Cựu Tổng Giám đốc Sagri đề nghị xem xét lại tội danh tham ô tài sản

(ĐTTCO) - Cựu Tổng Giám đốc Sagri Lê Tấn Hùng đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản”. Cụ thể, bị cáo cho rằng không có động cơ, chủ đích hưởng lợi hay chia lợi như cáo trạng nêu...

Chiều 8-12, TAND TPHCM tiếp tục xét xử 19 bị cáo trong vụ chuyển nhượng trái phép khu đất tại dự án khu phố 4 (phường Phước Long B, quận 9, nay thuộc TP Thủ Đức, TPHCM) gây thất thoát hơn 672 tỷ đồng xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (viết tắt Sagri).

Trong buổi chiều, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Sagri) cùng một số bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên trong Sagri. Trong vụ án này, bị cáo bị đưa ra xét xử về hai tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”.

Cựu Tổng Giám đốc Sagri đề nghị xem xét lại tội danh tham ô tài sản ảnh 1Bị cáo Lê Tấn Hùng. Ảnh: VĂN MINH

Theo cáo trạng, bị cáo Lê Tấn Hùng với vai trò chủ mưu, cùng các đồng phạm đã chuyển nhượng trái pháp luật khu đất tại dự án khu phố 4 (là tài sản nhà nước do Sagri quản lý) sang Tổng Công ty CP Phong Phú, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Hùng còn được xác định đã chỉ đạo các bị cáo là cấp dưới tại Sagri móc nối với một số công ty bên ngoài lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên của Sagri đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài nhằm chiếm đoạt hơn 13,3 tỷ đồng, chiếm hưởng chi tiêu chung gần 9 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với tội danh "Tham ô tài sản", cáo trạng thể hiện, cuối tháng 8 và tháng 10-2016, Lê Tấn Hùng đã bàn bạc, chỉ đạo Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính Kế toán và Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Nhân sự hành chính liên hệ với Công ty du lịch Thanh niên xung phong và Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế để lập hồ sơ ký khống 10 hợp đồng tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài cho cán bộ trong tổng công ty để chiếm đoạt tiền của Sagri.

Thực hiện chỉ đạo của ông Lê Tấn Hùng, Nguyễn Thị Thúy và Nguyễn Thị Tuyết Mai đã liên hệ, gặp gỡ, bàn bạc với người của hai công ty trên thống nhất dùng thủ đoạn lập hồ sơ giả, ký khống 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, nhưng thực tế không đưa bất cứ ai đi du lịch theo nội dung hợp đồng. Sau đó các bên hợp thức chứng từ, Sagri chuyển tiền cho các công ty du lịch trên theo giá trị các hợp đồng. Các công ty này sẽ rút ra chuyển tiền lại cho Sagri để chia nhau.

Cựu Tổng Giám đốc Sagri đề nghị xem xét lại tội danh tham ô tài sản ảnh 2Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: VĂN MINH

Theo đó, Sagri đã ký khống 6 hợp đồng với Công ty Du lịch Thanh niên xung phong với tổng trị giá hơn 4,9 tỷ đồng và ký khống 4 hợp đồng với Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế với tổng trị giá hơn 8,3 tỷ đồng. Sagri đã chuyển số tiền hơn 13,3 tỷ đồng đến 2 công ty du lịch nêu trên thông qua 10 hợp đồng khống và sau đó các bị can đã chiếm đoạt sử dụng số tiền này.

Tháng 12-2016, Thanh tra TPHCM có kế hoạch thanh tra toàn diện Sagri. Để che giấu hành vi phạm tội, ông Lê Tấn Hùng chỉ đạo cấp dưới soạn thảo các văn bản và liên hệ với Công ty Du lịch Thanh niên xung phong và Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế để hợp thức hồ sơ, tài liệu, dòng tiền nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Lê Tấn Hùng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng không có động cơ tư lợi, chỉ thực hiện theo chức trách là Tổng giám đốc Sagri khi đó nên đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản”. Cụ thể, bị cáo không có động cơ, chủ đích hưởng lợi hay chia lợi như cáo trạng nêu. Quá trình điều tra, bị cáo đã dùng tiền cá nhân để nộp lại số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo còn lại vào ngày 9-12.

Các tin khác