Du lịch Tây Nguyên

Năm 2014, Tây nguyên được Bộ VH-TT-DL chọn làm Năm du lịch Quốc gia với chủ đề “Đại ngàn Tây nguyên”, gồm nhiều hoạt động văn hóa – du lịch đặc sắc diễn ra suốt năm tại các tỉnh trong khu vực. Mở đầu là lễ công bố Năm du lịch Quốc gia tại TP Đà Lạt. Đây là một vận hội mới để du lịch Tây nguyên có dịp nhìn lại mình, có hướng đi mới khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế thế giới.

Năm 2014, Tây nguyên được Bộ VH-TT-DL chọn làm Năm du lịch Quốc gia với chủ đề “Đại ngàn Tây nguyên”, gồm nhiều hoạt động văn hóa – du lịch đặc sắc diễn ra suốt năm tại các tỉnh trong khu vực. Mở đầu là lễ công bố Năm du lịch Quốc gia tại TP Đà Lạt. Đây là một vận hội mới để du lịch Tây nguyên có dịp nhìn lại mình, có hướng đi mới khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế thế giới.

Cái tên “Đại ngàn Tây nguyên” có thể hình dung ra các sản phẩm đặc trưng: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch hoa, du lịch tâm linh. So với các khu vực khác trong cả nước, Tây nguyên có nhiều vườn quốc gia như Cát Tiên (Lâm Đồng), E A Sô (Đắk Lắk), Kon Ka Kinh (Gia Lai), Chư Mom Ray (Kon Tum)… đang lưu giữ nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm.

Và nhờ đó nhiều di sản văn hóa bản địa được lưu truyền qua các thế hệ mà tiêu biểu nhất chính là văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2005. Hầu như ở tất cả các tỉnh đều có tiềm năng đan xen về văn hóa,  đa dạng sinh học làm cơ sở cho việc phát triển các tuyến du lịch đặc trưng: Khu du lịch (KDL) thung lũng Vàng, KDL thác Prenn (Lâm Đồng), buôn Đôn (Đắk Lắk), Đồng Xanh (Gia Lai)...

Tiềm năng là vậy, nhưng đến nay ngành du lịch Tây nguyên vẫn chưa xây dựng được các tuyến đặc trưng của vùng, dù đặc điểm về địa lý, văn hóa đã gợi nên nhiều tò mò cho du khách. Nhiều năm nay, ngành du lịch các tỉnh cũng đặt ra vấn đề liên kết nhưng vẫn đang thiếu một nhạc trưởng, nên chưa có sự gắn kết toàn vùng hay liên vùng với con đường di sản miền Trung thành các tuyến du lịch tầm cỡ quốc tế.

Không gian thiên nhiên tuyệt đẹp ở khu du lịch Thung lũng Vàng.

Không gian thiên nhiên tuyệt đẹp ở khu du lịch Thung lũng Vàng.

Tiên phong trong nhiều năm nay, Công ty Du lịch Dã ngoại Phương Nam-Đà Lạt đã xây dựng các tour du lịch sinh thái mà mới nhất là tour “khám phá rừng xanh”, do công ty này liên kết với Trung tâm Huấn luyện núi Voi và KDL Trúc Lâm Viên ra mắt nhân dịp Festival Hoa năm 2013. Khách được đi bộ kết hợp leo núi trong rừng già nguyên sinh, rừng hỗn giao và trải nghiệm cuộc sống ăn, ngủ sinh hoạt trong rừng của căn cứ núi Voi thời kháng chiến chống Mỹ.

Khách du lịch có thể bắt đầu cuộc hành trình từ hồ Tuyền Lâm và kết thúc tại KDL thiền Trúc Lâm Viên và ngược lại. Điều đặc biệt là hướng dẫn viên chính là các cô sơn nữ người K’Ho bản địa sẽ đi cùng du khách. Tiếc là những tour du lịch kiểu này còn quá ít.

Tây nguyên có văn hóa cồng chiêng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng 8 năm qua các địa phương vẫn “mạnh ai nấy làm” trong việc định hình các sản phẩm du lịch văn hóa cồng chiêng. Các công ty du lịch tại TPHCM mới chỉ dừng lại các tour du lịch liên tuyến biển - núi chứ chưa có các tour xuyên vùng khám phá du lịch có tính chuyên biệt như sinh thái kết hợp văn hóa bản địa hay tour khám phá văn hóa cồng chiêng Tây nguyên để du khách có dịp tìm hiểu văn hóa các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Mạ, K’Ho.

Hy vọng rằng, nhân năm du lịch quốc gia 2014, các tỉnh Tây nguyên sẽ liên kết lại để sớm định hình các tour tuyến đặc trưng của vùng theo hướng du lịch bền vững sẵn có của mỗi địa phương, qua đó tăng sức thu hút cho chính ngành du lịch Việt Nam.

Các tin khác