Toan tính của các nền kinh tế châu Á khi chạy đua nghiên cứu vaccine Covid-19?

(ĐTTCO) - Các nền kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương đang chạy đua nghiên cứu vaccine Covid-19 để dùng riêng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung...

Một nhà sư tiêm phòng vaccine Covid-19 tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters
Một nhà sư tiêm phòng vaccine Covid-19 tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters

Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đang đánh cược vào các ứng viên vaccine Covid-19 phát triển nội địa sau khi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine từ nước ngoài.

Theo tờ South China Morning Post, dù các loại vaccine nội có thể không được hoàn thành kịp thời để cứu vãn chiến dịch tiêm chủng tương đối chậm chạp, các nhà chức trách và nhà khoa học tại các nền kinh tế này xem đây là chiến lược đầu tư dài hạn. 

BẢO VỆ NỀN KINH TẾ VÀ TĂNG QUYỀN LỰC MỀM

Nhiều chuyên gia dự báo Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn mà xuất hiện dưới dạng nhiều biến thể khác nhau, kháng lại các loại vaccine hiện có và cần phải tiêm vaccine bổ sung để duy trì khả năng miễn dịch. Việc này có thể khiến nhu cầu vaccine tăng cao trong nhiều năm tới.

Bên cạnh đó, khi nguồn cung vượt quá nhu cầu nội địa, các nền kinh tế đã phát triển được vaccine riêng có thể tận dụng cơ hội từ nhu cầu tại các nền kinh tế khác, mở ra cơ hội ngoại giao vaccine. 

Các nước sở hữu vaccine riêng có thể bảo vệ được hệ thống y tế và nền kinh tế, đồng thời tăng cường “vũ khí” ngoại giao và quyền lực mềm...

“Giả định rằng Covid-19 vẫn tồn tại tới năm 2022, thì có thể tin tưởng vào cơ hội kinh tế cho những người đến sau (trong phát triển vaccine)”, Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế (IVI) tại Seoul, Hàn Quốc, nhận định. 

Ông Kim cho rằng làn sóng vaccine đầu tiên có thể trở nên “kém hữu ích” hơn do những yếu tố như biến thể virus, lo ngại về an toàn, thách thức về chi phí và hậu cần. 

“Ví dụ, các tác dụng phụ có trở nên nghiêm trọng hơn hay phản ứng miễn dịch/bảo vệ có trở nên kém mạnh mẽ hơn sau mũi tiêm thứ ba của vaccine Johnson & Johnson hoặc vaccine mRNA của Moderna?”, ông Kim đặt câu hỏi. “Liệu những trường hợp hiếm gặp với biến chứng cục máu đông có khiến nhu cầu với các loại vaccine sử dụng công nghệ véc-tơ virus giảm đi khi các loại vaccine công nghệ protein mới hơn ra mắt?”

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên vào ngày 16/3 - Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên vào ngày 16/3 - Ảnh: AP

Tại Nhật Bản, ít nhất 4 hãng dược, trong đó có Daiichi Sankyo ở Tokyo và Shionogi Pharmaceutical ở Osaka, đang triển khai thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 với một số ứng viên vaccine sử dụng công nghệ RNA (mRNA) và công nghệ vaccine bất hoạt truyền thống. 

Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của Nhật đã bị cản trở khi vấp phải sự chậm trễ trong việc mua vaccine thời gian đầu cũng như trở ngại do các quy định như yêu cầu vaccine phải được thử nghiệm lâm sàng trong nước.

Dù vài tuần gần đây, Nhật Bản đang đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng trước làn sóng phản đối của công chúng với Thế vận hội Olympic Tokyo dự kiến vào tháng sau, hiện tại chưa tới 10% dân số Nhật được tiêm ít nhất một liều vaccine. 

Ông Ken Ishii, giám đốc Trung tâm Thiết kế Vaccine Quốc tế tại Tokyo, dự báo 1 - 2 loại vaccine nội địa của Nhật có thể được sử dụng tại nước này vào nửa sau của năm 2022. Dù vaccine nội không giúp Nhật Bản đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay, ông Ishii cho rằng các nước sở hữu vaccine riêng có thể bảo vệ được hệ thống y tế và nền kinh tế, đồng thời tăng cường “vũ khí” ngoại giao và quyền lực mềm. 

“Điều này có thể tạo nên sự khác biệt nếu như vaccine Covid-19 trở thành một loại vaccine thông thường như vaccine phòng cúm”, ông Ishii nhấn mạnh. 

Tại Hàn Quốc, nơi khoảng 14% dân số đã được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, ít nhất 5 công ty nội địa đang nghiên cứu phát triển vaccine riêng. Trong đó, 2 ứng viên vaccine của công ty Genexine và SK Bioscience đang được thử nghiệm giai đoạn 2. 

Tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết một trong vaccine trên có thể sẽ được cấp phép sử dụng vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. 

Cùng tháng, tại cuộc họp Quốc hội, Bộ trưởng Khoa học Choi Ki-young cho biết ông tin rằng vaccine nội địa Hàn Quốc có thể được đưa vào sử dụng trong năm nay. Quan chức thành phố Seoul kỳ vọng thành phố sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng Covid-19 vào tháng 11 năm nay. 

“Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tự cung cấp đủ vaccine trong nước vào năm 2025 và đã chuẩn bị hạ tầng, đầu tư nghiên cứu và phát triển cũng như nâng cao năng lực trong vài năm qua”, ông Kim cho biết.

TỰ CHỦ NGUỒN CUNG

Còn Đài Loan, nơi đang chứng kiến sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm và xảy ra tình trạng thiếu vaccine, cũng trông chờ vào các loại vaccine do những công ty nội như Adimmune, Vaccine Biologics và United Biomedical phát triển.

Trong tháng qua, thành phố Đài Bắc ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm mới sau thời gian dài kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuần trước, quan chức Đài Loan thông báo đã đặt mua 20 triệu liều vaccine của Biologics và United Biomedical candidates - cả hai đều đang thử nghiệm giai đoạn 2. 

Quyết định này gây ra không ít tranh cãi tại vùng lãnh thổ này, nơi có chưa tới 2% dân số được tiêm vaccine. Nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu có khôn ngoan khi mua vaccine chưa được kiểm chứng về tính an toàn và hiệu quả. 

Bộ trưởng Y tế Đài Loan Chen Shih-chung tuần trước cho biết chính quyền sẽ nới lỏng các quy định để cho phép chính quyền các địa phương và doanh nghiệp nhập khẩu vaccine. Quyết định này được đưa ra sau khi đơn hàng mua 10 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech thông qua công ty Trung Quốc đại lục Fosun của tỷ phú Terry Gou, ông chủ Foxconn, bị chặn đứng. 

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cáo buộc chính phủ Trung Quốc ngăn chặn ông Gou  nhập khẩu vaccine trực tiếp từ công ty BioNTech của Đức sau khi Đài Bắc từ chối đề nghị bán vaccine của Fosun - công ty được ký hợp đồng cung cấp vaccine Pfizer-BioNTech tại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macau và Đài Loan. 

Những thùng vaccine Covid-19 được đưa đến một trung tâm bảo quản vaccine tại Ahmedabad, Ấn Độ - Ảnh: Reuters
Những thùng vaccine Covid-19 được đưa đến một trung tâm bảo quản vaccine tại Ahmedabad, Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tại Ấn Độ, nơi đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ hai và đã ghi nhận gần 350.000 ca tử vong vì Covid-19, hơn 21 triệu liều vaccine nội địa Covaxin đã được tiêm cho người dân. Covaxin do công ty Bharat Biotech hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ phát triển và hiện chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép).

Bharat Biotech đặt mục tiêu cung cấp 80 triệu liều vaccine Covaxin mỗi tháng từ tháng 8 tới. Công ty này cũng đang phát triển vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi. 

Nguồn cung vaccine tại Ấn Độ đang thiếu hụt sau khi chính phủ nước này bắt đầu triển khai tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành từ tháng trước. Một số trung tâm tiêm chủng đã phải đóng cửa và vấp phải sự chỉ trích từ Tòa án tối cao vì làm việc thiếu kế hoạch. 

Trong khi đó, một hãng dược Ấn Độ khác, Biological-E, đã hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 đối với loại vaccine sử dụng công nghệ protein tương tự như Novavax. Tháng trước, vaccine này đã được chính phủ cấp phép để thử nghiệm giai đoạn 3. Chính phủ Ấn Độ đã đặt mua 300 triệu liều vaccine của Biological-E - dự kiến sẽ được giao trong khoảng từ tháng 8-12 năm nay. 

Chính phủ Ấn Độ cam kết tiêm vaccine Covid-19 cho tất cả người trưởng thành tại nước này vào cuối năm 2021.

Ngoài ra, hãng công nghệ sinh học Gennova Biopharmaceuticals của Ấn Độ hồi tháng 4 cũng bắt đầu triển khai thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 đối với vaccine có tên HGCO19, sử dụng công nghệ mRNA (tương tự như vaccine của Pfizer và Moderna). 

ĐÔNG NAM Á: THÁI LAN, VIỆT NAM, INDONESIA DẪN ĐẦU CUỘC ĐUA PHÁT TRIỂN VACCINE 

Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia đều đang phát triển vaccine ngừa Covid-19 riêng. 

Hiện tại, chưa tới 5% dân số Thái Lan được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Dự kiến trong tháng này, các nhà khoa học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 đối với vaccine mRNA đầu tiên của nước này, có tên ChulaCov19.

Với nhiều ứng viên vaccine đang được nghiên cứu, đại dịch Covid-19 đã thay đổi những tính toán liên quan tới việc triển khai nghiên cứu vaccine vốn tốn kém nhiều chi phí và thời gian...

Kiat Ruxrungtham, người đứng đầu dự án phát triển vaccine của Đại học Chulalongkorn, cho biết ChulaCov19 có thể bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022. Ông cũng cho biết vaccine này sẽ được tiêm để tăng cường khả năng phòng ngừa đối với các biến thể Covid-19 mới sau khi hầu hết người Thái đã được tiêm vaccine thế hệ đầu tiên của AstraZeneca và Sinovac. 

“Thái Lan có thể xuất khẩu vaccine sang các nước kém phát triển hơn trong khu vực như Campuchia và Lào”, ông Kiat cho biết. “Tôi cho rằng sẽ rất tốt nếu như mỗi khu vực có một số quốc gia có khả năng tự sản xuất vaccine khi xảy ra đại dịch. Đây là điều rất quan trọng. Nền tảng này cũng giúp chúng ta ứng phó với các dịch bệnh khác”. 

Trong khi đó, ứng viên vaccine sử dụng công nghệ virus bất hoạt do Tổ chức Dược phẩm Chính phủ của Chính phủ Thái Lan và Chương trình Công nghệ Phù hợp trong Y tế (một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ) đồng phát triển, đã bắt đầu được thử nghiệm giai đoạn 1 từ tháng 3. 

Còn tại Việt Nam, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen và Viện Vắc Xin Và Sinh Phẩm Y Tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm trên người đối với hai loại vaccine Nanocovax và Covivac từ đầu năm nay. Theo Bộ Y tế, vaccine Nanocovax có thể sẵn sàng sử dụng vào tháng 9 năm nay. Trong khi đó, IVAC cho biết vaccine Covivac có thể được đưa vào sử dụng trong quý đầu năm 2022. Ngoài ra, còn hai loại vaccine khác đang được nghiên cứu và chưa thử nghiệm trên người. Theo dữ liệu từ Our World in Data tới ngày 8/6, khoảng 1,35% dân số Việt Nam đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. 

Tiêm vaccine thử nghiệm cho tình nguyện viên tại Việt Nam - Ảnh: VGP
Tiêm vaccine thử nghiệm cho tình nguyện viên tại Việt Nam - Ảnh: VGP

Còn ở Indonesia, quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch với hơn 50.000 ca tử vong, các quan chức y tế cho biết vaccine Merah Putih - do 6 tổ chức trong nước trong đó có Đại học Indonesia và Viện khoa học Indonesia, đồng phát triển - có thể hoàn tất thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022. 

Hồi tháng 4, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm nước này đã gây tranh cãi khi cấp phép cho vaccine Nusantara - do một đơn vị tư nhân phát triển - để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, dù trước đó khẳng định vaccine này không đáp ứng các tiêu chí để tiếp tục thử nghiệm sau giai đoạn 1. 

Với nhiều ứng viên vaccine đang được nghiên cứu, đại dịch Covid-19 đã thay đổi những tính toán liên quan tới việc triển khai nghiên cứu vaccine vốn tốn kém nhiều chi phí và thời gian. 

Ông Kim, Tổng giám đốc IVI tại Seoul, cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi những định kiến về tính khả thi kinh tế cũng như lợi thế của người đi đầu. Đây là những yếu tố cản trở quyết định nghiên cứu vaccine của các quốc gia trước đây.

“Những quan điểm cũ có thể không còn phù hợp với vaccine Covid-19. Chúng ta đang có 10 loại vaccine Covid-19 và con số này còn tiếp tục tăng”, ông Kim nói. “Tùy thuộc vào những hạn chế trong năng lực sản xuất toàn cầu, có thể vẫn cần hàng tỷ liều vaccine. Và nếu cần đến vaccine để tăng cường miễn dịch hay ngừa biến thể virus, thì có thể cần thêm hàng tỷ liều nữa”. 

Các tin khác