Phòng chống dịch trở lại cục bộ và cực đoan

(ĐTTCO) - Chuyển sang trạng thái bình thường mới là mong muốn của hầu hết người dân sau thời gian dài giãn cách. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã tạo bước chuyển mới cho mọi mặt xã hội được vận hành theo hướng tích cực. 
Thế nhưng, khi số ca nhiễm mới đang tăng lên, phương pháp chống dịch ở nhiều nơi bắt đầu có dấu hiệu cục bộ và cực đoan.
Tại tỉnh Bạc Liêu, chính quyền ra quy định nghiêm cấm người dân ra đường từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau. Kiểu “giới nghiêm” 8 tiếng đồng hồ của tỉnh Bạc Liêu có ngăn chặn được Covid-19?
Tại sao lại cấm người dân đi lại ban đêm trong khi cả nước thống nhất triển khai Nghị quyết 128? Không có cơ sở khoa học nào có thể chứng minh virus corona hoành hành dữ dội vào ban đêm hơn ban ngày.
Nếu người dân không được ra đường ban đêm họ ùn ùn ra đường ban ngày, sẽ trở ngại cho tiêu chí 5K. Cấm người dân ra đường ban đêm, vừa không có tác dụng giảm bớt lây nhiễm, vừa tạo thêm không khí nặng nề cho tâm lý cộng đồng. 
Phòng chống dịch trở lại cục bộ và cực đoan ảnh 1
Cần tái khẳng định tinh thần thích ứng linh hoạt, hiệu quả và an toàn của Nghị quyết 128. Những quy định địa phương nếu không được sự tham vấn chuyên môn của Bộ Y tế rất dễ gây ra phiền phức cho người dân tái sản xuất, lao động và kinh doanh. Làm sao để thích ứng Covid-19 vừa “linh hoạt” vừa “hiệu quả” vừa “an toàn” chính là mục tiêu bình thường mới.
Bộ Y tế đã có những yêu cầu rất rõ ràng đối với người cách ly y tế tại nhà: “Chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương. Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly… Luôn thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng phòng chống Covid-19 trong suốt thời gian cách ly.
Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày trên ứng dụng. Trường hợp không có điện thoại thông minh phải thông báo cho cán bộ y tế hàng ngày qua số điện thoại được cung cấp. Đặc biệt, khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở phải cập nhật ngay trên ứng dụng và báo ngay cho cán bộ y tế…
Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định. Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly”.
Đối với việc cách ly y tế tại nhà, quan trọng nhất là vai trò của nhân viên y tế cơ sở. Ngoài những kiến thức chuyên môn và nền tảng y đức, đội ngũ nhân viên y tế cơ sở cũng đã “lập trình” được những yêu cầu cơ bản: “Hàng ngày tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly. Hỗ trợ người cách ly đo thân nhiệt nếu người cách ly không tự đo được.
Ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. Thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà theo quy định… Báo cáo ngay cho y tế tuyến trên và chính quyền địa phương khi người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có biểu hiện mắc bệnh như sốt, ho, khó thở và các biểu hiện sức khỏe khác”.
Khả năng lây nhiễm của virus corona đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đầy đủ và thường xuyên. Đành rằng, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có khả năng bị lây nhiễm, nhưng việc nâng cao ý thức chống dịch cho người dân quan trọng hơn việc đưa ra các mệnh lệnh hành chính cứng rắn.
Bộ Y tế cũng có yêu cầu cụ thể đối với UBND cấp xã: Chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly tại nhà. Cung cấp cho người cách ly và người ở cùng nhà thông tin (họ tên, số điện thoại) của cán bộ y tế chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe để liên hệ.
Tổ chức quản lý, giám sát nghiêm việc cách ly y tế tại nhà, không để người được cách ly đi ra khỏi phòng cách ly; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly… Trường hợp cả gia đình người cách ly đều là F1, đề nghị bố trí hỗ trợ cung cấp thực phẩm, các nhu yếu phẩm và các yêu cầu cần thiết khác đến tận nhà ở/hộ gia đình của người cách ly.
Để Nghị quyết 128 phát huy tác dụng, những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng phải tuyệt đối chấp hành, mới có thể khuyến khích các địa phương khác làm theo đồng bộ trong quá trình thích ứng bình thường mới. Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện quy trình chăm sóc bệnh nhân F1 và điều trị cho bệnh nhân F0 để tập huấn cho từng cơ sở y tế.
Thậm chí nhiều đơn vị y tế cũng đã sử dụng thuốc Đông y trong điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Thí dụ, tại Đồng Nai bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được cấp túi thuốc cổ truyền Vạn Xuân (VX) gồm Phyllantol (điều hòa chức năng tiêu hóa), Dehovi (hạ sốt, an thần), xoang VX (thông đường hô hấp), dầu mặt trời VX (sát trùng, chống viêm đường hô hấp), nước súc miệng thảo dược và VX hộ não tâm (trợ tim, hỗ trợ hô hấp), đã có hơn 90% bệnh nhân giảm các triệu chứng liên quan.
Trong đó, các triệu chứng về đường hô hấp, thần kinh cơ và tiêu chảy đều giảm rõ rệt sau 5 ngày điều trị; không có trường hợp bị chuyển nặng và rất nặng phải chuyển viện. Đối với bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, sau 9 ngày điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc nồng độ virus SARS-CoV-2 thấp, còn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ các triệu chứng hết sau 11 ngày điều trị.
Đã đến lúc phải có cơ chế giám sát và xử lý những địa phương chưa làm đúng theo tinh thần của Nghị quyết 128. Đành rằng, “địa phương chịu trách nhiệm” nhưng Chính phủ vẫn cần thường xuyên đôn đốc và can thiệp kịp thời đối với những biểu hiện “sợ trách nhiệm” bằng cách dồn hết khó khăn cho người dân. 

Các tin khác