TPHCM xét nghiệm Covid-19 khẩn cấp tất cả bệnh viện trong đêm

(ĐTTCO) -Sở Y tế TPHCM tối 12-5 khẩn cấp yêu cầu tất cả bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm nCoV toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nuôi bệnh.
TPHCM xét nghiệm Covid-19 khẩn cấp tất cả bệnh viện trong đêm

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện lấy mẫu ngay trong đêm nay, với những nhân viên y tế đang trực trong bệnh viện và người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân và báo cáo số lượng người được lấy mẫu về Sở. Sáng nay, các đơn vị tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho những nhân viên còn lại.

Theo Sở Y tế, các bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định nCoV thì tự làm xét nghiệm cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người chăm sóc của mình. Còn các bệnh viện chưa được Bộ cho phép xét nghiệm khẳng định, Sở đề nghị bệnh viện tự lấy mẫu và vận chuyển đến đơn vị khác làm xét nghiệm, theo sự điều phối của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC).

Sở cũng đề nghị HCDC cung ứng môi trường khi có yêu cầu từ các bệnh viện để lấy mẫu xét nghiệm kịp tiến độ.

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC), cho biết các xét nghiệm sẽ được thực hiện theo phương pháp RT-PCR, chứ không phải test nhanh. Đây là phương pháp xét nghiệm phát hiện nCoV mang tính khẳng định, xác định sự hiện diện của virus thông qua phát hiện vật liệu di truyền của nCoV, có độ chính xác cao.

Đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức xét nghiệm nCoV gấp rút, đồng loạt trên diện rộng như vậy. Ngay khi nhận được yêu cầu, nhiều bệnh viện như TP Thủ Đức, Từ Dũ, Chợ Rẫy... đã tiến hành lập danh sách, triển khai lấy mẫu ngay trong đêm.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết tuần trước, khi dịch bùng lên ở một số bệnh viện ở Hà Nội, bệnh viện đã chủ động lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho hơn 2.000 y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ, bệnh nhân và thân nhân nội trú. Hiện, tất cả đã có kết quả âm tính.

TPHCM xét nghiệm Covid-19 khẩn cấp tất cả bệnh viện trong đêm ảnh 1 Bệnh viện Ung bướu lấy mẫu tầm soát Covid-19 cho nhân viên làm việc tại bệnh viện ngày 7-5. Ảnh: Bảo Tuấn.
Từ sau ổ dịch Tân Sơn Nhất vào tháng 2-2021 đến nay, thành phố không có ổ dịch cộng đồng. Trong khi Covid-19 đang bùng phát trên nhiều tỉnh thành, TPHCM chỉ mới ghi nhận một ca nhiễm cộng đồng, liên quan cụm dịch Hà Nam.

Chiều 12-5, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức gửi công văn khẩn, yêu cầu Sở Y tế TPHCM chỉ đạo tất cả bệnh viện trên địa bàn thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho nhân viên y tế và người bệnh, nâng mức kiểm soát, sàng lọc lên cao nhất, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong bệnh viện.

Ông Đức đề nghị ngành y tế hình thành các tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo năng lực lấy 50.000 mẫu đơn mỗi ngày. Đồng thời Sở rà soát, nâng cao năng lực thực hiện test Realtime - PCR tại tất cả các bệnh viện theo chỉ đạo của Bộ Y tế và chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng; triển khai thêm các khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường.

Ngành y tế cũng cần triển khai phương án tổ chức điều trị 50-100 người bệnh Covid-19, dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100-200 người bệnh và 200-500 người bệnh. Khẩn trương xây dựng kế hoạch lập bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường để chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế thành phố đã dự trữ đầy đủ sinh phẩm, kit xét nghiệm với 90.000 test PCR và 30.000 test nhanh sẵn có. Hiện, thành phố có 24 cơ sở xét nghiệm, đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000-40.000 mẫu đơn.

Ngày 10-5, Bộ Y tế đã ban hành công văn hướng dẫn Sở Y tế các địa phương triển khai thực hiện tự xét nghiệm nCoV bằng test nhanh kháng nguyên cho 9 nhóm đối tượng.

Gồm, nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19) tại các cơ sở cách ly có người đang được cách ly.

Bệnh nhân đang điều trị nội trú, người đến khám bệnh tại bệnh viện, cơ sở y tế (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19).

Các đối tượng thuộc diện cách ly tại nhà (F2).

Người dân ở trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly.

Người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu (không có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19), thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly.

Người làm trong lĩnh vực dịch vụ, thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng (nhân viên quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, lái xe...).

Cán bộ, người làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu, đường biên, thường tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ.

Người làm việc trong các khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, tổng công ty...

Các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Việc xét nghiệm rà soát được thực hiện định kỳ tối thiểu 5-7 ngày một lần, hoặc theo nhu cầu và nguồn lực của các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị với sự hỗ trợ của nhân viên y tế nhằm mở rộng các đối tượng được xét nghiệm, tăng cường khả năng giám sát và giảm tải cho hệ thống y tế.

Các tin khác