“Khát vọng Đam San” - hành trình bảo tồn văn hóa Tây nguyên

Ca kịch “Khát vọng Đam San”.
Ca kịch “Khát vọng Đam San”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường ở tuổi 78 vẫn sáng tác và dàn dựng ca kịch “Khát vọng Đam San” cho Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk công diễn tại Ban Mê Thuột. Với nhạc sĩ Nguyễn Cường, vẻ đẹp Tây nguyên giống như một người tình mãi mãi trẻ trung và quyến rũ để ông gửi gắm từng nhịp điệu trái tim mình. Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Cường là nhắc đến những ca khúc rạo rực âm hưởng Tây nguyên “Xôn xang, mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”, “Đôi mắt Pleiku”, “Còn thương nhau thì về Ban Mê Thuột”, “Ơ, M’drac”, “Ly cà phê Ban Mê”, “H’ren lên rẫy”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”... 
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường lại gắn bó với đại ngàn Tây nguyên. Nhạc sĩ thú nhận: “Chưa có mảnh đất nào mang lại cho tôi nhiều cảm xúc như Tây nguyên. Cứ một lần đến thôi cũng làm tôi muốn đến mãi và tôi đã cho ra đời những tác phẩm viết riêng về vùng đất này”.
Vì vậy, qua tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn chấp nhận “lão chưa an” để viết ca kịch “Khát vọng Đam San”. Đặt ra mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hóa Ê Đê, ca kịch “Khát vọng Đam San” gồm 5 chương: “Đam Săn và H’Nhi”, “Xử tội Mtao Msei”, “Buôn sang trông cậy”, “Nơi miền sáng” và “Mặt trời lên trên cao nguyên bao la”. Hỗ trợ cho nhạc sĩ Nguyễn Cường thực hiện ca kịch “Khát vọng Đam San” có Hồng Hoa biên kịch và NSND Y San Aliô biên đạo múa.
“Khát vọng Đam San” - hành trình bảo tồn văn hóa Tây nguyên ảnh 1 Nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Như vậy, sau 10 năm, kể từ bản hợp xướng “Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng”, nhạc sĩ Nguyễn Cường lại có thêm tác phẩm hoành tráng là ca kịch “Khát vọng Đam San”. Với thời lượng hơn 60 phút, “Khát vọng Đam San” được Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk công diễn tại thành phố Ban Mê Thuột, đã làm nức lòng giới mộ điệu. Nhạc sĩ thổ lộ: “Tôi đến với Tây nguyên không chỉ bằng mấy câu nhạc vàng, quan họ, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến… mà với cả Bach, Mozart, Betthoven, nhạc Jazz, Disco… ở sau lưng. Tôi mang theo nỗi khát vọng của tuổi trẻ cùng một tình yêu thật lòng. Cả Hà Nội trong tôi cùng đến với Tây nguyên. Tôi tự thấy mình hợp với khí chất khoáng đãng, rộng lớn và mãnh liệt của Tây nguyên. Tôi yêu cả Hà Nội và Tây nguyên. Tôi có Hà Nội là miền thực, Tây nguyên là miền mơ”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã từng khiến nhiều thế hệ thổn thức về những “em” ở Tây nguyên. Nào là “em đẹp quá Pleiku ơi, trái tim tôi muốn vỡ tan rồi”. Nào là “ánh mắt ấy, tiếng nói ấy, thương thương hoài”. Nào là “xin mãi mãi như con sông dài, dâng sóng theo em tới nơi chân trời”.
Phải chăng, nhạc sĩ Nguyễn Cường có một bóng hồng ở Tây nguyên? Ông khéo léo úp mở: “Đúng là tôi có một mối tình ở Tây nguyên, nhưng tình yêu ấy là tình yêu với văn hóa và con người Tây nguyên. Đấy mới là tình yêu thật, mới là tình cảm bền lâu, sâu sắc. Nghĩ đến tình yêu mà chỉ nghĩ đến tình yêu lứa đôi thôi thì nông lắm. Tình yêu đàn ông đàn bà… yêu nhau tới mức sẵn sàng chết với nhau trong kim cổ đến nay chỉ có vài trường hợp. Chẳng hạn như Romeo và Juiliet, Mỵ Châu - Trọng Thủy. Nhưng tình yêu với quê hương, với đồng loại, với văn hóa… sự hy sinh không thể đong đếm hết. Và đó mới chính là tình yêu đích thực”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường có sở trường viết ca khúc về Tây nguyên, ai cũng thừa nhận. Thế nhưng, vở ca kịch “Khát vọng Đam San” dựa theo trường ca nổi tiếng của người Ê Đê lại rất nhiều thử thách. Bởi lẽ, không nhiều người Việt Nam đọc được toàn bộ tác phẩm và thấu hiểu trọn vẹn trường ca Đam San.
Nói cách khác, nội dung và tinh thần của trường ca Đam San không phải dễ tiếp cận để thoải mái hát và múa theo sở thích. Trường ca Đam San (hay còn gọi là “Sử thi chàng Dam Săn”) có tên gọi theo tiếng Ê Đê là “Klei khan y Đam San”. Trường ca Đam San được công sứ Pháp Leopold Sabachier sưu tầm ở Đắk Lắk đầu thế kỷ 20 và công bố bằng song ngữ Ê Đê - Pháp tại Paris vào năm 1927. 
Đến năm 1933, trường ca Đam San được dịch giả Đào Tử Chí chuyển ngữ sang tiếng Việt, có độ dài 2.077 câu và chia làm 7 chương. Trường ca Đam San kể câu chuyện chàng Đam San tranh đấu để thoát khỏi sự ràng buộc của những luật lệ lạc hậu là tập tục nối dây. Những nhân vật xoay quanh Đam San không chỉ có ông cậu Y Kla và hai chị em cùng tuổi H’Nhi, H’Bhi, còn có tù trưởng Quạ, tù trưởng Sắt, Nữ thần Mặt Trời... Rất kiên cường và rất dũng mãnh, nhưng Đam San vẫn thất bại. Và điều còn lại cuối cùng để mọi người cùng suy ngẫm chính là khát vọng réo gọi muôn đời về tự do. 
Tiết tấu của Tây nguyên, vũ đạo của Tây nguyên luôn mang nét đặc sắc. Tuy nhiên, ca kịch “Khát vọng Đam San” muốn lan tỏa xa rộng để thể hiện được giá trị cốt lõi mà chàng Đam San từng dõng dạc trong sử thi: “Ơ các em trong làng! Ơ các cháu trong nhà! Ơ nghìn chim sẻ, ơ vạn chim ngói! Ơ tất cả tôi tớ của ta. Chúng ta hãy mở hội ăn đông uống vui mừng mùa khô năm mới.
Chúng ta hãy làm lễ cáo thần, cáo tổ tiên, cáo linh hồn các tù trưởng xưa cũ. Chúng ta sẽ cúng thần Núi, thần Nước, thần trên cao, thần dưới thấp, thần phía Đông, thần phía Tây. Cầu cho chúng ta luôn luôn khỏe mạnh, năm tháng yên vui. Cầu cho đất đai mãi mãi xanh tươi, sông suối không bao giờ ngừng chảy, mía chuối luôn luôn nảy lộc đâm chồi, không bao giờ bị héo hon vàng lụi”.
Ca kịch “Khát vọng Đam San” cũng xem như khát vọng của nhạc sĩ Nguyễn Cường trong hành trình đánh thức vẻ đẹp Tây nguyên. Nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm niệm: “Mỗi khi sáng tác, tôi hình dung về đại ngàn kỳ vĩ, những thảo nguyên bao la, để gửi vào đó tình yêu thiên nhiên, yêu cội nguồn. Hồn của tôi là hồn cao nguyên. Với nơi bí ẩn, thiêng liêng ấy, tôi tin mình nghe được tiếng đại ngàn.
Nhiều lúc ở Hà Nội, mà tưởng tượng mình như đại bàng bay, như ngựa phi trên thảo nguyên vô tận. Điều tôi trăn trở không kém việc tìm kiếm chất liệu, là tìm kiếm ca sĩ có thể “bắt sóng” được mình. Tôi dễ phải có đến hàng trăm bài hát nằm trong ngăn kéo, chỉ có khoảng hơn 20 bài được biết đến rộng rãi (chừng 10 bài về Tây nguyên và 10 bài về đồng bằng Bắc bộ), là nhờ người hát và nhạc sĩ phối khí”. 

Các tin khác