Làm gì để tàu Cát Linh - Hà Đông không… ế?

(ĐTTCO)-Ngày cuối miễn phí (20.11), tàu Cát Linh - Hà Đông chứng kiến lượng hành khách tăng vọt. Tuy nhiên, nhiều lo ngại sau khi bán vé chính thức, lượng khách trả tiền để đi tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ giảm.
Khách trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông
Khách trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông

Hàng nghìn người dân Hà Nội đã xếp hàng trong ngày thứ 7 (20.11), để trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông trong ngày miễn phí vé cuối cùng. Nhiều hành khách cho con nhỏ đi tàu, thậm chí đi tới 2 - 3 lượt để các bé được ngắm cảnh và trải nghiệm tuyến tàu đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội. Đặc biệt, lượng hành khách là người cao tuổi, thanh niên tham quan chụp ảnh rất đông đúc.

Theo Công ty Metro Hanoi, đơn vị quản lý và vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông, trong 14 ngày vận hành miễn phí vừa qua (tính từ 6.11), các ngày thường (ngày làm việc) trong tuần có số lượt khách đi lại dao động ở mức trên 16.000 đến dưới 20.000 lượt/ngày. Trong 2 ngày 18 - 19.11, lượng khách tăng khá cao so với trung bình các ngày thường trong tuần, đạt mức trên 20.000 lượt khách.

Đáng chú ý, lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong tuần miễn phí vé thứ 2 đã tăng so với cùng ngày của tuần trước. Trong đó, nhiều nhất là ngày 19.11 với gần 24.600 lượt khách, ngày 18.11 đạt hơn 21.100 lượt.

Trên thực tế, học sinh, sinh viên - đối tượng chủ yếu đi phương tiện công cộng chưa đi học trở lại, cũng là một trong những yếu tố khiến lượng khách của Cát Linh - Hà Đông chưa thể đông như kỳ vọng. Ngoài lượng hành khách đi làm trên tuyến, một phần không nhỏ là hành khách đi trải nghiệm tàu. Tuy vậy, đại diện Metro Hanoi cũng kỳ vọng khi Covid-19 được kiểm soát, học sinh, sinh viên được đến trường bình thường trở lại, lượng hành khách sẽ tăng lên đáng kể.

Giải bài toán kết nối

Anh Phương (Hà Nội) chia sẻ, từ nhà anh đi bộ tới ga vành đai 3 mất khoảng 2,1 km, nếu đi xe buýt 2 lần/ngày thì mất 14.000 đồng, 1 tháng mất 336.000 đồng tiền vé xe buýt và 200.000 tiền vé tháng tàu là 536.000 đồng. Nếu so với việc đi xe máy cả tháng chỉ hết 200.000 đồng tiền xăng thì phương án đi tàu không khả thi với anh. Nếu như phương án mua vé tàu theo tháng được miễn phí xe buýt thì sẽ khả thi hơn.

Không chỉ anh Phương, bất tiện trong di chuyển do chưa hoàn thiện mạng lưới kết nối và thói quen di chuyển bằng xe máy vẫn là cản trở lớn nhất trong việc thu hút hành khách với tuyến Cát Linh - Hà Đông. Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), đến nay đã điều chỉnh lộ trình 6 tuyến buýt, mở mới 5 tuyến buýt kết nối với các ga của tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông. Việc triển khai phương án kết nối được thực hiện trên lộ trình cơ sở phương án được Sở GTVT duyệt, song đến thời điểm này mới triển khai được một phần.

Đã có 53 tuyến xe buýt hoạt động dọc hành lang tuyến Cát Linh - Hà Đông, kết nối với các ga đầu cuối và ga dọc tuyến (trong đó ga Yên Nghĩa 20 tuyến, ga La Khê 15 tuyến, ga Văn Khê 12 tuyến, ga Hà Đông 10 tuyến, ga Văn Quán 13 tuyến, ga Phùng Khoang 10 tuyến, ga vành đai 3 là 12 tuyến, ga Thượng Đình 11 tuyến, ga Láng 5 tuyến, ga Thái Hà 4 tuyến, ga La Thành 4 tuyến và ga Cát Linh 10 tuyến). Dự kiến đến khi triển khai xong phương án kết nối, sẽ có 59 tuyến buýt kết nối với 12 nhà ga.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hanoi, tại 2 ga đầu (Cát Linh) và ga cuối (Yên Nghĩa), các quận Đống Đa và Thanh Xuân đã sắp xếp, bố trí điểm đỗ xe. Theo đó, tại ga Cát Linh sẽ bố trí điểm đỗ lùi vào phía trong ngõ Hào Nam, với khoảng 500 - 700 xe máy, tại ga Yên Nghĩa sẽ gửi xe trong bến xe Yên Nghĩa. Lãnh đạo Metro Hanoi cũng khuyến nghị, với những người nhà cách ga khoảng 500 m đến 1 km có thể đi bộ ra ga, nếu xa hơn người dân nên đi xe buýt để tới ga.

“Chỉ một tuyến đường sắt đô thị đơn độc như Cát Linh - Hà Đông không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề một cách căn cơ. Chỉ khi Hà Nội phát triển mạng lưới đầy đủ các tuyến metro thì người dân có thể đi từ tuyến này nối sang tuyến kia, còn hiện tại thì kết nối chủ yếu bằng xe buýt và đi bộ. Như xe buýt hiện nay các bến xe có chỗ gửi xe máy đâu nhưng người dân vẫn đi. Xe buýt không có sao đi tàu Cát Linh - Hà Đông lại cần gửi xe máy để đi?. Người dân cần hình thành dần văn hoá đi bộ”, ông Trường khuyến nghị.

Từ 21.11, giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông là 7.000 đồng/lượt (giá mở cửa), theo chặng là 8.000 - 15.000 đồng/lượt. Giá vé ngày là 30.000 đồng. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000 đồng/người, có định danh là 100.000 đồng/người). Người được miễn phí đi xe buýt cũng sẽ được miễn phí khi đi tàu.

Các tin khác