Cùng nhau vượt qua gian khó - Dấu ấn khó quên!

(ĐTTCO) - Tính đến 9-11, biến thể Delta đã cướp đi sinh mạng hơn 22.000 người, bào mòn sự sống của hơn 600.000 người Việt. Dù đỉnh của đợt dịch lần thứ 4 đã đi qua, TPHCM đang chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”.

Hơn 200 ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh là khoảng thời gian chưa từng có trong lịch sử, để lại những dấu ấn không quên với người dân TPHCM nói riêng và người Việt Nam nói chung. 

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị Covid-19 quận Tân Phú. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị Covid-19 quận Tân Phú. Ảnh: HOÀNG HÙNG

LTS: Cho đến thời điểm này, Covid-19 được khẳng định là virus xâm nhiễm, gây hại lớn nhất lịch sử nhân loại. Những tháng ngày vừa qua thực sự là khoảng thời gian không thể nào quên - một chặng đường không dài, nhưng đủ để nhận diện những thiếu sót, bất cập cũng như những kinh nghiệm được đúc rút kịp thời trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau quá nhiều vất vả, mất mát - đau thương, thì khoảng thời gian vừa qua cũng là động lực cho mọi người bước tiếp, khi chưa ai đoán định được điểm dừng của đại dịch.

Dịch lên nhanh như “lũ quét”

Cuối tháng 4-2021, khi tâm dịch còn ở Bắc Ninh và Bắc Giang, TPHCM bắt đầu ghi nhận những bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên. Ngày 26-5 được coi là thời điểm bùng phát của đợt dịch lần thứ 4 tại TPHCM bằng chuỗi lây nhiễm đến từ điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Phục Hưng. Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, 210 ca mắc Covid-19 tại đây và chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Hoàn Mỹ đã khiến TPHCM rơi vào tình trạng “báo động”. Cuộc chiến bắt đầu!

Cùng nhau vượt qua gian khó - Bài 1: Dấu ấn khó quên! ảnh 1Chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại khu điều trị của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế quản lý (quận Tân Phú, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo phân tích của Sở Y tế TPHCM, nếu ở thời điểm đầu tháng 5-2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng (dựa vào tỷ suất mắc mới trong 7 ngày) của các quận huyện, TP Thủ Đức đều ở cấp độ 1 (tức dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần) thì chỉ 4 tuần sau, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân/tuần); số ca mắc trong tuần tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần, tử vong tăng từ 7 ca/tuần lên 20 ca/tuần. 

Dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, đến ngày 7-7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 đến dưới 150/100.000 dân/tuần). Đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất với số ca tăng cao tại hầu hết các quận huyện trong thành phố, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca/ngày. Dịch bệnh lây lan rất nhanh, cho đến ngày 16-7, tình trạng dịch của TPHCM tiếp tục chuyển sang cấp độ 4 (>150/100.000 dân/tuần), số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 - 11.069 ca/tuần, số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày. Cuối tháng 7 và sang tháng 8, số ca mắc Covid-19 tăng dần, ngày 24-7, cả nước đã ghi nhận khoảng 8.000 ca/ngày, riêng TPHCM lên tới 5.400 ca/ngày.

 Số bệnh nhân được ra viện rất hạn chế, 1 ngày chỉ có hơn 200 bệnh nhân ra viện, nhưng có gần 8.000 người vào viện, dịch lên nhanh như “lũ quét”, sức ép lên hệ thống y tế vô cùng khủng khiếp.

Cuộc chiến từ tâm dịch

Trước tình thế trên, ngày 31-5, TPHCM đã chính thức thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16. Quận Gò Vấp lập 10 chốt kiểm soát ra - vào quận. Đây là thời điểm TPHCM bắt đầu thực hiện đợt giãn cách xã hội đầu tiên. Với sự gia tăng không ngừng số ca mắc mới mỗi ngày khiến 2 bệnh viện dã chiến được thành lập từ năm 2020 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM dần quá tải. Từ cuối tháng 6, thành phố thiết lập các bệnh viện dã chiến quy mô lớn với hàng ngàn giường bệnh. Để đáp ứng diễn tiến của tình hình dịch bệnh, các bệnh viện dã chiến liên tục được thành lập. Tính đến ngày 17-8, TPHCM đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến (với tổng quy mô lên 39.398 giường) và chuyển công năng 54 bệnh viện. Các chuyên gia ước tính, mỗi ngày TPHCM phải xây dựng thêm 1 bệnh viện dã chiến quy mô 2.000 giường bệnh mới đáp ứng nhu cầu điều trị.

Cùng với số ca mắc mới tăng cao, số ca bệnh nặng và tử vong cũng không ngừng gia tăng, ngày 12-7, Sở Y tế TPHCM thông báo sử dụng khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, chuyển đổi công năng trở thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường. Lúc này, thành phố áp dụng mô hình tháp điều trị 4 tầng: 30.000 giường điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng; 2.500 giường điều trị F0 có triệu chứng; 3.000 giường điều trị F0 có triệu chứng và có bệnh nền; 1.200 giường hồi sức bệnh nhân nặng, nguy kịch. Có thể nói, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do đỉnh điểm của dịch bệnh kéo dài suốt hơn 2 tháng. 

Nhớ lại những ngày tháng của đỉnh dịch, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhìn nhận: “Số lượng bệnh nhân ghi nhận cho đến tháng 9 đã gấp 10 lần so với số giường chuẩn bị, thành phố gần như phải “chạy đua” thành lập bệnh viện dã chiến - trung tâm hồi sức. Số ca mắc cứ tăng dồn dập. Tôi nhớ có khi một tuần cấp tốc xây dựng 2-3 bệnh viện dã chiến, mỗi bệnh viện từ 2.000-3.000 giường, nhưng cứ ra bao nhiêu là đầy bấy nhiêu. Mỗi một ổ dịch phát hiện có vài chục đến vài trăm ca, chỉ một ngày, bệnh nhân chuyển vào đầy ắp cả bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện toàn bệnh nhân nặng, nhiều trường hợp chuyển nặng, tử vong rất nhanh. Từ vài chục ca ban đầu, đỉnh điểm có ngày 340 ca tử vong. Đó là cú sốc rất lớn đối với những người làm ngành y chúng tôi”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhớ lại. 

Tất cả cho tiền tuyến

Những ngày dịch bệnh bùng phát là những ngày phố phường không bóng người, chỉ có tiếng còi hú của xe cứu thương, cảnh sát. Từ miền Bắc đến miền Trung, các đoàn bác sĩ, điều dưỡng, chiến sĩ quân y liên tục lên đường chi viện cho miền Nam. Từ Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa…, đội quân chi viện cứ nhận lệnh là lên đường, để lại ở hậu phương cha mẹ già, vợ, chồng và con thơ. Những chuyến công tác đột xuất ấy có thể là một tháng hoặc lâu hơn, nhưng không ai hỏi ngày về. Bởi, ai cũng một tâm niệm: “Tất cả cho tiền tuyến!”.

Là một trong những nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức có mặt sớm nhất tại TPHCM vào cuối tháng 7-2021, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh phụ trách khu vực bệnh nhân nặng và nguy kịch. Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng chị không tránh khỏi bị sốc vì diễn biến dịch bệnh. “Làm việc trong bộ đồ bảo hộ, khả năng hoạt động và sức chịu đựng của chúng tôi bị giảm đi nhiều. Bệnh nhân rất đông và nặng. Có những ngày trực rất buồn vì nhiều người bệnh tử vong ngay trước mắt mình”, bác sĩ Hạnh nhớ lại. Sau gần 2 tháng hoạt động, Trung tâm Hồi sức do Bệnh viện Việt Đức phụ trách đã tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân. 

Không chỉ có bóng dáng chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến đấu với Covid-19, lực lượng áo xanh cũng đã đến trợ giúp từng con hẻm của thành phố. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, TPHCM đã thiết lập 525 trạm y tế lưu động để chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, giảm tải hiệu quả cho các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19. 

Trong hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 30-10, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng đã gửi lời tri ân sâu sắc đến lực lượng chi viện từ khắp các đơn vị, bộ ngành, tỉnh thành trên cả nước. Đó là hơn 80.000 cán bộ y tế đã có mặt tại tâm dịch khốc liệt nhất, trong đó, 55.000 nhân viên y tế của các đơn vị trực thuộc y tế thành phố và các bệnh viện bộ ngành đóng tại TPHCM, 25.000 cán bộ y tế chi viện từ khắp nơi trên cả nước. 

Không chỉ đảm nhận chăm sóc y tế, lực lượng quốc phòng đã nhận trọng trách chăm lo chu toàn cho những người nằm xuống trong đại dịch. Tính đến tháng 11, Bộ Tư lệnh TPHCM đã huy động hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia phục vụ các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm phong tỏa… Đồng thời thiết lập 4 khu vực tiếp nhận thi hài nạn nhân tử vong vì Covid-19, tổ chức trao trả tro cốt cho thân nhân một cách trang nghiêm và trân trọng nhất. Đây là hình ảnh gây xúc động mạnh mẽ trong những ký ức về đại dịch Covid-19 - “chiến trường” không tiếng súng nhưng vô cùng khốc liệt và đau thương.

Cùng với áp lực của ngành y tế, người dân TPHCM đã phải trải qua một thời gian dài chưa từng có với nhiều cấp độ giãn cách khác nhau (Chỉ thị 15, 15+, 16, 16+, 19…). Với mong muốn dần kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường, từ 0 giờ ngày 23-8, TPHCM quyết liệt thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu, ở yên đó”. Và lần giãn cách xã hội đã kéo dài đến tận ngày 30-9-2021 mà nhiều người dân đã ví von là cuộc giãn cách xã hội lịch sử với nhiều khó khăn chồng chất.

Các tin khác