Kinh tế các nước sống chung với dịch

(ĐTTCO)-Các nhà khoa học tin rằng chúng ta sẽ không bao giờ đánh bại được virus gây ra đại dịch Covid-19. Trên thực tế, dù đã thực hiện mọi biện pháp từ giãn cách, khóa cửa đến tiêm vaccine quy mô lớn, các nước cho đến nay vẫn chưa thể đẩy lùi đại dịch. Vì vậy, đã đến lúc cần chiến lược mới sống chung với Covid.
Người dân Singapore hướng đến sẽ xem Covid-19 như là bệnh cúm.
Người dân Singapore hướng đến sẽ xem Covid-19 như là bệnh cúm.
Mỹ - Thừa vaccine  vẫn thiếu tự tin
Ngày 27-4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tự tin đưa ra hướng dẫn y tế cập nhật, cho phép những người đã được tiêm chủng đầy đủ có thể đi ra ngoài không cần đeo khẩu trang.
Động thái này được nhìn nhận như thành công của Mỹ trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn là nơi có số ca nhiễm và người chết vì Covid-19 vào hàng cao trên thế giới, với gần 16.500 ca nhiễm và 250 người chết mỗi ngày, tính đến đầu tháng 7. 
Là nước đi đầu trong tài trợ nghiên cứu vaccine, Mỹ hiện có lượng vaccine Covid-19 khổng lồ và đang tiến hành san sẻ cho các nước thiếu nguồn lực hơn. Tuy nhiên, cho đến nay nước này vẫn chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng do mới tiêm chủng (1 liều) cho 45,69% dân số.
Điều này do người Mỹ vẫn e ngại những tác dụng phụ của vaccine. Tuy nhiên, ngay cả khi tỷ lệ dân số được chủng ngừa cao hơn, các nhà khoa học vẫn lo khó đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, bởi SARS-CoV-2 không ngừng phát sinh các biến chủng mới, dễ lây truyền hơn, kháng vaccine, thậm chí khó bị phát hiện bởi các xét nghiệm chẩn đoán hiện tại.
Tình hình có vẻ khả quan hơn vào năm nay sau các chương trình kích thích mạnh tay của chính phủ. Nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng nhanh 7% trong năm nay và hiện đang dẫn đầu sự phục hồi trên thế giới.
Theo báo cáo tháng 6 của Cục Dự trữ liên bang (Fed), tài sản hộ gia đình Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 136.900 tỷ USD vào cuối tháng 3. Thị trường chứng khoán tăng mạnh đã thúc đẩy sự gia tăng tổng thể của tài sản, thêm 3.200 tỷ USD vào tài sản hộ gia đình trong quý đầu tiên, trong khi giá nhà lập kỷ lục tăng thêm 1.000 tỷ USD.
Các công ty dự kiến đạt mức tăng trưởng thu nhập 23% trong quý III và 18% trong quý IV. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức cao 14,8% vào tháng 4-2020 xuống 5,8% và GDP tăng 6,4% trong quý I-2021. Tuy nhiên, Fed dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP chỉ 3,3% trong năm tới và 2,4% vào năm 2023.
"Chỉ số Mở cửa trở lại Glenmede hiện ở mức 100%, cho thấy tất cả hoạt động kinh tế bị mất trong thời kỳ suy thoái đã được phục hồi. Tuy nhiên, nửa cuối năm sẽ chứng kiến sự phục hồi trong các lĩnh vực đã bị tụt hậu, như hoạt động kinh doanh nhỏ và việc làm, nhưng tăng trưởng sẽ chậm hơn ở các khu vực đã phục hồi hoặc không suy giảm trong thời kỳ suy thoái" - Jason Pride, Giám đốc đầu tư của Glenmede Trust, cho biết hôm 5-7. 

Singapore - Xem như  cúm thường
Chiến lược của Mỹ hiện nay vẫn là đẩy mạnh tiêm vaccine, chuyển sang trực tuyến tất cả hoạt động có thể, duy trì lệnh đeo khẩu trang nơi công cộng. Các tiểu bang, khu vực sẽ tùy tình hình để có các biện pháp ứng phó hoặc giãn cách thích hợp.
Singapore từng được xem là hình mẫu chống dịch thành công. Chính phủ triển khai các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt từ sớm. Các cuộc tụ tập công khai được giữ ở mức tối đa 8 người, các câu lạc bộ không được phép mở cửa và duy trì giới hạn về các cuộc tụ tập đông người như đám cưới. Tuy nhiên, có những lỗ hổng trong chính sách vaccine, khi đến nay Singapore mới chủng ngừa khoảng 30% dân số, và điều này đã khiến mọi việc mất kiểm soát. 
Mới đây Singapore tuyên bố chuyển qua chiến lược chống dịch mới. Theo kế hoạch, Covid-19 sẽ được coi như chứng bệnh cúm gà. Các quy định sẽ dần được nới lỏng. Các biện pháp phong tỏa, truy vết sẽ không còn và người dân được đi lại tự do. Mấu chốt của chiến lược là tiêm chủng trên diện rộng. Singapore dự kiến 2/3 người trưởng thành được tiêm ít nhất 1 liều vào tháng 8. Bên cạnh đó, nước này cũng phát triển và áp dụng phương pháp test nhanh để xét nghiệm trước các sự kiện lớn hoặc người nhập cảnh, thay vì xét nghiệm trên diện rộng. 
Đã 18 tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu, các quy tắc quản lý an toàn có thể được nới lỏng, các cuộc tụ tập lớn sẽ được cho phép trở lại, chẳng hạn như Lễ diễu hành ngày Quốc khánh hoặc Lễ đếm ngược đêm giao thừa. Cuối cùng, mọi người sẽ có thể đi du lịch, với giấy chứng nhận tiêm chủng trong tay, đến các quốc gia cũng đã kiểm soát được virus. Họ thậm chí có thể được miễn kiểm dịch với xét nghiệm âm tính khi đến nơi.
"Khoa học và sự khéo léo của con người cuối cùng sẽ chiếm ưu thế hơn Covid-19. Sự gắn kết và ý thức xã hội sẽ đưa chúng ta đến đó nhanh hơn" - các đồng Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm đa bộ của Chính phủ về Covid-19, khẳng định.
Sự thay đổi của Singapore trong việc nhấn mạnh chính sách học cách chung sống với Covid-19 đã thắp sáng con đường dẫn đến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn. Ông Steve Cochrane, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Moody's Analytics, cho biết: "Nếu đất nước thực sự có thể thoát khỏi cảnh báo cao độ như dự kiến, dự báo của chúng tôi có thể sẽ được điều chỉnh lên". Moody's Analytics kỳ vọng nền kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng 5,5%, trong khi dự báo của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) là 4-6%.
MTI và Cơ quan Tiền tệ Singapore cũng tin rằng nền kinh tế có thể tăng trưởng hơn 6% nếu nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của đất nước này đủ mạnh trong suốt cả năm. Tuy nhiên, các biện pháp cảnh báo cao độ đã làm mờ triển vọng và khiến Chính phủ phải hỗ trợ thêm về tài khóa cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng. Các biện pháp hỗ trợ và quyết tâm của Thủ tướng Lee trong việc đối đầu với Covid-19 có khả năng mang lại cho doanh nghiệp sự tự tin để tiếp tục lập kế hoạch phát triển trong tương lai.

Các tin khác