Vì sao dòng tiền chọn cổ phiếu ngân hàng?

(ĐTTCO)-Trong những phiên giao dịch tuần qua, thị trường bất ngờ với quy mô thanh khoản khổng lồ xuất hiện tại các cổ phiếu ngân hàng. Diễn biến này càng kỳ lạ vì sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I-2021, các cổ phiếu ngân hàng thậm chí còn quay đầu giảm vài tuần cuối tháng 4. Dòng tiền đổ vào cổ phiếu ngân hàng chủ yếu là vốn nội, trong khi NĐT nước ngoài rất ít giao dịch, hoặc chỉ là bán ròng.
Tính từ cuối năm 2020 đến nay, biến động giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng vượt trội hoàn toàn so với các chỉ số đại diện như VN30 Index hay VN Index, đặc biệt là từ giữa tháng 4-2021.
Tính từ cuối năm 2020 đến nay, biến động giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng vượt trội hoàn toàn so với các chỉ số đại diện như VN30 Index hay VN Index, đặc biệt là từ giữa tháng 4-2021.
Thanh khoản bất thường
Biến động đáng chú ý nhất trong giao dịch của một cổ phiếu không hẳn là giá tăng hay giảm nhiều, mà là ở thanh khoản. Giá có thể thay đổi lớn, nhưng chỉ có thanh khoản mới là dấu vết của dòng tiền.
Thanh khoản càng cao càng chứng tỏ mức độ quan tâm của các NĐT lớn, các tổ chức chuyên nghiệp. Điều này đặc biệt đúng với cổ phiếu ngân hàng, khi khối lượng lưu hành cực lớn.
Ngay cả trong thời điểm thị trường bùng nổ tháng 12-2020 hay trong 3 tháng đầu năm 2021, thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng tuy cao, nhưng cũng không đạt tới ngưỡng 1.000 tỷ đồng mỗi ngày.
Cổ phiếu duy nhất thường xuyên giao dịch ở ngưỡng thanh khoản này chỉ có HPG. Thế nhưng chỉ trong tuần qua, HPG đã không còn là tâm điểm thanh khoản nữa, thay vào đó là những cái tên như VPB, TCB, STB, CTG.
Thống kê thanh khoản tính theo giá trị giao dịch của các mã này có thể thấy rõ nét sự vận động của dòng tiền lớn đang đổ vào đây. VPB trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên khoảng 222 tỷ đồng.
TCB cùng thời gian giao dịch bình quân 549 tỷ đồng/phiên, STB giao dịch bình quân 560 tỷ đồng/phiên, CTG khoảng 416 tỷ đồng/phiên. Chỉ riêng tuần qua, giao dịch của VPB vọt lên 1.505 tỷ đồng/phiên; TCB đạt 1.289 tỷ đồng/phiên; STB đạt 1.135 tỷ đồng/phiên; CTG đạt 968 tỷ đồng/phiên. 
Hiện tượng bùng nổ giao dịch là cực kỳ đáng chú ý, như VPB tăng thanh khoản bình quân mỗi ngày tới hơn 6 lần. Đây chỉ là các cổ phiếu ngân hàng nổi trội, còn hầu hết các mã ngân hàng xưa nay thanh khoản rất kém, cũng bùng nổ giao dịch, dù chưa tới ngưỡng ngàn tỷ đồng mỗi ngày như LPB, ACB, MBB, HDB, thậm chí như MSB vừa mới lên sàn cuối năm ngoái. 
Cũng phải nhấn mạnh là sự bùng nổ thanh khoản này chỉ mới diễn ra từ đầu tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ. Phiên giao dịch gây sốc nhất là hôm 4-5 vừa qua với 4 cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giao dịch vượt 1.000 tỷ đồng, với thanh khoản “ít nhất” là CTG đạt 1.072 tỷ đồng và cao nhất là VPB với 1.431 tỷ đồng.
Đó cũng là phiên giao dịch tại các cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 30% tổng giá trị khớp lệnh cả 2 sàn.

Dòng tiền của quỹ?
Việc các quỹ ETF nội thu hút được vốn và đem giải ngân là động lực chính khiến thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng tăng lên. Giá các cổ phiếu ngân hàng cũng biến động mạnh, thậm chí gần đây đã trở thành những cổ phiếu vượt trội trên thị trường.
Với quy mô giao dịch khổng lồ xuất hiện hàng ngày, khó có thể nói rằng đó là do các NĐT nhỏ lẻ tham gia, dù chắc chắn dòng vốn này chung tay tạo thanh khoản cho các cổ phiếu ngân hàng. Một trong những dòng vốn quan trọng nhất có thể đến từ các quỹ ETF nội, vốn đang thu hút dòng tiền rất tốt cả trong lẫn ngoài nước.
Cổ phiếu ngân hàng hiện là tâm điểm của quỹ đầu tư nổi bật như VNFin Lead ETF. Tuy nhiên không chỉ quỹ này, nhiều quỹ đầu tư khác cũng đưa cổ phiếu vào danh mục đầu tư, vì lĩnh vực tài chính thường là thành phần không thể thiếu.
Đơn cử như quỹ ngoại PYN Elite Fund cũng phân bổ tới 1/3 danh mục vào các mã ngân hàng như HDB, CTG, TPB, MBB. Chưa hết quỹ này cũng rót cả ngàn tỷ đồng vào quỹ VFM VNDiamond (số liệu đến tháng 4 khoảng 9,7% danh mục).
Quỹ VFM VNDiamond với NAV (giá trị tài sản ròng) hơn 11.564 tỷ đồng (số liệu đến 6-5-2021) lại phân bổ lượng vốn khổng lồ vào ACB (5,98%), CTG (3,3%), MBB (5,58%), MSB (1,52%), TCB (10,23%), TPB (1,78%), VPB (10,35%)...
Kỳ đổi danh mục tháng 4 VNDiamond có tới 10 cổ phiếu ngân hàng. Thậm chí ngay như quỹ  Fubon FTSE Vietnam ETF vừa mới IPO thành công cuối tháng 4 vừa qua với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng, cũng lại đưa vào những cái tên ngân hàng như ACB, VCB, HDB, STB.
Dĩ nhiên khi nhắc đến cổ phiếu ngân hàng thì không thể bỏ qua được VNFin Lead ETF, vì quỹ này bám theo chỉ số VNFinLead Index bao gồm 14 cổ phiếu, trong đó cũng có 10 cổ phiếu ngân hàng là VPB, VCB, TPB, TCB, STB, MBB, HDB, EIB, CTG, BID.
Quỹ này đến kỳ mới nhất cuối tháng 4 có tổng cộng 132,4 triệu chứng chỉ trong khi con số cuối tháng 3 là 121,2 triệu, tức là trong tháng 4 phát hành thêm 11,2 triệu. Con số đầu tháng 1-2021 mới là 81,3 triệu chứng chỉ. 
Việc các quỹ ETF nội thu hút được vốn và đem giải ngân là động lực chính khiến thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng tăng lên. Giá các cổ phiếu ngân hàng cũng biến động mạnh, thậm chí gần đây đã trở thành những cổ phiếu vượt trội trên thị trường. Lấy thí dụ VPB từ đầu tháng 4 đến 6-5 đã tăng giá 38,4%, TCB tăng 16,6%, MBB tăng 12,3%... 
Ngược lại, đà tăng giá cũng hấp dẫn các NĐT khác trên thị trường nhảy vào giao dịch và tổng hợp các dòng tiền to nhỏ đã chung sức đẩy thanh khoản lên. Một thực tế là thị trường tuy vượt đỉnh lịch sử trong tháng 4, nhưng sau khi kết quả kinh doanh quý I xuất hiện, số cổ phiếu tăng giá rất ít.
Điều đó nghĩa là cơ hội kiếm lời trở nên khó khăn. Cổ phiếu ngân hàng bỗng nhiên trở thành món hàng hấp dẫn thời thượng, vừa có thanh khoản cao, vừa có đà tăng giá mạnh, nên NĐT đã cơ cấu lại danh mục. 

Các tin khác