Đại tự điển Hán-Việt: công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc

(ĐTTCO)-Đại tự điển Hán Việt - Hán ngữ cổ và hiện đại của soạn giả Trần Văn Chánh, được biên soạn hướng đến phục vụ các giới từ học sinh cấp trung, đại học cho đến những người làm công việc nghiên cứu, giảng dạy, dịch thuật, và người tự học.
Đại tự điển Hán-Việt: công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc
Với 2.000 trang in trên giấy chuyên dụng khổ lớn (21 x 29cm), tổng số mục chữ Hán thông dụng trong các sách cổ và hiện đại trong tự điển lên tới trên dưới 12.000 đơn vị tự, nhiều nhất so với các tự - từ điển Hán-Việt ở Việt Nam đã có từ trước tới nay, với không ít chữ Hán được giải thích từ 5-10 hoặc 20-30 nghĩa khác nhau, từ nghĩa rất cổ cho đến những nghĩa chung, nghĩa cận hiện đại, nghĩa mới (xuất hiện trong khoảng 5-10 năm gần đây), kể cả khá nhiều từ mới, phương ngôn, khẩu ngữ, ẩn ngữ/hàng thoại (tiếng lóng).
Mỗi mục chữ Hán đều cho nhiều thí dụ là những từ ghép, thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ (cụm từ quen dùng) hoặc câu văn, có kèm phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa.
Mỗi mục từ Hán đều in chữ to dễ đọc, thể hiện dưới dạng chữ phồn thể kèm theo giản thể, có ghi âm pinyin và chú âm phiên thiết. Ở mỗi thuật ngữ khoa học đều có chú thích thêm từ tiếng Anh, hoặc cả tiếng Anh lẫn tên khoa học cho các giống loài động-thực vật.
Về việc dịch hoặc định nghĩa các từ ngữ, tự điển đã giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, sát nghĩa và không để sót những nghĩa quan trọng. Riêng những câu thí dụ trích dẫn từ thơ văn cổ đều được ghi xuất xứ rõ ràng, có chú ý chọn những câu thơ hoặc đoạn văn hay có giá trị văn chương, tư tưởng, giúp nâng cao kiến thức văn hóa tổng quát và kinh nghiệm đọc sách (đặc biệt kinh nghiệm đọc cổ thư) cho người sử dụng tự điển. 
Soạn giả Trần Văn Chánh đã nỗ lực giải quyết bước đầu một số vấn đề mà các nhà biên soạn từ điển tiền bối chưa kịp quan tâm một cách đầy đủ. Trước nhất là việc xác định lại các âm đọc Hán Việt của chữ Hán, chỉnh sửa một số âm đọc sai do sự suy đoán tùy tiện của những người đi trước, bằng cách lấy phương pháp chú âm phiên thiết làm căn bản rồi vận dụng thích hợp vào thực tế đa tạp của ngôn ngữ Hán Việt, trên cơ sở vẫn tôn trọng giữ lại những âm đọc truyền thống cố định từ xa xưa đã được toàn thể học giới và xã hội công nhận (như: nhất, nhị, tam, thiên, địa, phụ, mẫu, tử, tôn…).
Để tránh bớt sự xáo trộn trong nhận thức về ngữ âm của những người đã có số vốn chữ Hán nhất định, soạn giả đã áp dụng giải pháp dung hòa, trình bày rõ trong phần Phụ lục I thuyết minh âm đọc chữ Hán trên cơ sở phiên thiết đặt ở cuối sách. 
Việc thứ hai liên quan một số thuật ngữ khoa học, đặc biệt về tên gọi các loài động-thực vật (chim, cá, cỏ cây…), cần được nhận thức một cách chính xác. Để làm được điều này, soạn giả đã phải tra cứu đối chiếu với các tài liệu chuyên ngành, để ở mỗi thuật ngữ đều có chú giải thêm từ tiếng Anh, hoặc cả tên khoa học cho các giống loài động-thực vật. 
Cuối sách có 4 phụ lục: (1) Thuyết minh âm đọc Hán Việt trên cơ sở phiên thiết; (2) Bảng tra tên tiếng Anh và tên khoa học các giống loài động-thực vật; (3) Tiểu từ điển bằng hình (gồm 570 hình vẽ minh họa cho những từ ngữ đã có trong phần chính văn); (4) Bảng tra 360 tục tự thường dùng.
Tự điển xếp các chữ đầu mục (tự đầu) theo trật tự A, B, C... âm Hán Việt, đại khái tương tự cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, nhưng với bảng tra chữ Hán theo bộ thủ đặt ở đầu sách, nó còn có thể dùng tra cứu học tập chữ Hán y như mô hình Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, thích dụng cả cho người mới bắt đầu học chữ Hán lẫn người đã có được những trình độ cao hơn.
Nhờ một vài đặc điểm như trên, cùng với lượng thông tin cao và chuẩn xác, tự điển còn có được tính lưỡng dụng, có thể kiêm dùng để tra cứu chữ Hán như một loại “cận từ điển”, mà ngôn ngữ hiện đại gọi là “2 trong 1”. 
Được biết, Trần Văn Chánh là soạn giả của nhiều tự/từ điển và những sách công cụ liên quan đến việc học tập, nghiên cứu chữ Hán, đặc biệt đối với Hán cổ (mà ta quen gọi chữ Nho) đã được lưu hành rộng rãi từ những năm 90 của thế kỷ trước, như: Từ điển Hán-Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Tự điển Hán-Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Từ điển hư từ Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Ngữ pháp Hán ngữ cổ và hiện đại, Toàn thư tự học chữ Hán, Từ điển - sách công cụ chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc.
Trong số này, riêng quyển Tự điển Hán-Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại tuy cũng cùng loại là tự điển Hán-Việt nhưng lấy chữ Hán làm chữ đầu mục, tra tìm chữ theo 214 bộ thủ (giống Hán Việt tự điển của Thiều Chửu) với 2 bảng tra chữ theo âm Hán Việt và theo âm pinyin ở cuối sách, cách sắp đặt cơ bản ngược lại với bộ Đại tự điển đang nói vừa được ấn hành: lấy âm Hán Việt làm chữ đầu mục theo mô hình Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, rồi bổ sung ở đầu sách bằng một bảng tra chữ Hán theo bộ thủ.
Đánh giá của GS.TS Huỳnh Như Phương trong một bản thẩm định bản thảo có ghi rõ: “Cuốn Đại tự điển Hán-Việt do nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh biên soạn là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có nội dung cập nhật, phong phú và được thực hiện đúng quy cách khoa học của một cuốn tự điển. Với độ dày gần 2.000 trang, đây có thể xem là bộ tự điển Hán-Việt có quy mô lớn nhất ở nước ta từ trước đến nay…
Lịch sử giao lưu văn hóa Việt Nam - Trung Hoa cho thấy ảnh hưởng quan trọng của chữ Hán đối với tiếng Việt. Bộ tự điển này không chỉ giúp độc giả học tập chữ Hán mà còn giúp trau dồi tiếng Việt. Đây là một cuốn sách công cụ cần thiết cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và giảng viên cũng như cho những độc giả có quan tâm đến văn hóa và ngôn ngữ. Cuốn Đại tự điển Hán-Việt của tác giả Trần Văn Chánh là một công trình có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn, đã đáp ứng tốt những yêu cầu về nội dung và hình thức của một cuốn tự điển trong giai đoạn hiện nay”. 

Các tin khác