Tranh cãi đánh thuế giới siêu giàu

(ĐTTCO) - Với tài sản là du thuyền, chuyên cơ, bộ sưu tập xe sang…, giới siêu giàu bị nhiều người xem là “góp phần” cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Du thuyền thải lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường.
Du thuyền thải lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường.
 Nhật báo Der Standard (Áo) viết: “Khi khối tài sản tăng lên, mức chi tiêu cũng tăng theo, xe hơi bình thường được đổi thành siêu xe sang trọng, nhà trở thành biệt thự lớn và kỳ nghỉ phép được tổ chức trên du thuyền riêng”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại có cách nhìn sự tăng trưởng thịnh vượng qua quy mô của dấu vết sinh thái. Theo một nghiên cứu mới nhất của tổ chức Oxfam công bố vào năm 2020, 1% dân số thế giới (khoảng 80 triệu người) với thu nhập hơn 172.000 USD/năm - phải chịu trách nhiệm cho khoảng 15% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Con số này cao gấp đôi so với tỷ lệ của 50% dân số nghèo nhất.
Báo cáo của tổ chức Oxfam chỉ ra rằng, trung bình mỗi người siêu giàu tạo ra lượng khí nhà kính cao hơn 30 lần so với người dân bình thường. Báo cáo ước tính rằng, trong khi tầng lớp trung lưu toàn cầu đang trên đà giảm phát thải thì tỷ lệ phát thải toàn cầu của người giàu có thể tăng từ 15% ở thời điểm hiện tại lên 16% vào năm 2030.
Theo mạng tin The Conversation, 20 tỷ phú bao gồm người sáng lập Amazon Jeff Bezos, người sáng lập Tesla Elon Musk, người sáng lập Microsoft Bill Gates và nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich, thải ra trung bình khoảng 8.000 tấn khí CO2/năm. Thiệt hại lớn nhất đối với môi trường là khí thải từ du thuyền khi chúng tạo ra khoảng 7.000 tấn khí thải/năm; biệt thự, chuyên cơ, trực thăng và tên lửa vũ trụ của một số người siêu giàu cũng là nguyên nhân gây ra tỷ lệ khí thải siêu lớn. Để so sánh, tờ Der Standard cho hay, một người dân ở Áo phát thải trung bình khoảng 7 tấn CO2/năm.
Chính vì điều này, lâu nay nhiều chuyên gia và nhà kinh tế đã kêu gọi tăng thuế đối với giới siêu giàu. Mới vài tháng trước, một nhóm triệu phú từ Áo và Đức thậm chí đã lên tiếng ủng hộ việc tăng thuế tài sản - không chỉ vì khí hậu, mà còn cả vì khủng hoảng dịch Covid-19. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Áo là một trong những quốc gia có mức thuế đánh vào tài sản thấp nhất.
Nhiều người giờ xem thuế tài sản là phương tiện giảm bất bình đẳng xã hội, đồng thời là phương tiện huy động thêm tiền để chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến phản đối, coi đó là nguy cơ đe dọa đối với hệ thống khuyến khích kinh tế, là nỗ lực chiếm đoạt tài sản, là động cơ để trốn thuế, hoặc thậm chí là mối đe dọa đối với toàn bộ nền kinh tế.
Những người phản đối thuế tài sản sử dụng một lập luận khá mạnh mẽ rằng, ai sẽ ngăn các triệu phú và tỷ phú chuyển tiền ra nước ngoài nhằm tránh bị đánh thuế cao hơn? Chuyên gia Margit Schratzenstaller tại Viện Nghiên cứu kinh tế Áo lưu ý trên bình diện quốc tế, tiền vốn đã trở nên di động đến mức gần như không thể thu thuế đối với tài sản ở cấp quốc gia.
Hơn nữa, việc hạn chế giàu sẽ phá hủy động cơ phấn đấu làm giàu. Khi đó nguồn thuế thu được có khả năng giảm đi và phúc lợi xã hội cũng sẽ giảm sút, dẫn tới số kinh phí được phân bổ cho chương trình chống biến đổi khí hậu cũng sẽ giảm.
Theo nhà triết học người Bỉ Ingrid Robins, bất chấp các vấn đề thực tế, tranh cãi về việc hạn chế mức độ giàu có không làm mất đi tầm quan trọng của việc người giàu góp phần tạo ra lượng khí thải lớn. Rốt cuộc, vấn đề biến đổi khí hậu liên quan sâu sắc đến các bất bình đẳng và bất công trong xã hội.

Các tin khác