Chính quyền và người dân cộng hưởng phát triển

(ĐTTCO) - Sau hơn 30 năm đô thị hóa, TPHCM đã thu nhận được nhiều bài học ý nghĩa về sự tham gia của người dân trong phát triển. 
Đó là, các dự án phát triển chỉ thành công mỹ mãn khi người dân là chủ thể, là đối tác cùng tham gia như các chủ thể khác, thay vì quan điểm coi cộng đồng là người thụ hưởng, hoặc là người chịu áp các định chế và phục tùng phục vụ cho phát triển. Một trong số các thí dụ nổi bật nhất là người dân hiến đất mở hẻm, làm đường và xây dựng các công trình công ích như công viên, trường học. 
Trong giai đoạn 2000-2021, toàn TP đã có trên 168.000 hộ dân hiến 5,3 triệu m2 đất, tương ứng số tiền trên 10.000 tỷ đồng phục vụ cho 5.230 công trình. Trong đó có 3.874 công trình mở rộng hẻm, tương ứng 6.622 tỷ đồng; 1.237 công trình mở rộng đường, tương ứng số tiền 3.379 tỷ đồng và 119 công trình khác, tương ứng 48 tỷ đồng.
Diện tích đất người dân hiến cho công ích trong 21 năm qua lớn hơn quận 3, quận 4, quận 5, Phú Nhuận và tương đương quận 12. Trong số đó, Bình Chánh là huyện có diện tích người dân hiến đất nhiều nhất với gần 1,9 triệu m2 đất, tương ứng 2.189 tỷ đồng phục vụ cho 1.115 công trình mở rộng đường, hẻm.
Còn nhớ cách nay 20 năm, Sở Xây dựng TP cho đồng loạt đóng bảng quy định lộ giới treo ở đầu mỗi con hẻm, với mong muốn mở rộng hẻm ra 4m. Nhưng việc này không thực hiện được vì ngân sách nhà nước không có, về phía người dân cũng không hào hứng vì họ không nhận thấy lợi ích thiết thân từ việc mở hẻm, và cải tạo đường sá. Rốt cuộc những bảng quy định đó trở thành kỷ niệm. Và việc hiện thực hóa ý tưởng này bắt đầu từ người dân ở quận Phú Nhuận vào năm 2003, sau đó lan tỏa ra khắp TP. 
Nhìn lại lịch sử cho thấy, trước năm 1980 nhiều con hẻm khá rộng rãi, và việc lấn hẻm rộ lên từ năm 1985. Khi đó một hai nhà lấn ra không thấy chính quyền nói, thế là các nhà khác làm theo. Ban đầu là đặt một hai chậu cây, cái chuồng gà, thùng rác, sau rồi xây hàng rào xác định phần lấn chiếm. Việc lấn chiếm này không chỉ ở hẻm mà diễn ra ở ngay cả các đường phố mặt tiền. Từ năm 2005, chính quyền TP và quận rất vất vả trong việc tái lập trật tự này, nhưng không mang lại kết quả. 
Thật ra, công cuộc mở hẻm rất gian nan, quận Phú Nhuận họp tới lui mãi không thành công, vì ban đầu chỉ là ban hành văn bản hành chính và yêu cầu bà con thực hiện. Tình hình chuyển biến chủ yếu do nhận thức từ chính người dân, việc mở hẻm sẽ làm cho nhà ngắn lại, nhưng thực tế lại mang lại nhiều lợi ích.
Điều đầu tiên là an toàn. Bà con ai cũng thấy hẻm nhỏ có quá nhiều điều bất lợi, mỗi khi có hỏa hoạn dường như chỉ đứng nhìn nhà cháy vì xe cứu hỏa không vào được, xe cứu thương, xe tang không vào được tận nhà nên nhà nào có người nhà cần cấp cứu, tang ma và cưới xin, nhóm họp cũng rất cực. 
Một điều nữa, phong trào mở hẻm thành công vì toàn bộ kế hoạch, chương trình hành động, các phương án kỹ thuật, chi tiêu tài chính đều được công khai, minh bạch. Người dân được tham gia ngay từ khi việc mở hẻm còn là ý tưởng, sau đó công khai bàn thảo góp ý cho các bản quy hoạch kỹ thuật, chi tiết liên quan đến con hẻm như khổ rộng đường, vỉa hè, điện, cấp thoát nước, thậm chí cả màu sơn các loại cổng của từng nhà cũng được bà con thống nhất. Các dự án mở rộng hẻm luôn đặt lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân lên trước, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên nên được người dân đồng thuận cao. 
Từ việc mở hẻm mang lại cho chính quyền TP, nhà đầu tư và người dân rất nhiều bài học có ý nghĩa lớn trong phát triển. TPHCM còn phải tiến hành cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, làm mới rất nhiều công trình cũ và mới nhằm mang lại diện mạo hoàn thiện cho TP.
Chẳng hạn, cải tạo hàng trăm km kênh rạch, dỡ bỏ hàng ngàn căn nhà lấn chiếm kênh rạch, làm mới hàng chục cây cầu đã quá cũ, nâng cấp nhiều khu dân cư lụp xụp, phá bỏ xây mới gần 500 chung cư cũ nát và tiếp tục mở hẻm. Do vậy, bài học từ việc mở hẻm cho thấy khi người dân có được niềm tin từ chính quyền, họ sẵn lòng chia sẻ khó khăn và chung tay cùng chính quyền thực hiện các dự án, dù họ có phải chịu thiệt thòi đôi chút. 

Các tin khác