Nghịch lý công viên bỏ hoang, người dân thiếu không gian công cộng

(ĐTTCO)-Hà Nội hiện có nhiều công viên xuống cấp, bỏ hoang, chậm tiến độ hay sử dụng sai mục đích, trong khi đó, người dân Thủ đô lại luôn “khát” các không gian công cộng. Đây là một nghịch lý tồn tại nhiều năm nay.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thiếu công viên quy mô lớn, không gian vui chơi hiện đại là thực trạng tồn tại nhiều năm nay ở Hà Nội. Đặc biệt, vào dịp nghỉ lễ, Tết, các công viên lớn Yên Sở, Thủ Lệ… luôn rơi vào tình trạng quá tải. Đây là minh chứng rõ nhất về sự thiếu hụt không gian vui chơi công cộng tại Thủ đô.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 63 công viên, vườn hoa là điểm vui chơi, giải trí và sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, theo thời gian, hiện nay, nhiều công viên, vườn hoa bị xuống cấp nghiêm trọng. Có nơi bị thương mại hóa, trở thành điểm buôn bán hoặc bị sử dụng sai mục đích.

Một số công viên như: Công viên Bắc Linh Đàm, công viên Tuổi Trẻ… gần như bị bỏ hoang nhiều năm nay, rác thải chất đống, các hạng mục bị hỏng hóc, xuống cấp, nhiều diện tích bị sử dụng để xây dựng trái phép… Ngoài ra, một số công viên, vườn hoa khác vì thiếu nguồn lực đầu tư hoặc vì nhiều nguyên nhân khách quan mà công viên sau khởi công vẫn bị bỏ không, hoang hóa.

Vườn hoa Trần Quang Diệu (phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Năm 2014, công trình này được đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân phường Quang Trung nói riêng và các vùng lân cận nói chung. Tuy nhiên, một thời gian dài, công trình vườn hoa không được chăm sóc thường xuyên nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong và xung quanh vườn hoa ngập rác, trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng của nhiều hộ dân từ khi nào không ai hay. Ngoài ra, nhiều gia đình còn lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, rất mất mỹ quan.

Ông Nguyễn Quang Hòa (tổ 3, phường Quang Trung cho hay) nêu ý kiến: “Đề nghị chính quyền quan tâm hơn nữa tới vườn hoa, cây xanh nào có nguy cơ đổ thì chặt bỏ, trồng cây mới; hệ thống điện, điện ngầm cần được cải tạo lại. Rác thải xung quanh khu vực cần được dọn dẹp thường xuyên để người già, con trẻ được hưởng lợi từ các công trình công cộng như thế này”.

Bà Hứa Thị Xuân Liên, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, chủ trương cải tạo vườn hoa, công viên trên địa bàn phường nói riêng, quận Đống Đa nói chung là rất cần thiết. Tuy nhiên, để cải tạo vườn hoa cũng có những khó khăn nhất định, đặc biệt, phường Quang Trung có 2 vườn hoa Trần quang Diệu và vườn hoa 1- 6.

Hiện, các vườn hoa này nằm xen kẽ các khu dân cư nên có một số vấn đề liên quan tới trật tự đô thị. Phường cũng đã tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị để việc cải tạo vườn hoa được thực hiện hiệu quả nhất.

“Về cải tạo vườn hoa, phường đang gặp khó khăn về mặt tài chính, bởi quy mô vốn tương đối lớn nên phải phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của UBND quận. Với tình trạng các hộ dân lấn chiếm để bán hàng rong, vấn đề này tồn tại từ nhiều năm nay, chúng tôi sẽ có biện pháp để giải quyết sao cho hài hòa giữa lợi ích của người dân và lợi ích của tập thể”, bà Hứa Thị Xuân Liên cho biết. 

Xây dựng, cải tạo công viên còn nhiều bất cập

Theo các chuyên gia, hiện nay, việc xây dựng, cải tạo công viên ở Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn bất cập. Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng xong 9 công viên mới với tổng diện tích hơn 320 ha, tuy nhiên, những dự án này đều đang chậm tiến độ.

Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội (hơn 10 ha) hiện mới hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, còn trên 9.000 m2 chưa giải phóng; Công viên hồ điều hòa CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm (27,7 ha) hiện có một gói thầu đã hoàn thành, gói thầu thi công công trình đạt hơn 92%, việc cung cấp lắp đặt thiết bị đạt hơn 71%. Dự án vẫn còn hơn 1.300 m2 đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng; Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (100 ha) ở Đông Anh, đã giải phóng được trên 99 ha, diện tích còn lại vướng khu đất khu nghĩa trang và vướng đường điện 110kV, 35kV, 22kV…

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khi nguồn lực của Hà Nội còn nhiều khó khăn thì nên tập trung vào một số công viên lớn. Thứ nhất là công viên Thống Nhất, công viên này phải được nâng cấp, đảm bảo đây là một công viên có lịch sử, bởi khi khánh thành, Bác Hồ đã đến thăm và trồng cây đa. Nơi đây cũng có tượng Bác Hồ, Bác Tôn, đó là quà của bà con miền Nam gửi tặng Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Ngoài ra, tại đây còn có rất nhiều công trình của tình hữu nghị như nhà cười của Tiệp Khắc.

Địa điểm này cũng là ký ức, là kỷ niệm của rất nhiều thế hệ thiếu nhi với đường tàu Thống Nhất chạy xung quanh công viên, có từ rất nhiều năm nay, sau đó đã được nâng cấp để phục vụ nhu cầu khám phá, vui chơi của người dân.

“Công viên phải đảm bảo được yếu tố vừa là nơi vui chơi giải trí và cũng là nơi để thực hiện không gian sáng tạo, là nơi để người trẻ đến đây sáng tạo, sắp xếp nghệ thuật trình diễn, điêu khắc, sắp đặt, vui chơi giải trí. Đây là điều rất đáng khích lệ, công viên phải luôn sống động nhưng vẫn đảm đảm bảo sự an toàn cho du khách", ông Phạm Thanh Tùng nói. 

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, ngoài công viên thì cần có hồ điều hòa, các dòng sông trong thành phố cũng là một dạng công viên nước. Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét… phải được khơi thông, phải biến dòng sông đó trở lại màu xanh chứ không phải các cống hở, cống thoát nước. Trước mắt, trong giai đoạn này cần cải tạo ngay công viên Tuổi Trẻ, phải trả lại đúng chức năng cho nó và nâng cấp các công viên hiện có như công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, công viên Hòa Bình, công viên Bách Thảo…

“Tôi cho rằng, nếu làm được việc này trong 10 năm nữa thì đây sẽ là điều vô cùng hạnh phúc đối với người dân Thủ đô, để Thủ đô phải là thành phố đáng sống, sự sống phải bắt đầu từ các công viên. Cùng với đó, phải phá hàng rào của công viên. Trong thời điểm Hà Nội chưa có điều kiện để phát triển nhiều công viên thì hãy cứ cải tạo những công viên hiện có, nâng cấp lên một cách quy củ. Không cần công viên rộng, chỉ cần nhỏ nhưng phải có chất lượng và có thể cải tạo được. Công viên phải là nơi để người dân giao lưu, giao tiếp, thể hiện tính xã hội ở đó, bản thân công viên là văn hóa, bộ mặt văn hóa, bản sắc văn hóa. Nếu không coi trọng công viên mà nghĩ nó như một khoảng trống vô hồn, ai vào, ra quần đùi áo số, đi bộ loăng quăng ở đó rồi đi về thì sẽ mất đi giá trị của công viên”, ông Phạm Thanh Tùng cho biết.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc nâng cấр, cải tạo những công viên, vườn hoa đã xuống cấр mà chính quyền thành рhố, các quận, huyện, xã được рhân cấр quản lý cũng рhải quan tâm đến công viên, vườn hoa còn lại trên địa bàn, bảo đảm có một không gian xanh, sạch, đẹp, để người dân Thủ đô không còn phải "khát" không gian vui chơi.

Các tin khác