Hai câu chuyện xung quanh ngày tết đặc biệt

(ĐTTCO) - Tết Nhâm Dần 2022 là cái tết đặc biệt. Cái tết thích ứng bình thường mới, sau 1 năm căng thẳng chống dịch Covid-19. Trong không khí tấp nập những ngày cuối năm âm lịch, có 2 câu chuyện đáng để suy tư và sẻ chia.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
1. Ngày tết đang đến gần, người Việt đang lao động và học tập ở nhiều nơi đều mong muốn được trở về quê nhà. Thế nhưng, điều khiến phần lớn công dân tha phương cảm thấy ái ngại là phương pháp ứng xử không thống nhất ở nhiều địa phương trong công tác phòng chống Covid-19. Vì sao phải làm khó những đứa con xa xứ trên hành trình sum họp cội nguồn dịp Tết cổ truyền của dân tộc? 
Nghị quyết 128 của Chính phủ đã được triển khai từ ngày 11-10-2021 góp phần đưa Việt Nam từng bước thích ứng bình thường mới, kiểm soát Covid-19 an toàn và hiệu quả. Cho nên, mỗi địa phương không thể tùy tiện đưa ra quy định riêng về việc bắt buộc xét nghiệm hoặc cách ly y tế, hoặc đưa ra khuyến cáo với thái độ khước từ đón tiếp chân thành đối với công dân về quê ăn Tết. Trên thực tế, đã có địa phương thực hiện “giam lỏng”, hoặc ngang nhiên khóa trái cửa nhà của người dân vừa trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn để đoàn tụ gia đình mùa xuân.  
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có yêu cầu khẩn trương chấn chỉnh những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 không phù hợp. Bởi lẽ, không thể bất cập kiểu cá nhân đều đã tiêm vaccine như nhau, mà người nhập cảnh được yêu cầu cách ly 3-7 ngày, còn người trong nước về quê ăn Tết phải cách ly 7-14 ngày.
Văn bản hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ. Cho nên, các địa phương cần thấy rằng việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém. 
Ngày tết trong tâm thức người Việt rất quan trọng. Nhất là trong bối cảnh cả nước vừa trải qua đợt lây nhiễm căng thẳng, ai cũng khao khát được đón tết bên cạnh người thân. Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân về quê ăn tết, cũng đồng nghĩa với hành động xoa dịu tổn thương của cộng đồng. Đành rằng, cấp độ dịch ở mỗi nơi khác nhau, nhưng chống dịch phải dựa trên khoa học, không thể chủ quan khẩn trương “chống nhầm hơn bỏ sót” theo tinh thần cục bộ.
Covid-19 vẫn còn nguy hiểm, xin khẳng định như vậy. Các chuyên gia đã đưa ra bằng chứng cho thấy hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc lớn tuổi có bệnh nền, còn gặp ở những người mắc bệnh nhẹ, trẻ tuổi và khỏe mạnh. Nhiệm vụ của chính quyền cơ sở là tuyên truyền và nhắc nhở người dân nâng cao ý thức tuyệt đối tuân thủ 5K mọi lúc mọi nơi.
Người dân đã thấm thía mất mát từ dịch bệnh đáng sợ không khác gì thiên tai và chiến tranh. Do vậy, quê nhà phải dang rộng cánh tay ôm ấp những đứa con phiêu bạt khắp nơi được trở về tìm lại hơi ấm gia đình và dòng họ trong dịp Tết Nhâm Dần. Ngày Tết, đừng để quê nhà trở nên xa khuất, đối với những người Việt đã và đang nếm trải hoang mang vì Covid-19. 

2. Năm nào đến dịp gần tết, câu chuyện xôn xao nhất vẫn là quà tết. Trên các con phố, những giỏ quà tết được gói ghém rất đẹp mắt và ấn tượng. Thế nhưng, xung quanh quà tết cũng có không ít băn khoăn và ái ngại. 
Trong phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội liên quan đến Công ty Nhật Cường, đã có lời khai về quà tết khá ê chề. Bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, cho biết: “Trước Tết Nguyên đán 2016, Bùi Quang Huy, Giám đốc Công ty Nhật Cường đến chúc tết, vào phòng tôi nói năm nay làm ăn được nên có tí quà tết biếu anh. Tôi nói luôn không nhận phần trăm mà chỉ bảo yêu cầu nhà thầu làm tốt gói thầu. Bùi Quang Huy nói đây là quà biếu tết, không liên quan gói thầu nên tôi nhận. Sau này tôi về xem biết trong gói quà có 300 triệu đồng và chai rượu”.
300 triệu đồng không phải số tiền nhỏ. Vậy, đó có phải quà tết vô tư và chân tình? Dĩ nhiên không. Quà tết 300 triệu đồng là kiểu hối lộ được ngụy trang thô sơ mà thôi. Kiểu quà tết 300 triệu đồng giữa Giám đốc Công ty Nhật Cường và Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, đích thực rất đáng lên án và xử lý theo tội danh “đưa và nhận hối lộ”.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định 59/2019.NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về biểu hiện nghiêm cấm: “Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải từ chối, trường hợp không từ chối được phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng”.
Quà tặng ngày thường đã khó kiểm soát, còn quà tặng mượn cớ ngày tết để thực hiện động cơ khuất tất càng khó kiểm soát hơn. Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu “nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức” nhằm tạo không khí trong lành cho những ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Quà tết là mỹ tục lâu đời. Quà tết thể hiện sự tri ân hoặc sự báo hiếu của con cháu với cha mẹ, của học trò với thầy cô, của hậu sinh với tiền bối. Quà tết phải chứa đựng sự thành kính và sự trong sáng. Quà tết không phải cơ hội để cầu cạnh lợi lộc, mua bán công danh hay chạy chọt quyền bính. Để quà tết không phải mỹ tục bị biến tướng một cách đáng xấu hổ, cần thái độ tự trọng và liêm chính của những người có chức vụ.
Nếu trao quà tết đầy miễn cưỡng từ những kẻ luồn lách tà tâm và nhận quà tết như thói quen từ những kẻ tranh thủ địa vị xã hội nhất thời, thực sự là vết nhơ cho đời sống văn hóa. Ở đời, cổ nhân vẫn nhắc “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Vậy, chỉ những ai mặc cảm về sự hèn kém của mình mới lợi dụng sự biến tướng của mỹ tục quà tết. 

Các tin khác