TPHCM đang ở đâu trong bộ tiêu chí phân loại cấp độ dịch bệnh của Bộ Y tế?

(ĐTTCO) -  Nếu dựa vào các tiêu chí được Bộ Y tế hướng dẫn, TPHCM đang nằm ở vùng cam (cấp 3 - nguy cơ cao). Nhưng nếu phân loại cấp độ dịch đến quy mô xã, phường hoặc nhỏ hơn, nhiều địa bàn 'dư sức' đạt mức độ 1 - vùng xanh.
Người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trung tâm thể dục thể thao quận Gò Vấp. Ảnh: Duyên Phan
Người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trung tâm thể dục thể thao quận Gò Vấp. Ảnh: Duyên Phan

Một ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19 áp dụng lâu nay, Bộ Y tế ngày 13-10 cũng có hướng dẫn tạm thời nhằm phân loại cấp độ dịch để hiện thực hóa nghị quyết này.

Toàn TPHCM vẫn ở mức "nguy cơ cao"

Theo hướng dẫn tạm thời, có 3 tiêu chí bắt buộc phân loại cấp độ dịch là: số ca mắc mới/100.000 dân/1 tuần không bao gồm ca nhập cảnh, ca mắc trong cơ sở cách ly tập trung; tỷ lệ người ở độ tuổi tiêm chủng được tiêm ít nhất 1 liều vaccine; tỉnh, thành phố có kế hoạch thu dung, điều trị và đảm bảo số giường hồi sức cấp cứu.

Trong đó, 2 tiêu chí phân loại quan trọng là tỷ lệ mắc và tiêm vaccine. Cụ thể như sau:

Vùng xanh (cấp 1 - bình thường mới): ở cấp xã hoặc phạm vi nhỏ hơn, số ca mắc dưới 20 ca/tuần, dưới 70% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Nếu số ca mắc từ dưới 20 đến 50 ca/tuần nhưng số người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cũng xếp là vùng xanh.

Vùng vàng (cấp 2 - nguy cơ trung bình): số ca mắc từ 20 - 50 ca/tuần, tỷ lệ tiêm chủng dưới 70%.

Vùng cam (cấp 3 - nguy cơ cao): số ca mắc 50 - 150 ca/tuần, tỷ lệ tiêm chủng dưới 70%. Nếu tỷ lệ tiêm chủng trên 70% xếp ở mức 2.

Vùng đỏ (cấp 4 - nguy cơ rất cao): số ca mắc trên 150 ca/tuần, tỷ lệ tiêm vaccine dưới 70%. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine trên 70% xếp ở mức 3.

Dựa theo các tiêu chí phân loại nêu trên và so với tình hình dịch bệnh của TPHCM, có thể nhận thấy TP đang nằm ở vùng cam (cấp 3 - mức nguy cơ cao).

Cụ thể việc được xếp ở mức 3 cũng là điều "khá may mắn", bởi tỷ lệ số ca mắc/tuần của thành phố hiện vẫn đang rất cao (10.381 ca/tuần, tính từ ngày 7 đến 13-10 theo số liệu Bộ Y tế công bố), trong khi tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra là trên 150 ca/tuần đã là cấp 4 (vùng đỏ - nguy cơ rất cao).

Tuy nhiên đổi lại, tỷ lệ tiêm chủng của thành phố lại đạt khá cao (mũi 1 đạt 98,4% và mũi 2 đạt 74,5%), cao hơn khá nhiều so với tiêu chí của Bộ Y tế (trên 70%). Chính điều này được đánh giá là "điểm cộng" giúp TPHCM được xếp xuống mức 3 - nguy cơ cao (màu cam).

Ngoài ra theo số liệu Sở Y tế TPHCM công bố, số ca mắc mới của TP đang có chiều hướng giảm (cụ thể ngày 1-10 số ca mới mỗi ngày hơn 3.600 ca nhưng đến ngày 13-10 chỉ còn 1.162 ca). Tuy nhiên thực tế để toàn TPHCM tiệm cận với vùng vàng (cấp 2 - nguy cơ trung bình) là điều khá khó khăn và chắc chắn phải cần thêm thời gian.

TP.HCM đang ở đâu trong bộ tiêu chí phân loại cấp độ dịch bệnh của Bộ Y tế? - Ảnh 2.

Nhân viên trạm y tế lưu động phường 11, quận Tân Bình thăm khám và phát thuốc cho F0 đang điều trị tại nhà - Ảnh: Duyên Phan

Nhiều quận huyện "dư sức" trở lại "bình thường mới"

Tuy vậy trong hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế cũng cho phép các tỉnh, thành căn cứ tình hình thực tiễn diễn biến dịch, độ bao phủ vaccine, điều kiện thực tế về mật độ dân cư, kinh tế xã hội và khả năng ứng phó với dịch để điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp.

Như vậy, các địa phương (trong đó có TPHCM) có thể phân loại cấp độ dịch đến quy mô xã phường hoặc nhỏ hơn tại địa phương mình.

Nếu xét về tiêu chí vaccine, hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức đều đạt từ 98 - 100%. Tỷ lệ tiêm mũi 2 cũng khá cao, thấp nhất là quận Bình Thạnh cũng đã đạt 70%, có nhiều quận huyện đạt trên 90%, thậm chí đạt 100% (theo Cổng thông tin Covid-19 của TPHCM cập nhật ngày 13-10).

Về tỷ lệ số ca mắc mới, mặc dù toàn TPHCM vẫn còn khá cao, tuy nhiên một số quận, huyện có số ca mắc trong ngày khá thấp và đang có chiều hướng giảm đều. Điển hình ngày 13-10 quận Phú Nhuận chỉ có 6 ca, quận 4 có 9 ca, quận 1 có 10 ca và huyện Cần Giờ có 13 ca.

Điều này cho thấy, nếu "phân loại cấp độ dịch đến quy mô xã, phường hoặc nhỏ hơn", có khá nhiều địa phương (quận, huyện; phường, xã... của TP) "dư sức" đạt mức độ 1 (vùng xanh), đồng nghĩa với trạng thái "bình thường mới" theo tiêu chí mà Bộ Y tế hướng dẫn.

TPHCM đã chủ động xác định ngưỡng điều trị

TP.HCM đang ở đâu trong bộ tiêu chí phân loại cấp độ dịch bệnh của Bộ Y tế? - Ảnh 3.

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 số 13 Bình Hưng, Bình Chánh (TPHCM) hiện chỉ còn những bệnh nhân nhẹ - Ảnh: Tự Trung

Bộ Y tế cho biết hướng dẫn này thực hiện theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp tình hình thực tế.

2 tiêu chí số ca mắc và tỉ lệ tiêm chủng sử dụng để xếp loại mức độ dịch, nhưng nếu không đạt tiêu chí 3 về khả năng tiếp nhận điều trị bệnh nhân, số giường cấp cứu (ICU) thì không được giảm cấp độ dịch.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, từ trước ngày "mở cửa", ngành y tế TPHCM đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh đến hết năm 2021. Trong đó vấn đề được quan tâm hàng đầu là củng cố chất lượng của các cơ sở y tế trong hệ thống 3 tầng điều trị Covid-19.

Theo tính toán sơ bộ hệ thống điều trị của TP phải đảm bảo tối thiểu 900 giường hồi sức với đầy đủ máy thở, monitor và 3.000 giường có oxy.

Ước tính về năng lực điều trị của ngành y tế TP ở giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh và có sự chi viện của các lực lượng là khoảng 36.500 ca mắc Covid-19 cùng một thời điểm. Còn giai đoạn hiện nay, khi đã kiểm soát được dịch và không còn lực lượng chi viện, năng lực điều trị có thể đạt tới 20.000 ca cùng một thời điểm. 

Trong đó có 4.900 trường hợp phải hỗ trợ hô hấp với 525 trường hợp thở máy xâm lấn; tương ứng có 1.300 ca nhập viện mới/ngày. Nếu đối chiếu với lộ trình chuyển trả công năng của các bệnh viện đến đầu năm 2022, TP vẫn còn duy trì khá nhiều cơ sở điều trị với gần 30.000 giường (có 5.107 giường có hỗ trợ hô hấp). 

Điều này cho thấy, ngưỡng năng lực điều trị của TPHCM vẫn đủ sức đáp ứng, không phải là vấn đề trong giai đoạn hiện nay. (Số liệu phân tích trên dựa trên công bố công khai của ngành y tế TPHCM, Cổng thông tin Covid-19 TPHCM và Bộ Y tế) .

TPHCM lập tổ công tác đánh giá cấp độ dịch

Trao đổi bên lề Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI sáng 14-10, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TPHCM - cho biết TP sẽ thành lập tổ công tác gồm các cơ quan chức năng và các chuyên gia, để đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn của Chính phủ, xác định các hoạt động theo các cấp độ.

Tuy nhiên TP phải xét trong bối cảnh cục bộ và toàn diện của TPHCM để tổ chức hoạt động trên cơ sở hướng dẫn.

"Không thể nói khoảng thời gian nhất định nào TP bình thường mới. Điều này phụ thuộc vào công tác kiểm soát dịch bệnh của TP. Ngay cả khi hiện nay diễn tiến dịch đang theo chiều hướng thuận lợi thì tháng 11, TP vẫn chưa thể trở lại bình thường mới hoàn toàn", ông Mãi nói.

Các tin khác