Bảo tàng ứng dụng công nghệ để thu hút khách

(ĐTTCO) - Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, là nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật có giá trị, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc. 

Thế nhưng, một thời gian dài, hệ thống bảo tàng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách tham quan, đặc biệt là sau giai đoạn dịch Covid-19. Thời gian gần đây, nhiều bảo tàng đang tìm hướng đi mới thông qua nhiều phương thức, trong đó nổi bật nhất là chuyển đổi số.

Tăng trải nghiệm cho khách tham quan

Sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các bảo tàng tại TPHCM hoạt động trở lại nhưng thống kê lượng khách tham quan chỉ đạt 30-50% so với trước đây. Khó khăn này đặt các bảo tàng yêu cầu phải tự làm mới chính mình để hấp dẫn du khách hơn, và một trong số đó chính là ứng dụng công nghệ vào giới thiệu, trưng bày như một phần tất yếu của lộ trình chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.

Thực tế, việc chuyển đổi số không phải đợi đến sau dịch mới diễn ra mà đã bắt đầu từ trước đó. Tuy nhiên, tác động của dịch với các yêu cầu giãn cách xã hội đã thúc đẩy nhiều bảo tàng tại TPHCM tăng tốc đưa các nội dung trưng bày kết hợp công nghệ và xây dựng nền tảng tham quan trực tuyến.

Tiêu biểu như Phòng trưng bày ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ kết hợp máy Hologram trong không gian trưng bày (bảo tàng đầu tiên tại TPHCM ứng dụng thiết bị công nghệ này - PV). Hình ảnh hiện vật và các nhân vật lịch sử qua máy Hologram thể hiện 3D, kết hợp phần mềm tương tác 3600 và công nghệ thực tế ảo (VR), giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như trong không gian thực với nhiều góc độ khác nhau.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thì tái hiện về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Không chỉ sử dụng các công nghệ 3D, tại đây còn kết hợp cả các công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh… nhằm thể hiện phần nào tính chân thật của các nhà tù xưa.

Ngay vào thời điểm dịch bệnh bắt đầu căng thẳng (tháng 6-2021), Bảo tàng Lịch sử TPHCM đã triển khai thử nghiệm dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” phục vụ khách tham quan từ xa. Và mới đây nhất, bảo tàng này cũng bắt đầu đưa vào thử nghiệm mô hình Robot Sanbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn khách tham quan, với các tính năng ban đầu như: trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật, các phòng trưng bày…

Còn tại Bảo tàng TPHCM, thử nghiệm số hóa đầu tiên đang được thực hiện tại Phòng trưng bày Thiên nhiên - Khảo cổ. Tại đây, khách tham quan sẽ được trang bị kính thực tế ảo để trải nghiệm trọn vẹn hơn. Hình ảnh các dạng địa hình ở TPHCM, các khu vực có hiện vật khảo cổ vừa được tái hiện bằng hình ảnh ảo lại vừa được gắn kết với các hiện vật tại chỗ đem lại sự hứng thú cho khách tham quan.

Nền tảng vẫn là nội dung

Việc áp dụng công nghệ, tiến hành chuyển đổi số cho bảo tàng không chỉ đơn thuần là công nghệ mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng nội dung. TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, nhìn nhận: “Khó khăn hiện nay của các bảo tàng không phải đến từ công nghệ, trong nước đã có nhiều công ty tiếp cận và thực hiện được những giải pháp công nghệ bảo tàng ảo. Công nghệ giống như phần “xương” (kỹ thuật) mà bảo tàng phải đắp vào đó phần “thịt” (cơ sở dữ liệu, hình ảnh, hiện vật…) để có thể tạo nên một hình hài hoàn chỉnh”.

Bảo tàng ứng dụng công nghệ để thu hút khách ảnh 1Triển khai thử nghiệm robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo hướng dẫn tham quan tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Bà Đoàn Thị Trang, Phó Giám đốc Bảo tàng TPHCM, chia sẻ: “Nếu nghĩ chuyển đổi số chỉ là đưa mọi thứ lên không gian trực tuyến hay áp dụng các công nghệ tiên tiến thì chưa đủ, mà mình phải làm sao cho nội dung kết hợp cùng công nghệ, đưa ra những chương trình phù hợp với tính chất của bảo tàng và thu hút, hấp dẫn khách tham quan”.

Chính vì vậy, ở mỗi bảo tàng, ngoài việc ứng dụng công nghệ đều cố gắng đảm bảo chất lượng nội dung đặc thù của từng đơn vị. Như Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sử dụng hình ảnh 3D tái hiện vẻ đẹp của trang phục phụ nữ trong bối cảnh đời sống thật, không chỉ đơn thuần là trưng bày trang phục trong tủ kính. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh dùng hệ thống âm thanh, ánh sáng tái hiện không khí ác liệt của nhà tù, điều mà mô hình bình thường không thể làm được…

Đi sâu hơn vào vấn đề này, bà Lê Thị Thanh Thảo, Quản lý dự án công nghệ Bảo tàng - Phòng truyền thống, Công ty Truyền thông Tùng Việt - đơn vị đang thử nghiệm dự án Robot Sanbot tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, cho biết: “Xét về công nghệ, Sanbot có thể dễ dàng lập trình để gia tăng sự hài lòng, sự trải nghiệm cho khách tham quan. Và vấn đề này lại đòi hỏi sự phối hợp của bảo tàng bởi nội dung càng đa dạng và phong phú thì chúng ta càng có thể thiết kế nhiều chương trình khác nhau. Vì vậy, công nghệ và nội dung đưa vào phải hài hòa thì mới tạo ra nhiều chương trình hấp dẫn được”.

Thay đổi để thu hút khách

Tại TPHCM vừa diễn ra tọa đàm “Truyền thông marketing bảo tàng: chiến lược, phương thức trong bối cảnh đương đại” do Bảo tàng Lịch sử TPHCM phối hợp Khoa Di sản Văn hóa - Trường Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức. Tại đây, đại diện các bảo tàng tại TPHCM cùng một số bảo tàng khác trong nước đều nhất trí một thực tế rằng, để thu hút người dân đến với bảo tàng rất cần đến công nghệ, đến chuyển đổi số trong việc trưng bày, giới thiệu hiện vật. 

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng nêu ra thực tế, hiện không ít bảo tàng vẫn còn chậm thay đổi, không phải là ở vấn đề chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ mà là ở lối tư duy. “Có bảo tàng xây dựng đủ loại hình số hóa, từ bảo tàng ảo trên website, đến hệ thống hướng dẫn điện tử tại chỗ… Tuy nhiên, bản chất nội dung thông tin về sản phẩm của bảo tàng vẫn lấy nguyên như trước đây. Kết quả là dù ở môi trường ảo hay tham quan thực tế, lượng thông tin khách tham quan tiếp nhận vẫn nghèo nàn, kém đa dạng như lâu nay”, đại diện một bảo tàng tại Hà Nội chia sẻ.

Công nghệ là yếu tố không thể thiếu khi nói về chuyển đổi số trong bất kỳ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, nếu chỉ có công nghệ vẫn chưa đủ để phát huy hết khả năng của bảo tàng và giá trị của di sản…

Việc ứng dụng công nghệ và tìm mô hình thích hợp với nội dung của bảo tàng là bài toán không dễ, bởi công nghệ sẽ phát triển không ngừng nhưng nội dung đưa vào đó vẫn giậm chân tại chỗ thì không thể tạo được sức bật để bảo tàng phát huy thế mạnh. Đối với bảo tàng, bản sắc và sức hấp dẫn tự thân là yếu tố chủ đạo, nội dung không có thì dẫu là công nghệ hiện đại hay truyền thông hàng đầu cũng khó lòng hỗ trợ đường dài.

* TS HOÀNG ANH TUẤN,Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM:

Một thực tế là thời gian qua, chúng ta ít chú ý đến yếu tố khác biệt của các nhóm khách đến tham quan bảo tàng mà hay đánh đồng tất cả như nhau. Thực ra, sự khác biệt về nền tảng kinh tế xã hội, nhóm tuổi và mức độ tiếp xúc kỹ thuật số đều có ảnh hưởng đến kỳ vọng của khách.

Điều này dẫn đến việc các bảo tàng cần tận dụng những lợi ích của số hóa bảo tàng để giúp chúng ta xác định được đối tượng khách của mình và sau đó là thực hiện mong đợi của họ. Đó cũng là một trong những lợi ích quan trọng của công tác số hóa bảo tàng để tăng tính hấp dẫn, dần chủ động thu hút khách tham quan đến với bảo tàng thay vì bị động như hiện nay.



* Bà NGUYỄN HỮU MINH THY,Nhà sáng lập và Giám đốc sáng tạo Công ty Truyền thông Manifesco:

Tôi nhận thấy bảo tàng trong nước còn rất e dè trong việc làm thương hiệu nên đôi khi ngay cả người địa phương còn không biết gần khu vực mình có bảo tàng. Mà muốn làm thương hiệu tốt thì các bảo tàng cần mạnh dạn hơn trong việc xây dựng những chương trình cho bảo tàng, tạo hoạt động thu hút khách đến trực tiếp…

Ví dụ như, việc thực hiện các cuộc triển lãm chuyên đề hay thậm chí là trình diễn thời trang, tổ chức sự kiện trong bảo tàng. Cách làm này đã được nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng nhưng ở Việt Nam thì còn rất ngần ngại do lo sợ phá hỏng cảnh quan bảo tàng.

Vấn đề ở đây là các bảo tàng cần chủ động thiết kế không gian phù hợp cho các hoạt động này, không làm ảnh hưởng đến hiện vật trưng bày cũng như gây phản cảm trong môi trường di sản văn hóa. Từ các hoạt động đó, bảo tàng dần trở nên sống động, được nhiều người biết và đến hơn.

Các tin khác