Cái bẫy sụp đổ của nhiều doanh nghiệp thành công

(ĐTTCO) - Cuốn sách “Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại” (Tân Việt Books và NXB Dân Trí ấn hành) của 2 tác giả Andreas Krebs và Paul Williams, viết về sự trỗi dậy rồi sụp đổ của đế chế Inca và những tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới, cũng như những nhân tố then chốt tác động lên quá trình này. 
Cái bẫy sụp đổ của nhiều doanh nghiệp thành công
Đây là cuốn sách không thể thiếu đối với mọi chủ doanh nghiệp, nhà lãnh đạo không muốn rơi vào bẫy ảo tưởng của sự bất khả chiến bại và duy trì được sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trong lịch sử phát triển thế giới, đế chế Inca phát triển rực rỡ trong vòng hơn 100 năm, mở rộng lãnh thổ lên hơn 5.000km dọc theo dãy Andes, tính từ Ecuador ở phía Bắc cho đến Chile ở phía Nam.
Ở khía cạnh các tập đoàn lớn trên thế giới, người tiêu dùng hẳn không xa lạ với Tập đoàn Nokia. Vào thời kỳ hoàng kim những năm 2000, cứ 3 chiếc điện thoại được bán ra trên thế giới thì có một chiếc là của Nokia, chiếm tới 35,8% thị phần.
Tương tự, trong suốt thời gian dài, Tập đoàn General Electric (GE) chính là hình mẫu lý tưởng cho nhiều thế hệ các nhà quản lý doanh nghiệp noi theo khi liên tục xuất hiện trong top 10 của tạp chí Forbes 500.
Tuy nhiên, từ đế chế Inca cho đến Nokia và mới đây là GE… cuối cùng đều phải chịu đựng hoặc chứng kiến sự sụp đổ dường như không thể cứu vãn. 
Một số ông lớn quốc tế, những công ty tưởng như không thể bị đánh bại, cũng phải hứng chịu những đợt suy thoái nghiêm trọng, thậm chí còn bị xóa sổ hoàn toàn như: Kodak, AOL, Pan Am, Arthur Andersen và rất nhiều cái tên khác nữa. Chính ảo tưởng của sự bất khả chiến bại đã dự báo trước một thất bại chóng vánh cho doanh nghiệp của họ. 
Từ các minh chứng và phân tích, các tác giả đã chỉ ra việc ảo tưởng về sự bất khả chiến bại chính là mầm mống tạo nên sự sụp đổ của đế chế Inca và nhiều tổ chức, doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới. Tác giả đã chỉ ra các nhân tố then chốt tác động lên số phận của đế chế kể trên, tập trung ở 4 khía cạnh chính: văn hóa kinh doanh, mức độ tăng trưởng, thái độ ứng xử trước thay đổi và năng lực của đội ngũ lãnh đạo.
Các câu chuyện và những phân tích trên có thể giúp người chủ và lãnh đạo các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ tự nhìn lại toàn bộ hành vi và phương pháp đang sử dụng để điều hành tổ chức hướng đến sự phát triển thành công và bền vững.
Đối với những giám đốc điều hành và các nhà quản lý, thực tế này xảy ra đồng nghĩa với việc họ phải luôn cảnh giác cao độ, đặc biệt là trong thời buổi thành công hay đi kèm khái niệm “bảo chứng” như hiện tại. Họ cần nhìn ra những điểm yếu, liên tục làm mới và phát triển bản thân cũng như công ty.
Bằng không, họ sẽ phải chịu chung số phận như vị giám đốc điều hành người Đức với tham vọng biến tập đoàn Daimler trở thành “tập đoàn toàn cầu”. Nỗ lực này không chỉ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông mà còn khiến công ty và các cổ đông phải chịu thiệt hại lên đến hàng tỷ đô la.
Andreas Krebs là một nhà quản lý chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực quản lý ở các tập đoàn đa quốc gia, đồng thời ông cũng là một diễn giả nổi tiếng về lãnh đạo, toàn cầu hóa và quan hệ công chúng. Ngoài ra, Andreas còn sở hữu một công ty có vốn đầu tư mạo hiểm là Longfield Invest, tập trung chủ yếu vào những dự án non trẻ và những công ty phát triển trong nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau.
Paul Williams là nhà quản lý, huấn luyện viên điều hành đồng thời là doanh nhân có kinh nghiệm quốc tế. Từ năm 2003, ông trở thành đối tác của công ty tư vấn Paul Williams & Associates, chuyên về huấn luyện lãnh đạo, quản lý bản thân và phát triển tổ chức.

Các tin khác