Người dân nhiều nước 'sống chung sợ hãi' với Covid-19

(ĐTTCO)-Rào cản tâm lý khi người dân sợ hãi vì số ca mắc tăng vọt sau mở cửa là khó khăn mà những quốc gia chuyển từ chiến lược 'Zero Covid-19' sang sống chung với dịch cần giải quyết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong thông báo ngày 15/10, Thủ hiến bang New South Wales (NSW) của Australia Dominic Perrottet cho biết bang sẽ bãi bỏ biện pháp cách ly - kể cả cách ly tại nhà - đối với tất cả khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ kể từ ngày 1/11, theo South China Morning Post.

Thủ tướng Scott Morrison sau đó cho biết điều này sẽ chỉ áp dụng với công dân và cá nhân thường trú tại Australia, không phải khách du lịch hoặc người có thị thực tạm thời.

Động thái trên cho thấy thông điệp liên tục thay đổi kể từ khi bang đông dân nhất Australia đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số từ 16 tuổi trở lên. NSW là bang tiêm vaccine nhanh nhất trong số 8 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Australia, với hơn 80% người dân được tiêm chủng đầy đủ, so với khoảng 55% của Queensland và South Australia.

Bước đi của NSW hứa hẹn là thử nghiệm về cách sống chung với Covid-19, cung cấp bài học cho các tiểu bang khác của Australia, cùng với những quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương áp dụng chiến lược “Zero Covid-19” trong suốt đại dịch.

Những nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tránh được nhiều ca tử vong thông qua các biện pháp kiểm soát và đóng biên giới nghiêm ngặt, đặc biệt trong năm đầu của đại dịch. Tuy nhiên, họ phải vật lộn để chuyển sang sống chung với Covid-19, một phần do rào cản tâm lý khi người dân ít phải tiếp xúc với virus từ đầu dịch.

Hong Kong không đưa ra thời gian cụ thể cho việc nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất trên thế giới, bất chấp sự thất vọng ngày càng tăng của doanh nghiệp và người dân. Thậm chí, Hong Kong còn củng cố chiến lược "Zero Covid-19" để phù hợp với chính sách của Trung Quốc đại lục.

New Zealand, quốc gia vừa từ bỏ “Zero Covid-19", đã đưa ra kế hoạch mở cửa biên giới theo giai đoạn từ năm 2022 dựa trên hồ sơ rủi ro của từng quốc gia. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nêu rõ ngày tháng chắc chắn hoặc tỷ lệ vaccine nào sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi.

Mặc dù đã đến “ngày tự do”, NSW vẫn duy trì một số hạn chế. Quán bar, nhà hàng và phòng tập thể dục mở cửa, khách hàng phải tiêm phòng, đeo khẩu trang và tuân thủ quy định giới hạn sức chứa. Có nhiều hứa hẹn nới lỏng hơn nữa các hạn chế khi tỷ lệ tiêm chủng tăng, bao gồm cả bỏ khẩu trang trong tòa nhà văn phòng.

Trong khi đó, phần lớn các bang tỷ lệ lây nhiễm thấp như South Australia hay Queensland đều không đồng tình với việc mở cửa tiểu bang trước năm 2022.

Người dân nhiều nước 'sống chung sợ hãi' với Covid-19 ảnh 1

Khung cảnh sôi động tại quán bar Imperial Erskineville (Sydney, Australia) vào tối 13/10. Ảnh: Reuters.

Trong khi được nhiều doanh nghiệp và người dân hoan nghênh, việc mở cửa trở lại của NSW gây ra nhiều sự phản đối khi cho rằng bang nới lỏng hạn chế quá nhanh khiến số ca bệnh tăng vọt.

“Phần lớn người dân ở Sydney và NSW đã sẵn sàng cho điều này”, Tim Soutphommasane - giáo sư xã hội học và lý thuyết chính trị tại Đại học Sydney - cho biết. “Giới lãnh đạo đã tạo đà tâm lý. Tuần đầu tiên Sydney mở cửa cho thấy mọi người đang tận hưởng các quyền tự do”.

Tuy nhiên, ông không rõ liệu phần còn lại của đất nước có thể “buông bỏ Zero Covid-19" hay không. “Về mặt tâm lý, nhiều vùng chỉ đơn giản là không sẵn sàng chấp nhận đến một lúc nào đó phải đối mặt với virus đang lây lan”, ông nói.

Rào cản tâm lý là tình huống Singapore, quốc gia đầu tiên trong khu vực cam kết chung sống với Covid-19, hiểu quá rõ. Đối mặt với số ca mắc gia tăng - chủ yếu là ca nhẹ và ca tử vong, giới chức nước này chậm rãi nới lỏng các hạn chế.

Trong khi những người chỉ trích cho rằng thông điệp không nhất quán khiến công chúng lo lắng, quyết định của chính phủ cũng phản ánh nhiều quan điểm trái chiều, với một số người muốn thắt chặt các quy định trong khi người khác ủng hộ việc mở cửa trở lại hoàn toàn.

Cần chống lại nỗi sợ hãi

Patrick McGrett, Giám đốc điều hành nhóm chăm sóc sức khỏe tâm thần Orygen có trụ sở tại Melbourne, cho biết điều quan trọng là nhà chức trách phải cung cấp cho công chúng niềm tin rằng họ có thể sống chung với Covid-19.

Covid-19 “tồi tệ hơn nhiều so với bệnh cúm và khiến nhiều người chết, nhưng nó không phải dịch hạch hay ebola. Tuy vậy, mức độ sợ hãi của mọi người lại ở mức đó”, ông McGrett nói. “Chắc chắn không thể để Covid-19 là nhân tố duy nhất ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong chính phủ vào lúc này”.

Chính phủ Singapore - nơi vẫn ghi nhận 2.000-3.000 trường hợp mỗi ngày - cũng nói rõ họ đang thúc đẩy kế hoạch bình thường mới, mở ra các tuyến đường đi lại không cách ly tới Mỹ hay Hàn Quốc.

Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng người dân Singapore “không được tê liệt vì sợ hãi” mà nên chuẩn bị tinh thần để chứng kiến “khá nhiều trường hợp Covid-19 trong thời gian tới”. Điều này là do phần lớn người dân chưa bao giờ mắc bệnh (Covid-naive), khả năng miễn dịch tự nhiên thấp, cùng với một số nguy cơ lây nhiễm với người đã tiêm chủng, ông nói.

Người dân nhiều nước 'sống chung sợ hãi' với Covid-19 ảnh 2

Nhiều ghế bỏ trống trong một buổi chiếu phim miễn phí ở Singapore, sau khi tụ tập xã hội bị hạn chế do sự gia tăng ca mắc Covid-19. Ảnh: Reuters.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp trong khu vực có thể khó bị thuyết phục để đi theo bước chân của NSW hay Singapore.

Michael Plank - nhà thống kê học tại Đại học Canterbury, người tư vấn cho chính phủ New Zealand trong đại dịch - cho biết các đợt bùng phát lớn ở NSW và Victoria là "cảnh báo" cho New Zealand.

“Hệ thống y tế của chúng tôi thiếu nguồn lực so với Australia, số lượng bệnh nhân nhập viện và vào ICU gần đây khiến bệnh viện có nguy cơ quá tải”, ông Plank nói. “Ít nhất là hiện tại, số ca bệnh vẫn quan trọng vì chúng đều chuyển thành ca nhập viện”.

Ông Plank nói rằng dù việc từ bỏ chính sách “Zero Covid-19” bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mọi người, New Zealand đã đúng khi thận trọng.

Ben Cowling, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, cho biết Hong Kong đang tham gia canh bạc khi cho rằng biến chủng Delta có thể được kiểm soát.

“Một mặt, mọi người sẽ không tiêm chủng vì nghĩ không có rủi ro. Nhưng mặt khác, nếu Covid-19 lây lan, vào bất cứ lúc nào, chúng tôi sẽ cần tới việc chủng ngừa”, ông nói. “Do đó, đối với Hong Kong, lựa chọn an toàn là thực hiện khi mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đặt ra mốc thời gian nới lỏng chính sách trong những tháng tới, giải thích những gì xảy ra như một phần của quá trình đó”.

Roberto Bruzzone, Giám đốc tại HKU-Pasteur Research Pole, cho biết người dân ở các khu vực “Zero Covid-19” sai lầm khi coi virus corona giống ebola hoặc bệnh dịch hạch.

“Không ai phản đối 500-1000 ca tử vong liên quan đến cúm hàng năm ở Hong Kong. Nhưng chúng tôi nhận thấy chỉ một ca tử vong do Covid-19 cũng không thể chấp nhận được”, ông nói.

Các tin khác