Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

(ĐTTCO) - Đại dịch khiến thế giới nhận ra những hạn chế từ chuỗi cung ứng hiện tại, hệ lụy có thể dẫn đến khả năng đổ vỡ hệ thống nếu phụ thuộc quá mức vào một mắt xích. 
Đại dịch cũng là thời khắc giải tỏa áp lực cho thương mại Việt Nam, khi việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu là quy luật tất yếu. Cục diện sẽ thay đổi cho quốc gia nào có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kiểm soát tốt đại dịch và ổn định kinh tế vĩ mô, có lẽ là chiến lược marketing tốt nhất vào lúc này.
Đứt gãy chuỗi cung ứng, nâng tầm công nghệ số
Việc đóng cửa biên giới, hạn chế xuất nhập cảnh trong giai đoạn đại dịch, đã khiến hoạt động thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn và đứt gãy, đặc biệt các đầu tàu của chuỗi cung ứng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Liên minh châu Âu (EU). Một sự trùng hợp ngẫu nhiên những nước đầu tàu này đều chịu sự tàn phá nặng nề từ Covid-19. Đồng thời, mức độ tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh của 1.000 nhà cung ứng lớn nhất thế giới có đến 12.000 cơ sở tại các khu vực bị cách ly bởi Covid-19, phần lớn đều ở Trung Quốc.
Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai ảnh 1 Hình 1: Xuất khẩu và nhập khẩu của các nhóm nước EAP (%), T8.2018-T2.2021. Nguồn: Haver Analytics.
Từ đó giải thích tại sao có sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, khi chuỗi giá trị toàn cầu chiếm hơn 50% giá trị thương mại quốc tế. Ngoài ra, việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến các quốc gia tăng cường khả năng tự động hóa, nhằm cải thiện năng lực sản xuất và rút lui khỏi chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến nội địa hóa nền kinh tế. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu còn đến từ các đòn trừng phạt lẫn nhau trong thương chiến Mỹ-Trung, cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Các ngành công nghiệp trên thế giới đang phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, nên các quốc gia đầu tàu có xu hướng “tháo nút” khỏi nơi được xem là công xưởng của thế giới hiện nay. 
Xu hướng cho thấy việc thiết lập các nguồn cung ứng và chuỗi giá trị về gần hơn là cần thiết để dễ kiểm soát. Thương chiến Mỹ-Trung trước đó phần nào đã khởi động và thúc đẩy tiến trình này, khi Trung Quốc nghĩ rằng cần có chiến lược làm suy yếu vai trò dẫn đầu của Mỹ trong thương mại toàn cầu. 
Thực ra đại dịch không phải là nguyên nhân duy nhất làm thay đổi cấu trúc của chuỗi giá trị toàn cầu, có lẽ chỉ là chất xúc tác làm quá trình này nhanh hơn. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, việc sản xuất thâm dụng nguyên liệu nhập khẩu trong xuất khẩu đã giảm rõ rệt. Nhìn lại lịch sử hơn 30 năm qua, hệ thống sản xuất phi tập trung đã phát huy hiệu quả và đóng góp lớn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng lại phụ thuộc vào khả năng giao thương, vận chuyển và các chính sách thương mại khác nhau của từng quốc gia. 
Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai ảnh 2 Hình 2: Xuất khẩu và nhập khẩu của ASEAN-5 với một số đối tác (%), 2019-2020. Nguồn: Tô Công Nguyên Bảo & cộng sự (2021), dữ liệu trích xuất từ WB (ASEAN-5 bao gồm các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam). 
Cùng lúc này, hình thái sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng dần hiện ra. Với sự phát triển của công nghệ số, các công ty đa quốc gia có xu hướng chuyển dịch về nơi gần với thị trường tiêu thụ để giảm chi phí vận chuyển, tăng tốc độ bán hàng. Hoạt động sản xuất của các công ty thuộc chuỗi cung ứng sẽ phải tái cấu trúc, buộc các công ty cân nhắc chiến lược giảm sự phân tán sản xuất ở nơi có lao động giá rẻ.

Nâng tầm vị thế mới thương mại Việt Nam 
Việt Nam ghi nhận xuất siêu kỷ lục ở mức 19,1 tỷ USD trong năm 2020. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu nhiều nhất, với thặng dư thương mại đạt 62,7 tỷ USD. Trong khi đó, thâm hụt thương mại với nơi nhập khẩu nhiều nhất là Trung Quốc ở mức 35,4 tỷ USD. Khi xem xét hoạt động thương mại các nhóm nước thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP), dễ dàng nhận thấy: Việt Nam có mức tăng trưởng về giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu cao nhất (Hình 1); Các nước ASEAN-5 có xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang Mỹ nhiều hơn so với Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn khác, trong khi lại nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhất (Hình 2). Các xu hướng này tương đồng với các số liệu thống kê về hoạt động thương mại của Việt Nam trong năm 2020. 
Đại dịch dường như đang giải tỏa áp lực để giúp Việt Nam tiếp cận và tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể trở thành “hạt nhân” mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhân tố đang góp phần làm nhanh hơn quá trình này, bao gồm: (1) Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tương đồng khoảng 53,4% so với hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc; (2) Chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn so với Trung Quốc; (3) Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh ở Việt Nam đã cải thiện trong năm 2020, lần lượt xếp hạng thứ 70 (tăng 23 bậc so với năm 2010) và 67 (tăng 8 bậc so với năm 2010).
Tuy nhiên, nâng tầm vị thế mới cho thương mại Việt Nam không phải là việc một sớm một chiều, mà là cả quá trình chuẩn bị từ giải pháp đến nguồn lực. Bởi chúng ta đang phải đương đầu với những thách thức trước những cú sốc phi truyền thống như đại dịch, sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương, sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn và kỷ nguyên công nghệ số đang mở ra.
Có 5 nguyên tắc cơ bản nhằm định hình chiến lược cho thương mại Việt Nam: (1) Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; (2) Nâng cao chiều sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu; (3) Cải thiện giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu trong chuỗi giá trị; (4) Áp dụng công nghệ số cho các hoạt động kinh tế; (5) Thay đổi nhận thức để thích ứng.
 Đại dịch Covid-19 làm các bất ổn toàn cầu trở nên nghiêm trọng và khó lường hơn trước. Vì thế, mỗi quốc gia ngay lúc này phải lường trước các kịch bản và chuẩn bị những chiến lược để thích ứng và “cất cánh” trong tương lai mới.

Các tin khác