Vàng tăng phi mã, SJC có doanh thu vượt 1 tỷ USD

(ĐTTCO)-Năm 2020, giá vàng miếng liên tục vượt mốc lịch sử, với đỉnh giá hơn 62 triệu đồng/lượng vào tháng 8. Giá vàng tăng vọt giúp doanh nghiệp lớn nhất thị trường là SJC có doanh thu vượt mốc tỷ đô. Tuy nhiên, lợi nhuận lại rất thấp.

Báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thể hiện đại gia vàng này đã có 1 năm kinh doanh ấn tượng với doanh thu vượt 1 tỷ USD nhờ vàng tăng nóng, đạt hơn 23.491 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với năm 2019. Tuy nhiên, lãi thu về chỉ đạt gần 56 tỷ đồng, tăng khoảng 4 tỷ so với năm trước.

SJC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, và là thương hiệu vàng miếng độc quyền duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

2020 chính là năm đầu tiên SJC có kết quả kinh doanh vượt 1 tỷ USD, khi giá vàng miếng liên tục phá đỉnh từ tháng 6, và cán mốc lịch sử hơn 62 triệu đồng/lượng vào tháng 8. Tuy nhiên, mức doanh số này vẫn thấp hơn mục tiêu doanh nghiệp đặt ra.

Vàng tăng phi mã, SJC có doanh thu vượt 1 tỷ USD ảnh 1 Thị trường vàng năm 2020 liên tục biến động khi giá vàng miếng lập đỉnh lịch sử hơn 62 triệu đồng/lượng, giúp các đại gia vàng đạt doanh thu ấn tượng. Ảnh: TP
Theo báo cáo, doanh thu bán hàng đạt kỷ lục hơn 23.491 tỷ đồng, giá vốn hàng bán là hơn 23.232 tỷ đồng, lãi gộp của SJC tăng tới 38% lên 259 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng năm 2020 chỉ 56 tỷ, tăng khoảng 7% so với con số 52 tỷ đồng của năm trước, tức chỉ hơn 4 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí tài chính cao đột biến, doanh nghiệp phải dành 31 tỷ đồng trích dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.

Đầu năm 2020, SJC đặt mục tiêu doanh thu 25.700 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Lợi nhuận theo kế hoạch là 70 tỷ đồng. Như vậy, SJC chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Đến cuối 2020, tổng tài sản của SJC gần 1.650 tỷ đồng. Trong đó, riêng hàng tồn kho xấp xỉ 1.100 tỷ đồng. Lượng tiền mặt doanh nghiệp này đang nắm giữ là 220 tỷ đồng và  chỉ có 128 tỷ đồng nợ phải trả, trong khi vốn chủ sở hữu lên tới 1.521 tỷ đồng.

Vào năm 2019, doanh thu của SJC đạt 23.127 tỷ đồng, gần chạm mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng cũng chỉ 52 tỷ đồng. Biên lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng – mảng mà SJC tập trung kinh doanh, rất mỏng.

Cũng kinh doanh vàng, nhưng CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại có doanh thu và lợi nhuận năm 2020 khác hẳn. Năm 2020, PNJ trải qua nhiều thời điểm phải tạm đóng hàng loạt cửa hàng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu chỉ tăng nhẹ 3% so với năm 2019, đạt 17.511 tỷ đồng. Tuy nhiên, PNJ có lãi sau thuế đạt 1.069 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý 1/2021 vừa được PNJ công bố cũng cho thấy quý đầu năm nay, doanh nghiệp có doanh thu thuần tăng đến 44% so với quý cùng kỳ, đạt 7.182 tỷ đồng. Lãi sau thuế gần 513 tỷ đồng, tăng 26% so với quý 1/2019. Doanh nghiệp lý giải lãi quý đầu năm tăng mạnh là do thời điểm kinh doanh trùng với dịp lễ Tình nhân 14/2, ngày 8/3 và đặc biệt là ngày Vía Thần tài 10 tháng Giêng.

Thị trường vàng đã có một năm 2020 dậy sóng, khi vàng thế giới xác lập kỷ lục 2.063 USD/ounce vào tháng 8. Giá vàng trong nước cũng liên tục biến động, và luôn ở mức cao hơn giá thế giới 2-5 triệu đồng/lượng, nhiều thời điểm giá vàng thế giới thấp hơn giá trong nước 6-7 triệu đồng/lượng.

Theo Tổng cục Thống kê, đầu năm 2020, giá vàng chỉ ở mức 42,8 triệu đồng/lượng nhưng đến đầu tháng 8 đã tăng lên hơn 62 triệu đồng/lượng, tăng hơn 19 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng hơn 44%. Đây là mức giá cao nhất mọi thời đại của vàng.

Tính bình quân năm 2020, giá vàng trong nước tăng 28,05% so với năm 2019.

Các tin khác