Ngày đầu ở 3 vùng xanh quận 7, Củ Chi, Cần Giờ: Người dân phấn khởi khi kinh doanh trở lại

(ĐTTCO) - Trong ngày đầu được đi chợ, sau khi được nới lỏng giãn cách, nhiều người dân ở quận 7 (TPHCM) phải quay về vì quên mang điện thoại để quét mã QR. Một số quán ăn hoạt động trở lại nhưng do đi lại còn khó khăn, chưa mua được đầy đủ nguyên liệu nên chỉ bán buổi sáng. 

Quận đã chọn hơn 150 cơ sở đủ điều kiện để thí điểm hoạt động từ ngày 16 đến 30-9. Ở Củ Chi và Cần Giờ, dù đã kiểm soát được dịch nhưng cơ sở kinh doanh vẫn chưa mở cửa. Các tuyến đường chính vẫn ít người đi lại.

Nhận diện bằng “bảng xanh”

Sáng 16-9, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được cấp phép thí điểm hoạt động trên địa bàn quận 7 đều đã được gắn bảng “Doanh nghiệp xanh”, “Hộ kinh doanh xanh”. Quận cũng ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, qua việc cấp mã QR khai báo y tế điện tử và hướng dẫn về các yêu cầu phải tuân thủ khi hoạt động.

Dù vậy, nhiều cơ sở, shipper và người dân lần đầu sử dụng ứng dụng Y tế HCM nên còn lúng túng, lẫn lộn app cũ và mới. Một số người dân được đi chợ nhưng phải quay về vì quên mang điện thoại để quét mã QR, cũng có trường hợp quét mã QR nhưng không được phần mềm ghi nhận.

Ghi nhận ngày đầu ở 3 vùng xanh quận 7, Củ Chi, Cần Giờ: Người dân phấn khởi khi kinh doanh trở lại ảnh 1 Đại diện UBND quận 7 kiểm tra, hướng dẫn các hộ kinh doanh ngày đầu được hoạt động trở lại. Ảnh: TRÂM ANH

Ông Lê Văn Hải, chủ quán ăn Hiền Lành (phường Tân Phong), cho biết việc đăng ký hoạt động trở lại tương đối dễ dàng. Hiện tại điều kiện đi lại còn khó khăn, chưa mua được đầy đủ nguyên liệu nên quán chỉ phục vụ 4 món, bán hàng mang đi (qua app) vào buổi sáng, nếu ổn sẽ mở bán cả ngày.

Tại cửa hàng bánh mì Tân Mỹ (phường Tân Phú), ông Lương Thanh Huy cho biết đã lâu lắm rồi, cơ sở của ông mới lại tất bật như hôm nay. “Hôm nay tôi mới được nói nhiều, nói lạc giọng luôn, phần vì báo đơn khách đặt, phần vì nhắc shipper đứng giãn cách”. Ông Huy rất vui khi buôn bán trở lại và thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng chống dịch.

Cửa hàng Yến Gạo liền bên, tuy chưa được cấp phép hoạt động nhưng một số nhân viên đang lưu trú tại đây đã mở cửa từ sớm để vệ sinh và sắp xếp lại mặt hàng. Chủ cửa hàng đã đăng ký thí điểm hoạt động, mọi công tác chuẩn bị phải sẵn sàng, để khi được cấp bảng “Doanh nghiệp xanh” và cấp mã QR là đi vào hoạt động ngay.

Giúp dân sớm tổ chức mua bán 

Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Thanh Trang, chủ cửa hàng bán đồ điện trên đường Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận Đông), đã mở cửa sau 3 tháng ngưng hoạt động. Trong ngày đầu, cửa hàng bán chạy nhất là vòi nước, cánh quạt.

“Biết tôi mở bán trở lại, bạn bè, người thân nhắn tin chúc mừng, rất vui. Mọi người trong nhà cũng đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Do vậy cửa hàng được quận duyệt bán lại”, bà Thanh Trang chia sẻ.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 7 Trần Chí Dũng cho biết, quận đang tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký hoạt động trở lại qua các trang thông tin chính thức của quận. Ngoài việc phối hợp với Sở TT-TT TPHCM xây dựng phần mềm đăng ký kinh doanh để phục vụ người dân, doanh nghiệp, quận 7 đã cấp phép thí điểm cho 151 cơ sở sản xuất, kinh doanh (mỗi phường 10 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp) hoạt động, ưu tiên ở các lĩnh vực: kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang đi); siêu thị, cửa hàng tiện lợi; nhà thuốc; xây dựng; dịch vụ công chứng...

Từ kết quả thí điểm, quận sẽ đánh giá để tháo gỡ những khó khăn và rút kinh nghiệm tổ chức tốt hơn, giúp người dân sớm đi vào hoạt động buôn bán, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Quận 7 cũng đang thẩm định điều kiện an toàn phòng chống dịch của các công viên trước khi mở cửa trở lại. Nếu đủ điều kiện, trước mắt quận thí điểm khoảng 30% số công viên đưa vào hoạt động. Điều kiện để người dân được sinh hoạt tại công viên là phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine qua 14 ngày; đồng thời phải đăng ký với ban quản lý các chung cư và tuân thủ quy định giãn cách, nguyên tắc 5K”.

Củ Chi, Cần Giờ đang chờ

Ngày 16-9, các chợ truyền thống và nhiều cửa hàng, cơ sở tại các huyện Cần Giờ, Củ Chi vẫn chưa hoạt động trở lại. Lý giải về việc này, chiều 16-9, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, huyện đang gấp rút hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế sau ngày 15-9 (dự kiến theo 3 giai đoạn) và đang xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá: doanh nghiệp; chợ truyền thống; siêu thị, cửa hàng tiện lợi; hoạt động lưu trú du lịch.

Tại huyện Củ Chi, các hoạt động mở lại còn chưa nhiều. Trên các tuyến đường chính vẫn ít người dân đi lại. Người đi qua chốt kiểm soát phải có giấy đi đường, giấy mời tiêm ngừa, xe chở hàng hóa phải có mã QR “luồng xanh”… mới được đi qua.

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng, huyện cũng lên kế hoạch cho phép chợ, siêu thị, cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại (dự kiến ngày 17-9 có 4 chợ truyền thống, dã chiến mở cửa). Tuy nhiên, ngày 16-9, huyện chưa triển khai vì đang đợi hướng dẫn của thành phố.

Quận 5 đề nghị mở chợ lưu động tại vùng xanh

Ngày 16-9, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận 5 sau ngày 15-9. Đồng chí ghi nhận nỗ lực từng bước chuyển hóa, kiểm soát tình hình dịch của quận 5 và yêu cầu quận đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng thuận, tiếp tục tuân thủ tốt giãn cách; triển khai nhanh gói an sinh thứ 3 kịp thời, công khai, minh bạch.

Dịp này, quận 5 khen thưởng động viên các đơn vị đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và chăm lo đời sống người dân. Quận cũng đề nghị thành phố cho phép mở phiên chợ lưu động tại vùng xanh (dự kiến ở phường 3, 4, 10).

MẠNH HÒA

Các tin khác