Có hay không thế hệ thần đồng?

(ĐTTCO) - Thời nay, ra ngõ là gặp học sinh giỏi. Nếu ai đó tiện mồm hỏi người quen con cái học thế nào chẳng cần nghe câu trả lời mà vẫn biết kết quả vì tất nhiên là học sinh giỏi rồi. Mà lỡ nghe đó là học sinh khá ngay lập tức sẽ cảm thán: sao lại thế được! 
Những năm 80 của thế kỷ trước, hồi tôi đi học đạt học sinh giỏi cực kỳ khó. Tôi nhớ những năm học cấp 2, 3, cả trường hơn ngàn học sinh chỉ dăm ba học sinh giỏi. Ai đạt được thực sự là giỏi, bạn bè và cả thầy cô đều ngưỡng mộ. Quý hiếm lắm, mấy chục năm sau gặp lại nhau vẫn được bạn bè nhớ và nhắc tới.
Còn học sinh trung bình ít cũng phải nửa lớp, 5, 6 bạn phải thi lại, 2, 3 bạn ở lại lớp. Ai ở lại lớp thì buồn, xấu hổ và lo lắng. Ai phải thi lại đương nhiên không được nghỉ hè. Khi các bạn vui chơi, tung tăng suốt 3 tháng họ phải đến trường học hè. Cuối hè phải trải qua kỳ thi lại các môn không đạt trong năm.
Có hay không thế hệ thần đồng? ảnh 1
Bây giờ đại trà học sinh giỏi. Ở cấp 1, 2 đa số lớp 100% học sinh giỏi, thỉnh thoảng mới có học sinh khá. Trước, học sinh tiên tiến là thành công giờ là thất bại vì đã làm cha mẹ, thầy cô thất vọng. Trong khi đó học sinh trung bình rất ít, chỉ rơi vào mấy em hoặc quá lười biếng, hoặc quá ngỗ ngược, đến lớp không chú tâm học chỉ lo quậy phá. Học sinh lưu ban thì gần như “tuyệt chủng”.
Có khi trên khắp cả nước chỉ còn đôi ba em ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đi học được mấy ngày tự bỏ để về lấy chồng hoặc lên nương rẫy kiếm tiền phụ gia đình. Còn đã đến trường hầu như đều bị “đẩy” lên lớp hết với thành tích học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Rốt cuộc, chẳng có em nào dở. 
Một người quen của tôi chủ trương không cho con học trước, học thêm. Đến khi hết lớp 1 con anh chưa đọc thông viết thạo, nhận diện các số còn nhầm lẫn nhưng vẫn đạt học sinh tiên tiến, được lên lớp. Thấy con quá kém, anh xin cho cháu được học lại lớp 1. Cô giáo chủ nhiệm lớp rồi cả cô hiệu trưởng ra sức thuyết phục anh cho cháu lên lớp 2, với đủ mọi lý do kinh tế gia đình, danh dự bố mẹ, tâm lý của cháu... anh vẫn không chịu.
Cô giáo rất buồn vị phụ huynh “ngược đời” này, năn nỉ hồ sơ lớp 1 của con anh đã hoàn tất, nếu để cháu ở lại lớp cô chủ nhiệm sẽ bị cắt thi đua, nhà trường mất thành tích đã đạt được. Cả tập thể nhà trường một năm vất vả coi như công toi... Đến vậy, anh đành đồng ý cho con lên lớp 2 mà dở khóc dở cười. 
Chắc chắn nỗi niềm ấy chẳng của riêng vị phụ huynh kia. Tại sao chúng ta lại tước đi của các em quyền được lưu ban? Bệnh thành tích đã đè nặng lên vai mỗi giáo viên, bắt họ phải đẩy lên lớp tất cả học sinh mình dạy, kể cả những em không chịu học. Từ đó dẫn đến sự ức chế khiến một số giáo viên không kiềm được nóng giận đã la mắng, thậm chí bạo hành học sinh. Bởi không đạt kết quả tốt, các cô bị ảnh hưởng, nhà trường bị ảnh hưởng. Căn bệnh thành tích có nguyên căn, có hệ thống nên mới trầm trọng như thế.
Chúng ta cũng nên xem xét lại các tiêu chí đánh giá học sinh. Học sinh giỏi mà nhiều như cát làm sao mà sàng lọc được kim cương? Thế rồi, ai cũng tưởng con mình là kim cương chứ không phải là cát. Ngộ nhận sẽ nảy sinh tâm lý thỏa mãn, chủ quan, không cần phấn đấu, không cần cố gắng. Cả một thế hệ vỗ ngực là học sinh giỏi, là thần đồng nhưng khi trưởng thành va chạm với cuộc sống vẫn ngu ngơ, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. 
Hãy trả lại cho giáo viên cái quyền xét học sinh lưu ban. Đừng đánh giá họ vì có học sinh dốt, học sinh kém. Thật ra, dạy được học sinh kém tiến bộ mới thực sự là giáo viên giỏi, như Makarenco nhà giáo dục Xô viết nổi tiếng có nói chỉ có thầy dở chứ không có trò kém. Bởi có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của học sinh chứ không phải chỉ vì thầy cô dạy. Như thế là trả lại cái uy cho nhà giáo. Còn như bây giờ, họ giống như trên đe dưới búa, nhìn đâu cũng thấy bị đe dọa, chỉ muốn làm gì cũng cho xong chuyện. Thiệt thòi chỉ có học sinh.

Các tin khác