Từ mai, người dân TPHCM không được ra đường sau 6h chiều

(ĐTTCO) - Từ mai, 26-7, người dân TPHCM sẽ không được ra đường sau 18h hàng ngày, các hoạt động sẽ tạm dừng đến 6h sáng hôm sau.
Từ 26-7, người dân TPHCM sẽ không ra khỏi nhà sau 6h chiều cho đến 6h sáng hôm sau. Ảnh: HCDC
Từ 26-7, người dân TPHCM sẽ không ra khỏi nhà sau 6h chiều cho đến 6h sáng hôm sau. Ảnh: HCDC

"Thật sự thành phố chỉ còn một con đường"

Phát biểu tại cuộc hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 7 tối 25-7, về quán triệt Chỉ thị 12 và triển khai chi tiết kế hoạch của cao điểm phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng thành phố đang ở thời khắc trọng đại. Đã qua 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16, dù thành phố đã làm được khá nhiều việc, nhưng còn nhiều việc chưa làm được. Và mục tiêu đề ra hầu hết chưa đạt được, buộc thành phố  phải kéo thêm thời gian nữa, với tinh thần cùng nhau thực hiện bằng được quyết tâm đề ra.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh nếu không thực hiện được thì tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến không thể lường.

“Hội nghị chỉ bàn một việc cơ bản nhất, là làm thế nào để thực hiện cho bằng được, trong thời gian nhất định phải kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Ông lưu ý, thật sự TPHCM chỉ còn một con đường. Nếu không thực hiện được thì tình hình diễn biến không thể lường được. Và mặc dù TPHCM đã có chuẩn bị kịch bản cho tình huống 3. Nhưng đó là điều không mong muốn mà mong muốn chung là sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Để thực hiện được mong muốn ấy, theo Bí thư Thành ủy TPHCM, Chỉ thị 12 ngày 22-7 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Công văn 2468 ngày 23-7 của UBND TPHCM đã nêu khá cụ thể.

Về Chỉ thị 12, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến các chủ trương, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM trong thời gian 2 tuần. Mục tiêu đặt ra là kiềm chế cho được sự lây lan của dịch Covid-19 bằng giải pháp giãn cách xã hội triệt để, song song với các giải pháp phòng chống dịch. 
Từ mai, người dân TPHCM không được ra đường sau 6h chiều ảnh 1 Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên  nhấn mạnh nếu không thực hiện được thì tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến không thể lường. Ảnh: Việt Dũng
Người dân phải đặt mệnh lệnh cho chính mình thực hiện nghiêm người cách người, nhà cách nhà
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết tình hình dịch Covid-19 hiện nay diễn biến khó lường. Có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách, từ chính một bộ phận người dân.

Dù thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nhưng ở một số địa bàn đang diễn ra việc tiếp xúc giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi ra đường.

Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu người dân phải nhận thức được việc này là hết sức nguy hiểm, là nguyên nhân dịch kéo dài. Do vậy, thành phố bắt buộc phải dùng các biện pháp mạnh hơn, có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã có 55.570 ca nhiễm Bộ Y tế công bố. Riêng 17 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP ghi nhận gần 47.000 ca nhiễm. trung bình mỗi ngày phát hiện 2.931 ca. Các ca nhiễm hiện được ghi nhận phần lớn tại khu phong tỏa và khu cách ly.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng trước đây, sau 1 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thành phố đã nêu ra 3 kịch bản chống dịch. Dù rất cố gắng, TP đã không đạt được mục tiêu kịch bản thứ 1 là giảm F0, và phải thực hiện kịch bản thứ 2, là tăng cường mạnh mẽ thực hiện Chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao.

Thậm chí, trước tình hình nêu trên, kịch bản thứ 3 - số ca mắc Covid-19 tăng đột biến hoặc không kiểm soát được sự lây lan trong cộng đồng -  nhiều khả năng sẽ áp dụng, dù đây là kịch bản không mong muốn.

Để kịch bản thứ ba không xảy ra, trên cơ sở Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TPHCM ban hành Công văn 2468 với các biện pháp hết sức quyết liệt, chưa có tiền lệ và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

TP mong người dân chia sẻ, hợp tác với chính quyền TP để công tác chống dịch đạt kết quả nhất. Nếu không thực hiện hiệu quả thì kịch bản thứ 3 nhiều khả năng sẽ áp dụng, với những biện pháp chống dịch như trong điều kiện khẩn cấp.
Từ mai, người dân TPHCM không được ra đường sau 6h chiều ảnh 2 Một việc trọng tâm trong đợt thực hiện giãn cách xã hội này là siết chặt các khu phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức “đi chợ thay”. 
Theo đó, bắt đầu từ tối mai, 26-7-2021, người dân không ra đường sau 18h. Tất cả các hoạt động trên địa bàn TP tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu nếu người dân còn ra đường thì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, phải đặt mệnh lệnh cho chính mình thực hiện nghiêm người cách người, nhà cách nhà. 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lý giải thêm từ sau 18h mỗi ngày, bắt đầu từ tối mai, người dân không nên ra đường. Các hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau, để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lưu ý người dân không nên hiểu nhầm quy định này, vì việc này không đồng nghĩa là giới nghiêm. 

Vào ngày 22-7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã ký Chỉ thị 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện chỉ thị số 16. Ngày 23-7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ký công văn số 2468 về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16.

Từ ngày 31-5 đến nay, TP đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau.

Với hoạt động của shipper, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các công ty quản lý phải điều chỉnh số lượng được hoạt động đến mức tối thiểu, theo hướng giảm ít nhất từ 10% so với ngày 22-7.

Shipper phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch Covid-19, và chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, TP Thủ Đức.

Shipper phải có thẻ đeo, có dấu hiệu nhận diện… thể hiện thông tin cá nhân, công ty và địa bàn hoạt động, và phải xuất trình thông tin cho cơ quan chức năng khi kiểm tra.

Công ty phải đăng ký danh sách shipper và địa bàn hoạt động cho Sở Công thương TPHCM và Sở GT-VT TPHCM. Danh sách này sẽ được các cơ quan chức năng truy suất khi kiểm tra.

Riêng các đơn vị không quản lý bằng các ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị…) thì phải đăng ký và được xác nhận thẻ cho từng shipper tại các xã, phường, thị trấn, phạm vi hoạt động cũng chỉ trong địa bàn quận, huyện cụ thể.

Các tin khác