Để xứng danh cường quốc lương thực

(ĐTTCO) - Tôi mừng vì Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của chuyên gia, chính quyền và doanh nghiệp cho phép xuất khẩu gạo trở lại.
Để xứng danh cường quốc lương thực
Tuy nhiên quyết định cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 mới chỉ tháo gỡ được một phần cho doanh nghiệp.
Còn bà con nông dân trồng lúa của miền Tây Nam Bộ lại một lần nữa chưa được hưởng trọn niềm vui trúng mùa được giá.
Theo tôi, quyết định chỉ cho xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 4 vì sợ ta thiếu gạo trong thời COVID-19 là chưa hợp lý. 
Chúng ta biết rất rõ lượng lúa gạo Việt Nam hiện có sau vụ đông xuân trúng mùa, dù đã dành lại 1,5 triệu tấn dự phòng cho an ninh lương thực, vẫn dư ra ít nhất trên 3 triệu tấn gạo trong kho và bồ lúa của dân, trong khi hiện giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao là dịp để cho nông dân bán lúa giá cao. 
Hai tháng nữa miền Tây Nam Bộ lại bắt đầu thu hoạch vụ lúa hè thu, vì vậy Việt Nam khó có thể thiếu gạo. Không cho các doanh nghiệp ký hợp đồng bán gạo cho Philippines, Indonesia, Trung Quốc... trong lúc họ đang cần, không chỉ chúng ta mất cơ hội bán gạo giá cao mà còn mang tiếng là quốc gia không có tinh thần giúp đỡ các nước trong lúc khó khăn.
Với diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp khiến giá gạo trên thế giới đang tăng, nhiều nước đang lo thiếu gạo, Chính phủ Việt Nam cũng lo ngại an ninh lương thực nên thận trọng xuất khẩu gạo. 
Nhưng tôi vẫn đề xuất Chính phủ cho xuất trên 3 triệu tấn gạo bởi theo tính toán kỹ lưỡng của chuyên gia, chúng tôi nghĩ rằng là một cường quốc về xuất khẩu gạo, Việt Nam hoàn toàn làm chủ được an ninh lương thực, đồng thời có dư để giúp các quốc gia thiếu gạo trên thế giới. 
Việt Nam chỉ thiếu gạo khi có sự can thiệp của các nhóm lợi ích ghim hàng, đầu cơ tích trữ, tạo ra tình trạng thiếu hụt giả tạo.
Trong đại dịch COVID-19, không riêng gì Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị thiệt hại. 
Nền kinh tế đi vào khủng hoảng khiến chính phủ mỗi nước phải tốn kém rất nhiều nguồn lực, tung ra nhiều chính sách kích cầu để vực dậy nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thành công chính là "cú hích" giúp doanh nghiệp có lãi, ngân sách nhà nước cũng có lợi.
Bối cảnh xuất khẩu gạo hạn chế như hiện nay nhiều lo ngại có thể sẽ lặp lại cơ chế xin - cho quota xuất khẩu như các năm trước đây nếu việc điều hành của Bộ Công thương không minh bạch. 
Tôi mong Chính phủ phải điều hành chặt chẽ, linh hoạt không để lặp lại chuyện doanh nghiệp mạnh ai nấy chạy chọt mua bán quota xuất khẩu gạo ì xèo, khiến các doanh nghiệp tư nhân không còn quyết tâm tự lo đi tìm khách hàng. 
Chính phủ cũng cần xử lý nghiêm những nhóm lợi ích, ngăn cấm đầu cơ ghim hàng, tích trữ, để hàng hóa của Việt Nam phong phú, lưu thông dễ dàng. Đặc biệt, trong ngành hàng lương thực, chúng ta cần hành động xứng danh Việt Nam là cường quốc sản xuất lương thực của thế giới.

Các tin khác