Vàng lậu được hợp thức hóa theo cách nào?

(ĐTTCO) - Vàng lậu mua về làm nữ trang rồi bán cho người dùng hoặc những tiệm vàng khi họ cần nguyên liệu vàng 4 số là tiết lộ của một chủ tiệm vàng trong đường dây buôn vàng lậu.
Vàng lậu được hợp thức hóa theo cách nào?

Vàng nhập lậu là vấn nạn diễn ra tại nhiều cửa khẩu. Có những vụ đã bắt được hàng tạ vàng vận chuyển qua biên giới. Hành trình hợp thức hóa vàng lậu diễn ra một cách dễ dàng.

TÌnh trạng buôn lậu vàng diễn ra phức tạp

Thời gian qua, một số vụ buôn lậu vàng đã được các cơ quan chức năng phát hiện với những kỷ lục sau xô đổ kỷ lục trước. Có vụ đã lên đến hàng trăm kg.

Buôn lậu vàng hiện được coi là siêu lợi nhuận bởi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng mỗi lượng. Chính vì mức lợi nhuận hấp dẫn này mà nhiều đối tượng đã dẫn dắt cả người nhà, người thân vào con đường lao lý.

Xe chở đá lạnh nhưng không phải để bán đá, trong đó là vàng và USD. Tại biên giới cửa khẩu Chàng Riệc ở Tây Ninh, đều đặn mỗi ngày, khoảng 4h, các đối tượng vận chuyển vàng lậu từ Campuchia về Việt Nam, đến 16h sẽ chuyển tiền USD từ Việt Nam ngược sang Campuchia. Việc qua chốt kiểm tra của các lực lượng chức năng không mấy khó khăn.

Việc tiêu thụ vàng lậu sau khi vào sâu nội địa Việt Nam cũng dễ dàng như vận chuyển qua biên giới. Chỉ tính riêng 1 tiệm vàng đã cho thấy lượng vàng lậu được mua bán lớn như thế nào.

Bị can Huỳnh Minh Khánh - Chủ tiệm vàng Khánh Minh Loan, Quận 6, TP Hồ Chí Minh khai: "Có ngày bán 1,2kg, có ngày mười mấy kg, không tính toán được".

Nguyễn Thị Minh Phụng là đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 2 ngày, các đối tượng đã nhập lậu gần 2 tạ vàng, tương đương 400 tỷ đồng. Một lượng tiền lớn khủng khiếp như vậy nhưng với các đối tượng, việc giao dịch lại vô cùng đơn giản.

Phụng tiết lộ những người buôn bán không ai biết mặt Phụng, cũng chưa tới nhà họ lần nào, chỉ liên hệ với người mua, nếu chốt thì cho người tới giao, lần đầu tiên giao thì lấy tiền luôn, lần sau quen rồi thì chỉ cần nói tên là nó tự chạy tới.

Vấn nạn buôn lậu vàng với số lượng lớn được phát hiện nhiều nhất là ở khu vực biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia. Tình trạng này đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua do mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Đại tá Vũ Như Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu, Bộ Công an cho biết: "Trước khi đem vàng qua biên giới hoặc ngay sau khi vận chuyển được vàng qua biên giới, các đối tượng đã dùng máy khò để xóa hết các ký hiệu để tránh việc cơ quan chức năng phát hiện được nguồn gốc của vàng trước khi vận chuyển sâu vào nội địa".

Dễ dàng hợp pháp hóa vàng lậu

Theo Hội đồng Vàng thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tấn vàng trang sức, mỹ nghệ. Điều này cho thấy lượng vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, trong đó có nhẫn trơn 24K là không hề nhỏ.

Trong khi vàng nguyên liệu trên thị trường hiện chủ yếu từ mua đi bán lại và mua trôi nổi trên thị trường, trong đó có vàng nhập lậu. Câu hỏi đặt ra là vàng lậu đã được hợp thức hóa như thế nào trong bối cảnh thị trường vàng đang được quản lý rất chặt chẽ?

19 cửa hàng vàng của các đối tượng tại nhiều tỉnh phía Nam trong 1 đường dây buôn vàng lậu bị khám xét. Đây chính là nơi giúp cho vàng lậu được khai sinh với một nguồn gốc hoàn toàn mới và hợp pháp.

Minh chứng rõ nét cho dòng chảy vàng lậu là mỗi năm, nhu cầu sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. Trong khi, gần 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng nguyên liệu, điều này cho thấy vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được thu mua rất lớn, trong đó có vàng lậu.

Ngoài yếu tố chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cao, nguyên nhân kích thích tình trạng buôn lậu còn là do sản xuất vàng trang sức hiện rất thiếu vàng nguyên liệu đầu vào.

Việc cho phép nhập khẩu vàng còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang để xuất khẩu bởi trình độ tay nghề thợ kim hoàn Việt Nam được đánh giá rất cao so với nhiều nước khác. Thậm chí, nhiều nước còn thu hút thợ kim hoàn của Việt Nam sang làm việc và xuất khẩu mỗi năm hàng chục triệu USD mặt hàng nữ trang.

Ngoài đường bộ, vàng nhập lậu trái phép còn thông qua cả đường hàng không và đường biển với khối lượng không hề nhỏ. Hệ lụy của việc buôn lậu vàng không chỉ là thất thu lớn cho ngân sách, gây vàng hóa nền kinh tế, tạo cơ hội cho thị trường mua bán, vận chuyển ngoại tệ tự do phát triển mà còn tác động trực tiếp tới biến động tỷ giá hàng ngày cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của quốc gia.

Các tin khác