Omicron có phải là rủi ro mới với các nhà máy châu Á?

(ĐTTCO) -  Hoạt động sản xuất của các nhà máy ở châu Á vừa khởi sắc trở lại không lâu, mặc dù nguồn cung giảm bớt tắc nghẽn nhưng vẫn tiếp tục đè nặng lên hoạt động. 
Ảnh minh họa. @Reuters
Ảnh minh họa. @Reuters

Hoạt động của các nhà máy ở châu Á đã tăng trong tháng 11 khi tắc nghẽn nguồn cung giảm bớt, nhưng chi phí đầu vào tăng và sự suy yếu kinh tế ở Trung Quốc đã làm giảm triển vọng của khu vực, làm chặn đà phục hồi kinh tế sớm và bền vững sau khoảng thời gian dài tê liệt do đại dịch Covid-19

Biến thể coronavirus Omicron mới được phát hiện đã nổi lên như một nỗi lo mới đối với các nhà hoạch định chính sách của khu vực, những người vốn đang vật lộn với thách thức đưa nền kinh tế của họ thoát khỏi tình trạng ảm đạm trong khi cố gắng kiềm chế lạm phát trong bối cảnh chi phí hàng hóa nguyên vật liệu tăng và tình trạng thiếu hụt linh kiện, phụ tùng.

Theo chỉ số sản xuất PMI (quản lý sức mua) do hãng truyền thông Caixin phối hợp với hãng tư vấn thị trường Markit công bố vào ngày 1/12, hoạt động nhà máy của Trung Quốc đã giảm trở lại vào tháng 11, do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa đi xuống và giá cả tăng cao làm “tổn thương” nghiêm trọng đến các nhà sản xuất.

Chỉ số PMI Caixin/Markit là chỉ số kinh tế tổng hợp phản ánh hoạt động kinh doanh của khối sản xuất, chỉ số đạt trên 50 điểm cho thấy khối sản xuất đã được mở rộng và ngược lại.

Các phát hiện từ cuộc khảo sát tư nhân, vốn tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp nhỏ ở các vùng ven biển, trái ngược với kết quả trong chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc hôm 30/11 cho thấy hoạt động sản xuất bất ngờ tăng trong tháng 11, mặc dù với tốc độ rất khiêm tốn.

Ông Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group, cho biết trong một tuyên bố đi kèm với bản công bố dữ liệu: “Những hạn chế về phía nguồn cung được nới lỏng, đặc biệt là sự nới lỏng của cuộc khủng hoảng năng lượng, đã đẩy nhanh tốc độ phục hồi sản xuất. Nhưng nhu cầu thị trường tương đối yếu, bị kìm hãm bởi dịch COVID-19 và giá sản phẩm tăng”.

Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, hoạt động của nhà máy trong khu vực dường như đang được hồi phục với các chỉ số PMI cho thấy sự mở rộng ở các quốc gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines.

Chỉ số PMI của Nhật Bản đã tăng lên 54,5 trong tháng 11, tăng từ 53,2 vào tháng 10, tốc độ mở rộng nhanh nhất trong gần 4 năm.

Chỉ số PMI của Hàn Quốc tăng lên 50,9 từ mức 50,2 trong tháng 10, giữ trên ngưỡng 50 cho thấy sự mở rộng hoạt động trong tháng thứ 14 liên tiếp. Tuy nhiên, sản lượng tại Hàn Quốc đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp khi nền kinh tế lớn thứ tư châu Á phải vật lộn để lấy lại hoàn toàn động lực trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng dai dẳng.

Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics, ông Alex Holmes, nhận xét: “Nhìn chung, khi mà số lượng các đơn hàng xuất khẩu mới đang vào những nước trước đây chịu ảnh hưởng bởi các đợt bùng dịch do biến chủng Delta và các yếu tố gây gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục dịu đi, tiềm năng phục hồi của ngành sản xuất khu vực vẫn còn”.

Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng lên 52,2 vào tháng 11 và 52,1 vào tháng 10, trong khi PMI của Philippines tăng lên 51,7 từ 51,0.

Hoạt động sản xuất của Đài Bắc (Trung Hoa) tiếp tục mở rộng trong tháng 11 nhưng với tốc độ chậm hơn, với chỉ số PMI chạm mức 54,9 so với 55,2 trong tháng 10. Bức tranh tương tự đối với Indonesia, chỉ số PMI giảm xuống 53,9 từ 57,2 của tháng trước đó.

Các kết quả của cuộc khảo sát tháng 11 có khả năng không phản ánh sự lây lan của biến thể Omicron có thể gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch, với nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới mới để tự phong tỏa nhằm bảo vệ mình.

Các tin khác