Chậm trễ giải ngân, khi nào người lao động nhận được hết tiền hỗ trợ thuê nhà?

(ĐTTCO)-Ngày 15/8 là hạn cuối nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Chính phủ, nhưng đến nay có 4 địa phương chưa giải ngân được đồng nào, hàng loạt địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Chậm trễ giải ngân, khi nào người lao động nhận được hết tiền hỗ trợ thuê nhà?

Liên quan đến việc thực hiện, giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động sau dịch Covid-19 theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động.

Nhiều nơi tỷ lệ giải ngân dưới 1%, thậm chí... chưa được đồng nào

Cả nước mới có hơn 1 triệu người lao động đã nhận được tiền hỗ trợ, với tổng số tiền 728,5 tỷ đồng, đạt 11,23% so với dự kiến.

Các địa phương đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ nhiều người lao động nhất hiện nay là Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bắc Giang, Long An, Hà Nội.

Bên cạnh đó, hiện có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như An Giang, mới chỉ giải ngân được 0,08% so với dự kiến, Hải Phòng giải ngân được 0,2%, Kiên Giang giải ngân được 0,23%, Bình Định giải ngân được 0,47% và còn rất nhiều tỉnh tỷ lệ giải ngân trên dưới 1% như Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hoá….

Đặc biệt một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn đang rất thấp như Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…

Theo đánh giá chung của Bộ LĐ-TB-XH, đến nay, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, số lượng hồ sơ tiếp nhận, tiến độ phê duyệt, giải ngân thấp.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, hơn bao giờ hết, vấn đề đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là hết sức cần thiết, đây là trách nhiệm, bổn phận của các bộ, ngành liên quan.

“15/8 là hạn cuối nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, nhưng không phải ngày giải ngân cuối cùng, người lao động có gửi hồ sơ đến sau 23h ngày 15/8 thì cũng phải giải quyết. Về nguyên tắc, sau khi nhận hồ sơ, trong vòng 2 ngày phải thẩm định và 2 ngày sau phải giải ngân. Giải ngân hiện nay vô cùng lợi thế so với giai đoạn hỗ trợ Covid-19 trước đây vì hầu như đã có địa chỉ, tài khoản của người lao động. Nhiều địa phương còn lo ngại rủi ro, nhưng  không thể vì băn khoăn, vì chắc chắn mà trở thành chậm trễ, thậm chí cố tình để người lao động không nhận được tiền trong thời điểm này. Tôi nói là cố tình nghe hơi nặng nề, nhưng đây là điều không chấp nhận được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dũng cũng rất trăn trở khi thủ tục chính sách hỗ trợ lần này hết sức đơn giản, tiền ngân sách nhà nước đã rót về các địa phương từ tháng 7, ngày 17/7, địa phương cuối cùng đã nhận được tiền hỗ trợ, nhưng đến nay việc tiếp nhận hồ sơ và giải ngân đến tay người lao động vẫn còn rất chậm, đây là điều đáng bàn.

Phát sinh thêm thủ tục rườm rà

Cùng trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho rằng, việc chậm triển khai gói hỗ trợ một phần là do các địa phương phát sinh thêm thủ tục so với Quyết định 08. Đơn cử như có nơi phải xác nhận chỗ trọ có đúng chủ nhà không, tạm trú tạm vắng thế nào dẫn đến chậm phê duyệt hồ sơ, có khi hồ sơ đề nghị hỗ trợ chỉ thiếu một vài yếu tố không quan trọng, nhưng địa phương vẫn bắt doanh nghiệp về lập lại.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nếu địa phương quyết tâm thực hiện chính sách với trách nhiệm cao, chắc chắn việc phê duyệt sẽ nhanh hơn. Bên cạnh đó, tiền hỗ trợ đã về đến địa phương, phần việc còn lại là cách thức giải ngân.

Ngày 15/8 là thời hạn nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Sau đó 2 ngày, cơ quan cấp huyện thẩm định và phê duyệt. Khi cấp tỉnh phê duyệt xong sẽ giải ngân, chi trả. Dự kiến, đến ngày 20.8 sẽ kết thúc việc giải ngân gói hỗ trợ.

Ông Lê Văn Thanh cho biết, nếu đến ngày 20/8, tuỳ vào tình hình thực tiễn sẽ có hướng phê bình hoặc thanh tra, kiểm tra với những địa phương chậm triển khai chính sách.

Còn theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), lý do của việc triển khai chậm, tỉ lệ giải ngân thấp do một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, có tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách, quá trình ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm, công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.

“Có thể thấy rõ, khi Thủ tướng chỉ dạo các địa phương vào cuộc quyết liệt, địa phương nào có lãnh đạo quan tâm tổ chức tốt về chính sách theo đúng quy định và bố trí nhân lực thực hiện thì mức độ giải ngân rất cao, có thể kể đến như Bắc Giang, Thái Nguyên, tỷ lệ giải ngân rất rốt.

Một số địa phương có số hồ sơ rất lớn và đang có chuyển biến mạnh trong giải quyết chính sách hỗ trợ như Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Giang… Nếu người đứng đầu địa phương quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện, không thêm các thủ tục rườm rà ngoài quy định, bố trí nguồn nhân lực thực hiện thì sẽ giải ngân tốt. Hiện nay rất nhiều người lao động cần khoản tiền hỗ trợ nhà trọ, nhưng còn e ngại, chưa nộp hồ sơ do lo ngại những vướng mắc, rào cản về thủ tục hành chính. Cần tránh trường hợp, tiền hỗ trợ vẫn còn, nhu cầu được hỗ trợ của người dân có nhưng hồ sơ nộp về lại không có”, ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hiện nay một số người sử dụng lao động còn đang sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách. Việc bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện chính sách chậm nên kinh phí hỗ trợ không kịp thời đến được với người lao động.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, sáng nay (12/8), Bộ LĐ-TB-XH sẽ họp trực tuyến với các địa phương trên cả nước để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cũng như đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động trong tháng 8.

Các tin khác