Chuyện ở khu dự trữ sinh quyển thế giới - Đội bảo vệ “đỏ” ở di tích Trung ương Cục miền Nam

(ĐTTCO) - Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt khu bảo tồn), di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa gắn liền quá khứ đấu tranh hào hùng của dân tộc. 

Nơi đây có nhiều thế hệ kiểm lâm, hầu hết là đảng viên, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng luôn tận tụy và bền bỉ ngày đêm với công tác bảo vệ di tích cách mạng, giữ màu xanh cho rừng. Đây chính là nơi giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước lẫn tình yêu thiên nhiên.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) tháng 7-2022. Ảnh: VĂN PHONG

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) tháng 7-2022. Ảnh: VĂN PHONG

Công việc thầm lặng

Mải miết băng qua những cánh rừng nguyên sinh, chúng tôi đến di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nằm cặp theo sông Mã Đà, suối Nhung, suối Mum, trong vùng lõi khu bảo tồn. Giai đoạn 1961-1962, giữa cánh rừng Chiến khu Đ rộng lớn, Đảng ta chọn làm nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam. Anh Phạm Ngọc Vũ, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm khu di tích, dẫn chúng tôi lội bộ vào rừng Chiến khu Đ. Trên con đường mòn vào rừng dài hàng chục cây số, dọc hai bên đường có nhiều loài cây gỗ bản địa như bằng lăng, gõ đỏ, cây dầu cao 40-50m, vài người ôm không xuể, tán rộng đan kết tạo thành màu xanh ngút ngàn, căng tràn sức sống. Đang giữa mùa mưa, lá cây rừng rụng xuống dọc đường mòn làm cho không khí ẩm ướt bao trùm. Càng vào sâu trong rừng, không khí thêm mát lạnh, cảm giác thật dễ chịu. Đồng hồ đã chỉ 10 giờ sáng nhưng do tán cây rừng che phủ quá dày nên nhiều đoạn đường vẫn còn ướt đẫm hơi sương.

Công việc mỗi ngày của anh em ở Trạm kiểm lâm khu di tích bắt đầu từ 6 giờ sáng với việc quét dọn lá rụng bằng máy thổi lá, kiểm tra dọn cành cây gãy ở khu di tích rồi chuẩn bị nhang đèn thắp hương ở các vị trí có lư hương thờ Anh hùng liệt sĩ. Sau đó, anh em mới ăn sáng và triển khai 2-3 người/tổ tuần tra để bảo vệ hơn 2.000ha rừng tự nhiên, đi hết đường chính đến giáp ranh huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước để tuần tra bảo vệ rừng; nếu ngày có khách tham quan khu di tích thì cắt cử 1-2 người trực hướng dẫn khách. Anh Phạm Ngọc Vũ (sinh năm 1982, quê ở Tây Ninh), có cha mẹ từng là kiểm lâm viên của lâm trường Mã Đà, Hạt Kiểm lâm Vĩnh An trước khi sáp nhập vào khu bảo tồn. Năm 2000, sau khi học xong trung cấp kiểm lâm, anh về làm việc ở lâm trường Mã Đà (khu bảo tồn) và được kết nạp Đảng năm 2005. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, anh được đơn vị cử đi học Khoa Luật - Trường Đại học Đà Lạt. Tốt nghiệp năm 2011, anh làm Trưởng bộ phận pháp chế thuộc hạt kiểm lâm và đến năm 2019, nhận nhiệm vụ Trưởng Trạm Kiểm lâm khu di tích.

Anh Vũ tâm sự: “Khu vực giáp ranh với xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) dài 10km, không còn rừng nên các đối tượng thường lợi dụng mùa mưa lá rụng nhiều vượt sông Mã Đà sang phá rừng nên anh em phải đi tuần tra thường xuyên. Địa hình đồi núi, sông, suối nên rất hiểm trở, gây khó khăn cho công tác tuần tra bảo vệ. Anh em đi rừng bằng xe cá nhân, ăn uống tự lo, mùa khô vào rừng thiếu nước, mùa mưa nước đục ngầu, có người bị muỗi đốt, dính sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị”. Mặc dù điều kiện công tác kham khổ, thu nhập thấp, nhưng với tư cách thủ lĩnh Trạm kiểm lâm, anh luôn động viên anh em giữ nghiêm kỷ luật, thường xuyên tuần tra, túc trực nên chưa xảy ra vụ phá rừng nào tại khu di tích.

Anh Nguyễn Văn Trí (SN 1969, quê ở Long An), làm việc tại Lâm trường Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) từ năm 1991. Năm 2004, khi tỉnh Đồng Nai có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, các lâm trường được sáp nhập lại, anh Trí về công tác tại khu bảo tồn. Mỗi năm, anh chỉ ở nhà khoảng 20 ngày, còn lại thì hầu như sống trong rừng, không sóng điện thoại, thiếu thốn đủ đường, đồng lương ít ỏi, anh cùng anh em ở trạm tự tổ chức chăn nuôi, trồng rau cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe để lội suối, băng rừng. Tình yêu rừng trong anh lớn đến mức về nhà nghỉ phép được ít ngày “đã thấy nhớ rừng ghê lắm!”. Anh Trí chia sẻ: “Những ngày nóng nực của mùa khô, cháy rừng luôn là nguy cơ đe dọa sự sống của các loài. Để gìn giữ sự thanh bình của Chiến khu Đ, chúng tôi phải căng mình tuần tra, giám sát, ai cũng hiểu chỉ một sơ suất nhỏ sẽ mất cả cánh rừng”.

Dù cuộc chiến giữ rừng còn nhiều cam go, nhưng anh luôn ý thức việc giữ rừng ở khu di tích là vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao của người đảng viên nên luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao, chia sẻ kinh nghiệm giữ rừng với lớp kiểm lâm đi sau; kết hợp giám sát, lồng ghép các biện pháp quản lý, bảo vệ đến người dân để cánh rừng Chiến khu Đ ngày một thêm xanh. Có thời điểm như năm 2019-2020, trạm kiểm lâm toàn đảng viên nên được gọi là đội bảo vệ “đỏ”.

Nơi giáo dục lòng yêu nước

Sau nhiều lần được đầu tư, tôn tạo, di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam hiện có các công trình như Nhà bia chính, Nhà trưng bày hiện vật, Đền tưởng niệm, Đền thờ liệt sĩ Mã Đà, Tượng đài Chiến sĩ Giải phóng quân, Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà, 12 bia ban ngành, nhà trưng bày và một số ban trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân giải phóng, Ban Bảo vệ an ninh, Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Thông tin liên lạc cùng nhà làm việc, giao thông hào, hầm trú ẩn. Đây là căn cứ bí mật chở che cho nhiều nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước từng sống và chiến đấu trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ.

Điều đáng mừng là hiện lượng khách đến tham quan di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam khoảng 1.000 người/tuần, tăng 10 lần so với năm 2019. Các kiểm lâm viên luôn cố gắng và không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phương pháp tiếp cận với nhiều đối tượng du khách để gần gũi hơn, diễn đạt tốt hơn các thông điệp về truyền thống đấu tranh cách mạng của bao thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng quân dân ta ở rừng Chiến khu Đ.

Anh Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ, tự hào kể: “Năm 2009, tôi được kết nạp vào Đảng, sau đó sinh hoạt trong một Đảng bộ đặc biệt vì quản lý 3 di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu ủy miền Đông Nam bộ, căn cứ Trung ương cục miền Nam và địa đạo Suối Linh”. Từ thời còn làm kiểm lâm viên tại Trạm kiểm lâm khu di tích Trung ương Cục miền Nam, anh được gặp, tiếp xúc với các cô chú cựu chiến binh, được nghe câu chuyện về các trận đánh, cuộc sống trong chiến khu đã giúp anh có thêm chất liệu bên cạnh các tài liệu lịch sử để giới thiệu đến du khách; để mọi người thấu hiểu được giá trị cao quý của khu rừng đang được các kiểm lâm ngày đêm bảo vệ và gìn giữ. Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, anh Nguyễn Hoàng Nam còn tích cực tham gia các chương trình Câu lạc bộ Xanh trong trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động thiện nguyện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, kết hợp truyền đi các thông điệp về bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đến với người dân.

Chúng tôi tìm gặp TS Trần Văn Mùi (nguyên Giám đốc khu bảo tồn năm 2007-2020) để hỏi thêm về tính đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhất là khu vực vùng lõi có di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ông Mùi cho hay, hệ thực vật trong khu dự trữ sinh quyển thế giới có hơn 1.520 loài, trong đó 900 loài là cây thuốc có giá trị; hệ động vật có hơn 1.781 loài, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm như đàn voi châu Á khoảng 20 con, đàn bò tót trên dưới 200 con và nhiều cá thể voi, bò tót nhỏ. Khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5 - lưu vực sông Đồng Nai - WWF) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới được xác định ưu tiên bảo tồn (Global 200 Ecoregions).

Theo TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, các kiểm lâm của khu di tích Trung ương cục miền Nam đã cảm nhận được những điều tâm linh thần thánh của khu rừng mà họ đang ngày đêm bảo vệ, theo một cách duy vật biện chứng và nhân sinh quan cách mạng. Rừng Chiến khu Đ không chỉ là những cây rừng cổ thụ bình thường mà là sự liên kết đa dạng sinh học của thế giới hữu cơ tạo nên một sự bảo vệ, gìn giữ chắc chắn nhất cho những giá trị nhân văn thiêng liêng của khu rừng đã đi vào huyền thoại.

Các tin khác