Lao xao người Dao ăn Tết

Dân tộc Dao được coi là nhóm cư dân thiên di từ rất sớm. Điều đó lý giải vì sao ngày nay dân tộc Dao có mặt ở khá nhiều quốc gia trên thế giới, song đông nhất là ở Trung Quốc, nơi người Dao sinh sống từ thuở ban đầu.

Dân tộc Dao được coi là nhóm cư dân thiên di từ rất sớm. Điều đó lý giải vì sao ngày nay dân tộc Dao có mặt ở khá nhiều quốc gia trên thế giới, song đông nhất là ở Trung Quốc, nơi người Dao sinh sống từ thuở ban đầu.

Còn ở Việt Nam, người Dao có số dân đông đứng thứ bảy, trong cộng đồng năm mươi tư dân tộc anh em. Họ sống rải rác trên khắp mọi miền đất nước, nhưng tập trung đông nhất ở Việt Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc. Họ thích sống ở vùng rừng sâu, núi cao, những nơi có khí hậu quanh năm mát mẻ. Theo sách Tùy thư địa chí lý, ở tận Trường Sa cũng có người Dao sinh sống. Họ có tên gọi là Mạc Dao.

Người Dao tự nhận và tự gọi mình là Dao nhân, đọc thành Dào nhần, nghĩa là người Dao. Có một số tên gọi khác: Kềm miền; Dụ Tsiăng miền; Dụ Lảy miền (Quầy liềm miền); Ồ gang miền; Dụ Kùn miền; Èng Bò miền (Hèng Bò miền); Pà ây miền… Theo ngôn ngữ bạch thoại, Kềm nghĩa là rừng. Miền nghĩa là người. Người rừng. Điều đó cho chúng ta biết thêm, trong quá trình thiên di thảm khốc, bản thân họ cũng có sự ngộ nhận. Họ không hiểu rõ nguồn gốc của tộc người mình, nên tự nhận tên phiếm xưng: Kềm miền hoặc Kìm mùn (người rừng)

Cũng như các cư dân ở miền núi phía Bắc nước ta, người Dao cũng tổ chức ăn Tết Nguyên đán mừng năm mới. Nhưng sớm hơn các dân tộc khác, Tết Nguyên đán của họ thực sự bắt đầu từ 23, 24 tháng Chạp. Đó là những ngày nhà nhà mổ lợn, người người mổ gà để cúng ông bà tổ tiên. Bước chân vào bản Dao, ta nghe tiếng bàn sản loát xoát xào thịt. Tiếng mỡ nổ tí tóp tưng bừng. Mùi tỏi, mùi thảo quả bay ra làm nứt mũi. Ánh lửa le lói lọt qua vách nứa. Lửa rơi xuống sàn nhà. Lửa văng ra vườn mía. Lửa là tín hiệu mời gọi mọi người hãy tới đây làm khách.

Bạn bè, anh em, bạn của người anh em, họ bước chân rì rầm, lục đục kéo đến nhà nhau chúc tết. Sau khi rửa chân cất dép, họ liền được gia chủ chân tình cầm tay mời vào mâm dùng bữa. Ăn bữa cỗ ngày tết, họ không tính tuổi. Ngồi càng già, càng tình thân, càng nồng nàn thắm thiết. Ngồi càng lâu, chứng tỏ gia chủ là người hiếu khách. Thức ăn nguội, người nhà mang lên kiềng ba chân sáu lá, thúc lửa hâm lại cho nóng sốt. Người nào quá chén, trót say mèm, hãy ngồi yên một chỗ. Người nhà sẽ mang rễ cây từ trên gác bếp xuống, thổi qua cho hết bồ hóng, đưa vào miệng ngậm. Chỉ mươi phút sau khách lại ngồi ngay ngắn, tỉnh táo, tiếp tục chéo chén. Cuộc vui có khi dài đến gà gáy lần ba.

Người Dao cho rằng Tết Nguyên đán dành cho người đã mất. Đó là tết ma. Vì thế, ma phải được ăn cỗ tết trước người. Từ ma tổ tiên đến ma nắng ngồi, ma gió đi chơi, ma mưa nằm dài… đều được chia phần: quần áo đẹp, vòng kiềng bằng bạc, tiền âm phủ bằng giấy dó… để tiêu xài. Người dương có gì, người âm có nấy.

Tết Nguyên đán, người Dao cũng gói bánh chưng. Bánh làm bằng gạo nếp nương, gói lá dong, nhân đỗ xanh cùng thịt mỡ, nhưng không gói theo kiểu bánh chưng của người Tày, người Việt. Bánh chưng người Dao khum khum, gù ở hai đầu, gần giống múi bưởi. Người Tày gọi là pẻng lăng gòng - bánh lưng gù. Còn nhiều loại bánh khác, làm bằng bột gạo nếp, bánh bột sắn, bánh bột ngô, bánh gio, bánh rán, bánh trôi, bánh sừng bò. Khắp nhà, chỗ nào cũng có cái ăn.

Phụ nữ Dao trong trang phục truyền thống.

Phụ nữ Dao trong trang phục truyền thống.

Trước khi người nhà ăn, mâm cỗ phải đưa lên cúng ông bà ông vải. Hai bên bàn thờ buộc mỗi bên một cây mía, để nguyên cả ngọn. Đây là hai cây gậy đi đường cho tổ tiên lên mường trời. Đèn nến phải thắp sáng suốt đêm, không được để lụi. Ngọn đèn tượng trưng cho mặt trời và ngọn nến tượng trưng cho mặt trăng. Hai vầng nhật nguyệt thay phiên nhau soi sáng cho muôn loài, sưởi ấm cho mặt đất.

Đêm ba mươi, dù bận rộn, hay bất cứ lý do nào, cũng không được ngủ nhà người khác. Làm như thế, vô tình mang hết lộc nhà mình sang cho người ta. Sau ba tiếng gà gáy lần một, chủ nhà mang khẩu súng kíp ra cửa bắn ba phát chỉ thiên tiễn năm cũ, đón mừng năm mới. Ba phát nổ là ba tiếng cười của thủy tổ Bàn Hồ, ngài mừng vui trước sự sinh sôi nảy nở của tộc người Dao yêu quý.

Sáng mùng một, cả nhà lo bữa cơm thật thịnh soạn đón già bản đến chúc phúc. Người Dao Dụ lảy còn có tục vào rừng hái lộc cho mình và cho gia đình. Khi về đến đầu nhà, họ tháo máng nước ra, vốc lấy một ngụm uống cầu may cho cả năm.

Trong dịp tết, trai gái người Dao đều chưng diện áo quần sặc sỡ. Họ ríu ra ríu rít kéo nhau đi thành đoàn thành nhóm. Người đi như suối hoa. Người chảy từ bản này sang bản khác, từ xã nọ sang xã kia, mòn rách cả đế giày mà các chàng các nàng chưa ai muốn về nhà.

Họ hát Páo Dung sáng đêm tối ngày. Họ hát bên đống lửa, hát bên đầu núi, hát rè cả tiếng, khản cả giọng. Câu hát giao duyên truyền đi vít cong cây mía. Tiếng hát xuyên qua vải áo chàm và làm mi mắt chát. Sau mỗi cuộc hát, có đôi thành vợ thành chồng. Cuối năm có cháu cõng bi bô mang về khoe nhà ngoại.

Tết Nguyên đán là thời khắc quan trọng nhất, thiêng liêng nhất đối với người Dao. 

Các tin khác