Phí shipper tăng, hãng xe nói do 'thuật toán'?!

(ĐTTCO)-Theo quy định, từ ngày 16-9 shipper được hoạt động liên quận thay vì giao hàng trong một địa bàn như trước với điều kiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần. Chi phí do TP chi trả xét nghiệm đến hết ngày 30-9.
Quán ăn của chị Diễm Trân (tỉnh lộ 8, thị trấn Củ Chi, TP.HCM) vẫn chưa hoạt động vì e ngại vắng khách và không có shipper (ảnh chụp ngày 16-9) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Quán ăn của chị Diễm Trân (tỉnh lộ 8, thị trấn Củ Chi, TP.HCM) vẫn chưa hoạt động vì e ngại vắng khách và không có shipper (ảnh chụp ngày 16-9) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

5h sáng 16-9, chị Hoàng Thanh Xuân, shipper của Grab, đến trạm y tế lưu động trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) để xét nghiệm. 

Khi đến nơi thì tra cứu thông tin bị trả về kết quả "không tìm thấy thông tin nhân viên", dù tối hôm trước đã có đầy đủ thông tin cần thiết để hoạt động liên quận.

"Sau một đêm, thông tin của tôi trên hệ thống lại trống trơn. Tới trạm y tế không được xét nghiệm. Liên hệ nhưng Grab cho biết là lỗi hệ thống đang chờ khắc phục. Không được xét nghiệm, không có tên trong danh sách, đồng nghĩa cả nội quận tôi cũng không chạy được" - chị Xuân bức xúc.

Hàng trăm trường hợp tương tự đã xảy ra với shipper trong ngày 16-9 khi không có tên trong cổng "Tra cứu shipper" của Sở Công thương. Đại diện Ahamove cho biết đã đăng ký khoảng 70 - 80% số lượng shipper hoạt động so với trước giãn cách. 

Tuy nhiên, có thể do số lượng lớn nên vẫn cần chờ thời gian để được phê duyệt và hướng dẫn thêm. Ông Nguyễn Việt Linh - giám đốc truyền thông BeGroup - cũng cho biết đã tăng số lượng shipper từ 500 lên 3.000 người.

Chiều 16-9, ông Lê Huỳnh Minh Tú - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết từ khi TP có thông tin cho shipper chạy liên quận thì số lượng đăng ký đã tăng gấp nhiều lần so với ngày trước đó. 

Đơn vị sẽ huy động nhân lực để cập nhật liên tục trong thời gian tới, shipper chủ động lên trang tra cứu thông tin của sở để xem. 

"Quan điểm của TP là không giới hạn số lượng shipper hoạt động, nhưng muốn hoạt động thì lực lượng này phải đáp ứng tiêu chí về tiêm phòng vắc xin, xét nghiệm theo quy định để an toàn cho người dân" - ông Tú nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, hiện người dân phản ảnh việc đa số các hãng xe công nghệ đều tăng phí giao hàng, thậm chí giá vận chuyển còn cao hơn giá bán sản phẩm. 

Chị Lương Trâm (ngụ quận Tân Bình) cho biết trước đây gọi món ăn phí ship từ đường Phạm Văn Hai sang đường Bành Văn Trân chỉ 18.000 đồng, nay tăng lên tới 58.000 đồng.

Một ứng dụng shipper thừa nhận họ buộc phải tăng cước phí giao hàng để khuyến khích shipper làm việc và hạn chế tình trạng shipper hủy đơn. 

Hầu hết các hãng giải thích lòng vòng về giá cước tăng cao, trong đó lập luận là do thuật toán của ứng dụng điều chỉnh giá giao hàng lên cao để cân bằng cung cầu.

Trong khi đó, nhiều khách hàng cho rằng việc xét nghiệm đã được miễn phí, tăng số lượng shipper cho chạy liên quận, đường sá thông thoáng, quán xá đã mở bán nhiều hơn. 

Do đó việc tăng giá vận chuyển gấp 2 - 3 lần do thuật toán của các ứng dụng là cách lập luận khó chấp nhận, thậm chí có dấu hiệu "đục nước béo cò", làm giá.

Các tin khác