Sơn chi phối không ít tâm tư người Việt, và chắc chắn sẽ còn đồng hành với vui buồn người Việt trong năm tháng rộng dài sắp tới.

Từ ca khúc đầu tay “Ướt mi” viết năm 1958 đến khi qua đời vào năm 2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác được khoảng 600 bài hát. Hơn nửa thế kỷ qua, âm nhạc Trịnh Công Sơn chi phối không ít tâm tư người Việt, và chắc chắn sẽ còn đồng hành với vui buồn người Việt trong năm tháng rộng dài sắp tới.

1. Giai điệu không quá độc đáo, nhưng ca từ của Trịnh Công Sơn lại có sức lay động và ám ảnh khôn nguôi. Mùa xuân thì tưng bừng đấy, nhưng nếu có một sớm mai bình yên hoặc nếu có một hoàng hôn tĩnh lặng, chắc chắn nhạc Trịnh lại được hát lên khe khẽ như sẻ chia, như vỗ về.

Tết Giáp Ngọ, nghe “cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa, em đến tôi ngồi đời mở ra cuộc tình” hay “Ngọn gió rung cành khi chiều chưa hết nắng, đường phố em về tóc cùng hoa quyến luyến” thì cũng thú vị, nhưng không thể hấp dẫn bằng nghe vó ngựa gõ nhịp trong ca khúc Trịnh Công Sơn. Tất nhiên, Trịnh Công Sơn không chủ đích viết ca khúc về ngựa, nhưng hình ảnh ngựa xuất hiện khá nhiều trong bài hát của ông như một sự dịch chuyển sinh động.

Thử làm một nhân viên kiểm toán, người hâm mộ dễ dàng tìm thấy ít nhất 13 ca khúc của Trịnh Công Sơn nhắc đến ngựa. Bài “Dấu chân địa đàng” viết năm 1962, hình ảnh ngựa đau đớn cùng thân phận con người trong bối cảnh đạn bom phân ly và chia cách: “Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần. Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngần. Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng. Một đời bỏ ngỏ đêm hồng. Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em”.

Cũng tâm trạng này, bài “Xin mặt trời ngủ yên” viết năm 1964, trình bày cụ thể hơn: “Ôi, chinh chiến đã mang bạn bè. Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương”.

Hình ảnh con ngựa cũng xuất hiện trong tranh của Trịnh Công Sơn.

Hình ảnh con ngựa cũng xuất hiện trong tranh của Trịnh Công Sơn.

Phải có cảm hứng đặc biệt với ngựa thì Trịnh Công Sơn mới đưa hình ảnh con vật bốn chân phương phi và dũng mãnh vào ca khúc dễ dàng và nhuần nhuyễn như vậy. Thậm chí, bài “Chỉ có ta trong một đời” viết năm 1970, Trịnh Công Sơn đăm đắm: “Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng, từ đó lên đường phiêu linh”.

Mục đồng Trịnh Công Sơn và ngựa hồng ưu tư đi vào ca khúc với nhiều cung bậc xúc động khác nhau, khi thì rạo rực trong bài “Huế Hà Nội Sài Gòn” viết năm 1969: “Ngày Nam đêm Bắc, tình chan trong mắt, sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào. Ngựa bay theo gió lòng reo muôn vó, cho dân ta bừng lớn trong tự do”, khi thì ngậm ngùi trong bài “Giọt lệ thiên thu” viết năm 1973: “Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm. Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non. Cuộc đời cho tôi, cho tôi tiếng nói đôi khi vui tươi. Cuộc đời cho tôi, cho tôi tiếng nói đôi khi ngậm ngùi. Gió núi bay qua lao xao bụi bờ, lao xao bờm ngựa. Nắng quái yêu ma lung linh thành trì lung linh cửa nhà”.

2. Cái tâm thức “người lên ngựa, kẻ chia bào” vẫn khiến hình ảnh ngựa trong ca từ Trịnh Công Sơn phần lớn diễn tả nỗi bẽ bàng kẻ ở người đi. Ví dụ, vó ngựa mịt mờ trong bài “Xa dấu mặt trời” viết năm 1965: “Hôm nay thức dậy không nhìn thấy mặt trời. Hay mình đã lạc loài. Vó ngựa trên đời hay dấu chim bay” tương đồng với chân ngựa khuất nẻo trong bài “Một cõi đi về” viết năm 1974: “Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ. Một chiều ngồi say một đời thật nhẹ ngày qua. Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ. Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”, và cũng tương đồng với vó ngựa bịn rịn trong bài “Thuở Bống là người” viết năm 1998: “Đừng buồn suối ơi. Đừng buồn núi ơi. Nắng vàng ở đâu. Bống về nơi nào. Vó ngựa tình sâu. Đất hồng nỗi nhớ. Tình Bống nhạt nhòa”.

Hình ảnh con ngựa, xe ngựa xuất hiện nhiều trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Hình ảnh con ngựa, xe ngựa xuất hiện nhiều trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Cũng hơi khiên cưỡng nếu dùng ánh mắt thống kê để đếm được chữ “ngựa” nào trong ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng khẳng định đó là… thiên lý mã. Bởi lẽ, ngựa còn có ý nghĩa phương tiện giao thông qua cách gọi “xe ngựa”.

Trong bài “Một ngày như mọi ngày” viết năm 1969: “Một ngày như mọi người. Giọng buồn lên tiếp nối. Một ngày như mọi ngày. Xe ngựa về ngủ say” hoặc trong bài “Rơi lệ ru người” viết năm 1976: “Nếu thật hôm nào em bỏ đi. Em bỏ đi sau lưng em còn con phố dài. Những hàng cây loan tin nhau rồi im tiếng nói. Quanh đây hoang vu tiếng cười. Có ngày xưa em theo tôi cùng ra quán ngồi. Bên đường xe ngựa ngược xuôi”. Rõ ràng, xe ngựa ở đây cũng có thể là xe đạp, xe máy hoặc xe lam, xe hơi…

3. Bên cạnh hình ảnh “xe ngựa” ẩn dụ thay cho xe hai bánh hoặc xe bốn bánh, thì vẫn có xe ngựa thật trong nhạc Trịnh Công Sơn. Bài “Phúc âm buồn” viết năm 1965: “Người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi. Người nhìn dấu xe lăn đi dấu lăn trên đời. Ngựa xa rồi người vẫn ngồi. Bụi về với mây. Người ngồi đó gieo hạt lúa trên ruộng đất này. Người còn đó nhưng bơ vơ mắt chong đêm dài. Ngựa xa rồi ngựa xa rồi. Trên tháng ngày vơi. Người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi. Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài. Nhuộm đất này, nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay”, và bài “Em còn nhớ hay em đã quên” viết năm 1980: “Em còn nhớ hay em đã quên. Nhớ đường dài qua cầu lại nối. Nhớ những con sông nối bao dòng kênh. Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng. Nhớ xôn xao hàng quán đêm đêm” đều trực tiếp hát về những chuyến xe ngựa lốc cốc chậm rãi đi qua thương nhớ! Đáng lưu ý nhất là bài “Đóa hoa vô thường” viết năm 1972, tuy tách “xe” và “ngựa” riêng ra, nhưng ai cũng mường tượng được một chiếc xe do ngựa kéo gõ đều vó cau theo kỷ niệm: “Từ đó trong hồn ta, ôi tiếng chuông não nề. Ngựa hí vang rừng xa, vọng suốt đất trời kia. Từ đó ta ngồi mê, để thấy trên đường xa. Một chuyến xe tựa như, vừa đến nơi chia lìa”.

Thời hội nhập, người đô thị rất khoái các loại kỷ lục lớn, kỷ lục bé lẫn kỷ lục nửa lớn nửa bé. Nếu không cẩn thận, Trịnh Công Sơn sẽ bị xác lập kỷ lục “nhạc sĩ viết về ngựa nhiều nhất Việt Nam”.

Các tin khác