Kinh tế VN 2014-2015: Kỳ vọng vượt thoát trì trệ

Thực hiện Hiến chương ASEAN mở cửa thị trường đến gần, nỗ lực đàm phán ký kết TPP, thực hiện đầy đủ lộ trình của WTO đã ký kết, thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương… mở ra nhiều cơ hội để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh trong các năm tới. Vì vậy nếu Việt Nam vượt qua được những thách thức từ chính nội tại của nền kinh tế, năm mới sẽ củng cố niềm tin, mở ra hy vọng thời kỳ phát triển mới. ĐTTC giới thiệu bài phân tích của TS. Trần Du Lịch (ảnh).

Thực hiện Hiến chương ASEAN mở cửa thị trường đến gần, nỗ lực đàm phán ký kết TPP, thực hiện đầy đủ lộ trình của WTO đã ký kết, thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương… mở ra nhiều cơ hội để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh trong các năm tới. Vì vậy nếu Việt Nam vượt qua được những thách thức từ chính nội tại của nền kinh tế, năm mới sẽ củng cố niềm tin, mở ra hy vọng thời kỳ phát triển mới. ĐTTC giới thiệu bài phân tích của TS. Trần Du Lịch (ảnh).

Chuyển hướng chính sách linh hoạt

Trở lại đầu năm 2011, thời điểm diễn ra Đại hội XI của Đảng, thông qua kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 và Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, cho thấy ngay trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và cũng ngay sau Đại hội XI, do nguy cơ tái lạm phát cao và chịu tác động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới, nên thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, chính sách kinh tế đã chuyển hướng sang mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết 11/CP thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt và chính sách tiền tệ chặt chẽ nhằm giảm tổng cầu nền kinh tế. Hệ quả tất yếu của chính sách trên đã làm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại: GDP năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,25% và năm 2013 tăng 5,4%, bình quân 3 năm 2011-2013 tăng 5,6%.

Kết quả trên khá thấp so với mục tiêu Đại hội XI đề ra bình quân 7-7,5%/năm và cũng thấp hơn mức điều chỉnh theo theo Nghị quyết của Quốc hội 6,5-7%/năm (tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 7%/năm).

Với tình hình thực tế hiện nay và theo Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội đề ra mục tiêu tăng GDP năm 2014 là 5,8% và năm 2015 là 6%, mức tăng GDP bình quân mỗi năm giai đoạn 2011-2015 cũng chỉ ở mức dưới 6%. Có thể nói từ năm 2011 đến nay, đây là thời kỳ nền kinh tế rơi vào trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và kinh tế vĩ mô rơi vào tình trạng bất ổn nhất so với 20 năm qua.

Nền kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và vẫn  đối diện với những khó khăn ngắn hạn, chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định. Lạm phát thấp có nguyên nhân quan trọng là tổng cầu của nền kinh tế giảm, giá lương thực, thực phẩm tăng thấp; mất cân đối ngân sách, nợ công gần đến giới hạn cho phép, khối lượng nợ phải trả ngày càng lớn gây áp lực cho ngân sách, ảnh hưởng đến đầu tư.

Trong 2 năm 2012-2013, với hệ quả của các biện pháp giảm tổng cầu đã tác động kiềm hãm sức mua của thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản, giải thể có xu hướng tăng nhanh từ đầu năm 2012 và kéo dài sang năm 2013.

Nên trong suốt năm 2013, nền kinh tế đối diện với 4 thách thức: (i) nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường đã thu hẹp “dư địa” của các chính sách tài khóa và tiền tệ;

(ii) tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là DNNVV;

(iii) do lạm phát kỳ vọng cả năm là 7%, nên việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi bị hạn chế. Lãi suất cho vay dù đã kéo giảm nhiều lần, nhưng vẫn còn khá cao, đặc biệt là lãi suất vay trung-dài hạn, nên không kích thích được các doanh nghiệp đang có thị trường mở rộng đầu tư, là nguy cơ làm tăng nợ xấu đối với những doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sản xuất;

(iv) những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại nhiều kết quả, thanh khoản của thị trường chưa được cải thiện.

Thành quả bước đầu

Đến thời điểm đầu năm 2014, có thể nói những khó khăn nêu trên đã được cải thiện phần nào: GDP năm 2013 tăng 5,4%; lạm phát được kiềm chế và CPI chỉ tăng 6,02% so với tháng 12-2012; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4% (kế hoạch trên 10%), nhập siêu chỉ còn khoảng 0,4 tỷ USD; hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 9,4% so với mức tăng 21,5% cùng kỳ năm 2012.

Số doanh nghiệp trong nước tạm ngưng hoạt động đã quay lại hoạt động gần 11.800 doanh nghiệp. Đặc biệt khu vực FDI vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng. Vốn đăng ký đạt 20,8 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện đạt gần 10 tỷ USD. Thanh khoản ngân hàng thương mại có sự ổn định hơn so với các năm trước; thị trường tài chính, thị trường bất động sản tuy chưa khởi sắc nhưng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực...

Thành quả nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định… Tăng trưởng tín dụng cả năm ước đạt khoảng 10%, nên nhiều doanh nghiệp vẫn đang khó khăn tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm nhiều. Hành trang kinh tế Việt Nam bước vào năm 2014 tuy có cải thiện hơn so với năm 2013, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cả ngắn hạn lẫn trung-dài hạn.

Tháo gỡ các nút thắt

Để nền kinh tế từ năm 2016 có thể phục hồi tốc độ tăng trưởng của thời kỳ 2001-2010, các chính sách kinh tế trong 2 năm 2014-2015 phải hướng tới mục tiêu khắc phục 3 vấn đề trung-dài hạn đang đặt ra:

(1) Một nền công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, với lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu. Năm 2012-2013 sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI (cũ và mới), còn doanh nghiệp trong nước hoàn toàn không có khả năng tăng trưởng xuất khẩu. Trong khi đó giá cả lao động phải tăng liên tục để bù đắp lạm phát và yêu cầu cải thiện đời sống, nên chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh giảm.

Công nghiệp hỗ trợ - yếu tố then chốt để nâng tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm, giảm giá thành - cho đến nay vẫn thiếu chính sách phát triển. Một nền nông nghiệp có nhiều lợi thế, nhưng dựa vào xuất thô với giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đặt vào khuôn khổ cạnh tranh toàn cầu, nên không thể cải thiện được thị trường của 70% dân số sống ở nông thôn. Nước ta xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, với doanh thu 3,5 tỷ USD nhưng phải nhập 3,7 tỷ USD nguyên liệu thức ăn gia súc.

(2) Năng suất tổng hợp (TPF) giảm: Năng suất tổng hợp là chỉ báo quan trọng thể hiện sự sử dụng các yếu tố sản xuất (tài nguyên, nhân lực và vốn) có hiệu quả. Sự giảm tuyệt đối năng suất tổng hợp trong việc đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP trong 10 năm gần đây, đồng thời tăng nhanh yếu tố vốn đã lý giải nguyên nhân nền kinh tế kém cạnh tranh và sự tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư.

Hệ số ICOR tăng cao, gây mất cân đối nghiêm trọng giữa tích lũy và đầu tư. Đây là nguyên nhân sâu xa của lạm phát. Năng suất và hiệu quả đang là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình cạnh tranh và hội nhập đang diễn ra.

(3) Tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang vướng mắc về mặt tư duy. Sự vướng mắc làm chậm quá trình tái cơ cấu thể hiện trên 3 mặt: Chức năng kinh tế của Nhà nước trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường: có sự lẫn lộn giữa Nhà nước và thị trường; hạn chế trong việc sử dụng các công cụ điều tiết thị trường của Nhà nước: vai trò dẫn dắt và hỗ trợ thị trường của thể chế kinh tế và hành chính công; sự phân bổ nguồn lực kém hiệu quả: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, bất động sản…

Với 3 vấn đề nêu trên, nhưng xét cho cùng khâu đột phá và sự trông đợi niềm tin của thị trường vẫn là khâu thể chế kinh tế, cần có sự đột phá theo tinh thần Nghị quyết XI của Đảng và đặc biệt là sự quyết tâm thực hiện những vấn đề đặt ra như nội dung thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ. 

Các tin khác