Trưởng đại diện WHO: Vaccine hạn chế là thách thức cơ bản với Việt Nam

(ĐTTCO) - Trả lời VTC News, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, khẳng định sẽ hỗ trợ nước ta cho lộ trình sống chung với COVID-19.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới bước sang giai đoạn mới. Thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus”, giờ đây nhiều nước trên thế giới thậm chí đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh. Các quốc gia đang dần nhận ra, các biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt kéo dài sẽ khiến nền kinh tế bị tê liệt.

Những thay đổi này bắt nguồn từ thực tế rằng một số nước có độ bao phủ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu thế giới đang chứng kiến số ca mắc tăng trở lại ở mức báo động, trong khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện.

VTC News phỏng vấn Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam để lắng nghe phân tích, đánh giá về tình hình dịch bệnh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, cũng như chia sẻ quan điểm về việc nhiều nước xác định sống chung với dịch, qua đó đưa ra một số khuyến cáo với Việt Nam để nâng cao hiệu quả chống dịch trong thời gian tới.

Trưởng đại diện WHO: Vaccine hạn chế là thách thức cơ bản với Việt Nam ảnh 1

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, ông Kidong Park nói:

Việt Nam vẫn đang đối mặt với tình hình bùng phát phức tạp. Cả nước tiếp tục báo cáo số ca mắc và tử vong cao trong những tuần qua, chủ yếu đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Biến thể Delta với khả năng lây truyền cao đang làm tăng số ca mắc bệnh theo cấp số nhân và đang khiến việc ngăn chặn sự lây lan của virus trở nên khó khăn. Số ca nhiễm tăng nhanh đã khiến hệ thống y tế chịu sức ép lớn và vượt quá khả năng được chuẩn bị để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết cho những người cần nhất.

Ngoài ra, do hạn chế về nguồn cung, hiện chỉ có hơn 28,3 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm tại Việt Nam, trong số đó có hơn 5 triệu là liều thứ hai. Nguồn cung vaccine hạn chế vẫn đang là thách thức căn bản. Để tối đa hóa tác động của chiến dịch tiêm chủng, chúng ta cần ưu tiên dựa trên nguy cơ. Ưu tiên nên dành cho nhân viên y tế, nhân viên kiểm soát ổ dịch, người cao tuổi và những người mắc bệnh nền và mãn tính.

Trước những thách thức này, WHO ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp và huy động các nguồn lực để chống lại đại dịch này, đặc biệt là hỗ trợ các tỉnh thành đang là điểm nóng. Vẫn còn rất nhiều việc chúng ta cần làm ở phía trước và những tuần tới là rất quan trọng.

Ông nhận định gì về tình hình dịch bệnh trên thế giới trong thời gian sắp tới, nhất là khi biến thể Delta vẫn đang tiếp tục hoành hành?

Tính đến ngày 17/9, số lượng tổng hợp từ các phòng thí nghiệm xác nhận rằng các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu được báo cáo cho WHO là hơn 226 triệu ca, trong đó có hơn 4,6 triệu trường hợp thiệt mạng.

Kể từ cuối tháng 6, các trường hợp COVID-19 mới được xác nhận đã có xu hướng gia tăng, chủ yếu là do biến thể Delta.

Tin tốt là vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc COVID-19 nặng đối với biến thể Delta và giảm tỷ lệ thiệt mạng.

Trưởng đại diện WHO: Vaccine hạn chế là thách thức cơ bản với Việt Nam ảnh 2

WHO.jfif

Chúng tôi khuyến khích Việt Nam xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu sống chung với dịch, sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.

Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam

Chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của virus và thay đổi đường cong của biểu đồ dịch bệnh theo hướng giảm dần khi tất cả chúng ta đoàn kết lại với nhau.

WHO cùng với các đối tác quốc tế đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp, tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 với biến thể Delta, đồng thời kêu gọi mở rộng nhanh chóng quy mô vaccine ở các nước có thu nhập trung bình thấp và thấp.

Chúng ta sẽ sát cánh bên nhau. Nếu chúng ta đoàn kết trong cuộc chiến chống lại đại dịch, chúng ta có thể cùng nhau thoát khỏi nó.

Mô hình chống dịch của Việt Nam so với thế giới ra sao, thưa ông?

Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực y tế mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cộng đồng. Do đó, chiến lược ứng phó phải là cách tiếp cận của toàn chính phủ và toàn xã hội dựa trên đánh giá nguy cơ và thực tế từ địa phương.

WHO đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã thường xuyên xem xét lại chiến lược ứng phó và điều chỉnh các biện pháp khi cần thiết dựa trên đánh giá nguy cơ và thực tế tại địa phương. Việc ứng phó hiện do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ từ cấp cao nhất của Chính phủ Việt Nam.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã và đang xác định sống chung với COVID-19, đặc biệt là ở các quốc gia bùng dịch trước như Mỹ và các nước châu Âu. WHO nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Có thể thấy rõ là trên toàn cầu, virus sẽ không biến mất - ít nhất là không phải trong tương lai gần. Virus sẽ tiếp tục lây lan và gây nguy hiểm đến tính mạng của con người, cũng như để lại những hệ quả tài chính ngắn hạn và dài hạn.

Cùng lúc đó, chúng ta đã hiểu thêm về virus như đặc điểm của nó và ai là những người có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Chúng ta cũng có các công cụ hiệu quả để chống lại virus.

Việc nhiều quốc gia và nền kinh tế hiện đang xây dựng các cơ chế để sống chung với virus là hoàn toàn dễ hiểu. Điều này đồng nghĩa với việc giảm thiểu nguy cơ mà virus gây ra bằng cách tối ưu hóa việc tiêm chủng, tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe và các biện pháp phòng ngừa cá nhân và công cộng khác.

Trưởng đại diện WHO: Vaccine hạn chế là thách thức cơ bản với Việt Nam ảnh 3

Nhiều quốc gia trên thế giới giờ đây tìm cách sống chung an tòa với dịch COVID-19.

Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này?

Trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, chúng ta thấy rõ virus còn tồn tại trong một thời gian nữa và sẽ tiếp tục lây lan và gây nguy hiểm đến tính mạng của con người. Điều này cũng gây ra những hệ quả tài chính ngắn hạn và dài hạn.

Cũng cùng với đó, chúng ta đã có thêm kiến thức về virus - về đặc điểm của nó và những người có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Chúng ta cũng có trong tay các công cụ hiệu quả để chống lại virus - các biện pháp 5K và vaccine.

Khi hầu hết số dân trong nhóm có nguy cơ cao đã được tiêm vaccine, người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm cá nhân và số bệnh nhân nặng nằm trong khả năng của hệ thống y tế, thì những tác động đến sức khỏe và kinh tế xã hội của virus mới có thể được kiểm soát mà không cần các biện pháp mạnh trong giãn cách xã hội.

Tôi hiểu rằng, Chính phủ Việt Nam đang dẫn dắt xây dựng lộ trình để Việt Nam sống chung với COVID-19. WHO khuyến khích Việt Nam xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu này. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất kỳ hỗ trợ kỹ thuật nào khi cần thiết.

- Theo kinh nghiệm của WHO, Việt Nam cần làm gì để sống chung với dịch COVID-19, thưa ông?

Chính phủ Việt Nam có thể xem xét những điểm đáng chú ý sau đây:

Thứ nhất, ưu tiên tiêm chủng càng sớm càng tốt cho các nhóm được ưu tiên, đặc biệt là nhân viên y tế, người cao tuổi, những người mắc bệnh nền.

Thứ hai, ưu tiên việc tiêm chủng cho các khu vực có hệ thống y tế tương đối mỏng và điều kiện yếu hơn.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại gia đình, trường học, nơi làm việc.., bằng các biện pháp phòng dịch cá nhân và các biện pháp y tế công cộng để làm giảm sự lây truyền, ngay cả khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Thứ tư,tăng cường hơn nữa năng lực hệ thống y tế để quản lý tốt bệnh nhân COVID-19 nặng, đồng thời đưa ra mô hình lộ trình chăm sóc phù hợp để tránh quá tải bệnh viện với các ca bệnh nhẹ và trung bình.

Các tin khác