Cửu Đỉnh - báu vật quốc gia

Cửu đỉnh đúc bằng đồng vừa được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là báu vật quốc gia. Trong số 9 linh vật trên Cửu đỉnh, Mã - tục danh con ngựa khắc nổi trên hông Anh đỉnh đặt hàng thứ 2 bên trái trước sân Thế Miếu, Đại nội Huế - tượng trưng cho sự hiển đạt.

Cửu đỉnh đúc bằng đồng vừa được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là báu vật quốc gia. Trong số 9 linh vật trên Cửu đỉnh, Mã - tục danh con ngựa khắc nổi trên hông Anh đỉnh đặt hàng thứ 2 bên trái trước sân Thế Miếu, Đại nội Huế - tượng trưng cho sự hiển đạt.

Địa dư chí bằng hình 

Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. 143 năm (1802-1945) trị vì, vương triều Nguyễn để lại nhiều công trình văn hóa có giá trị tiêu biểu ở cố đô Huế. Một trong số ấy là Cửu đỉnh - biểu tượng giàu đẹp, thống nhất đất nước và ước mơ triều đại vững bền, hùng mạnh do Bộ Công thực hiện năm 1836 dưới thời vua Minh Mạng. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan dẫn dải, đúc Cửu đỉnh và sau đó gia công hoàn chỉnh mất 15 tháng, đến tháng giêng năm Minh Mạng XVIII (3-1837) hoàn thành.

Công trình này đặt hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế. Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong tòa miếu. Riêng đỉnh tương ứng gian thờ vua Gia Long đặt hơi nhích về phía trước, vì đó là vị hoàng đế khai sáng triều đại. Ở mặt trước hông các đỉnh đúc nổi 2 chữ đại tự với chữ dưới là chữ đỉnh và chữ trên là tên gọi tắt miếu hiệu từng vị vua. Chẳng hạn, Cao đỉnh là miếu hiệu vua Gia Long, Nhân đỉnh là miếu hiệu vua Minh Mạng…

Việc trang trí quanh hông các đỉnh đồng được người xưa đúc nổi 153 cảnh vật, phân bố theo biểu đồ chung và chia làm 3 hàng ngang, mỗi hàng một chủng loại. Bằng kỹ thuật khắc nổi vừa phải, các họa tiết hoa văn trên Cửu đỉnh tuy trang trí mặt ngoài, nhưng không lặp lại quy luật, mỗi hình là một tác phẩm điêu khắc độc lập.

Sự đa dạng, tính thống nhất, cái tinh tế và sự hài hòa ấy thể hiện tư duy người thợ đúc đồng thời bấy giờ, tư duy sáng tạo và năng động. Qua đó, hàm chứa quyền lực vương triều Nguyễn bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và thiên nhiên đất nước (kể cả vùng trời và biển), cùng sức mạnh bảo vệ quyền sở hữu ấy.

Có thể xem những khắc họa trên Cửu đỉnh như một bộ “Địa dư chí” bằng ngôn ngữ tạo hình nước Việt Nam thế kỷ 19, không đầy đủ nhưng điển hình, đúng yêu cầu vua Minh Mạng: “Nay đúc đỉnh, khắc hình tượng sông núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để nhận biết”.

Ngựa trên Anh đỉnh

Ngựa (tức ngọ) đứng thứ 7 trong địa chi 12 con giáp. Dân gian cho rằng, ai cầm tinh con ngựa bản tính lăng xăng, hay chạy, làm việc gì cũng vội. Vậy nhưng con vật này lại được khắc nổi trên hông Anh đỉnh (đỉnh ứng với án thờ vua Tự Đức), tượng trưng cho sự hiển đạt. Lý giải về điều này, các nhà nghiên cứu Huế cho rằng ngựa là con vật trung thành. Trong chiến đấu, khi người chủ bị thương, nó có thể tìm cách báo hiệu cho người khác đến cứu.

Đặc biệt, giống ngựa rất thông minh, có thể thuần phục, làm được nhiều việc, lại biết diễn trò. Ngựa dùng để thồ hàng, kéo xe, phục vụ chiến đấu, lại có cả những đơn vị vũ trang cơ động nhanh với hàng ngàn quân ngựa gọi là kỵ binh, hay kỵ mã. Có lẽ vì thế khi chỉ đạo Bộ Công đúc xong Cửu đỉnh, vua Minh Mạng chỉ đạo cho chạm hình tượng con ngựa vào Anh đỉnh.

Cửu đỉnh là biểu tượng giàu đẹp, thống nhất đất nước đặt trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế.

Cửu đỉnh là biểu tượng giàu đẹp, thống nhất đất nước đặt trước sân Thế Miếu,
nơi thờ các vị vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế.

9 chiếc đỉnh đồng đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có 2 quai, dưới bầu có 3 chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là Minh Mạng thập lục niêm Ất Mùi (1836), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh có khác nhau xê dịch từ 3.201 cân ta đến 4.307 cân ta.

Quá trình điền dã, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đã có phát hiện thú vị: Tất cả các loại cảnh vật khắc nổi trên Cửu đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9 (9 ngọn núi lớn, 9 con sông, 9 loài chim, 9 linh vật…). Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu lý giải người xưa xem con số 9 là số nhiều, đầy đủ nhất đến mức hoàn tất, để rồi sang con số 10 sẽ trở lại từ đầu theo chu kỳ mới. Là một lịch đại đầy đủ.

Dù đã trải qua gần 2 thế kỷ, Cửu đỉnh vẫn được coi là một trong những tuyệt tác nghệ thuật đúc đồng, di sản văn hóa lịch sử đặc sắc của Việt Nam. Cửu đỉnh cung cấp nhiều thông tin, trong đó có những hình ảnh khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Các tin khác