Fed có thể bắt đầu giảm mua tài sản từ tháng 11, nâng lãi suất từ 2022

(ĐTTCO) - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 22/9 nói rằng ngân hàng trung ương này có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 11 và kết thúc chương trình vào khoảng giữa năm 2022...
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Các quan chức Fed cũng nghiêng về khả năng lãi suất có thể bắt đầu được nâng lên trong năm tới.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày 21-22/9, ông Powell đã giải thích về những bước đi đầu tiên dự kiến của Fed trong việc rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Ông nói việc cắt giảm chương trình mua tài sản “có thể bắt đầu sớm nhất từ cuộc họp tới”.

Cuộc họp mà ông Powell nhắc đến là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 2-3/11. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ cánh cửa cho việc chờ thêm một thời gian nếu cần thiết, đồng thời nhấn mạnh rằng việc cắt giảm chương trình mua tài sản không có nghĩa là “đếm ngược” đến việc bắt đầu nâng lãi suất.

Chính sách tiền tệ thời đại dịch của Fed bao gồm chi 120 tỷ USD mỗi tháng để mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ vay thế chấp nhà; và lãi suất giữ ở khoảng 0-0,25%. Trong lần họp này của Fed, các chính sách này được giữ nguyên.

“Thời điểm và tốc độ của việc cắt giảm chương trình mua tài sản sẽ không nhằm mục đích đưa ra một tín hiệu trực tiếp liên quan đến thời điểm nâng lãi suất”, ông Powell phát biểu, phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa hai vấn đề.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói ông không cho rằng Fed sẽ bắt đầu nâng lãi suất trước khi hoàn toàn kết thúc chương trình mua tài sản, và chương trình này có thể kết thúc “vào khoảng giữa năm tới”.

“Như vậy là nhanh hơn một chút so với chu kỳ trước”, chiến lược gia trưởng Jim O’Sullivan của TD Securities nhận định với hãng tin Bloomberg về tiến độ dự kiến cắt giảm chương trình mua tài sản của Fed. “Ông ấy đã nói khá rõ trong cuộc họp báo rằng ‘sớm’ có nghĩa là tháng 11”.

Vào năm 2024, Fed mất 10 tháng để hoàn tất việc kết thúc chương trình mua tài sản. Như dự kiến mà ông Powell đưa ra, lần này Fed sẽ chỉ mất khoảng nửa năm để khép lại chương trình.

Trước cuộc họp báo của ông Powell, tuyên bố từ cuộc họp Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan quyết định chính sách tiền tệ của Fed – chỉ nói rằng chương trình mua tài sản sẽ sớm được cắt giảm, nhưng không nói là khi nào.

Trong lần họp này, một nửa số quan chức FOMC dự báo lãi suất sẽ bắt đầu tăng trong năm 2022, một nửa cho rằng phải đến năm 2023 mới có thể tăng lãi suất. Điều này cho thấy sự cứng rắn gia tăng, bởi trong cuộc họp hồi tháng 6, phần đông các thành viên FOMC nghiêng về khả năng đến 2023 mới bắt đầu tăng lãi suất.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau cuộc họp của Fed. Phản ứng này của thị trường “là một kết quả rất tốt đẹp cho Fed trên phương diện giao tiếp với thị trường về vấn đề cắt giảm chương trình mua tài sản. Fed có thể hài lòng vì cách giao tiếp của họ đã giúp tránh được nỗi sợ hãi” – nhà quản lý danh mục cấp cao Jeffrey Rosenberg thuộc BlackRock phát biểu.

Tuyên bố của Fed dự báo lãi suất ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ là 1%, từ mức dự báo 0,6% đưa ra hồi tháng 6. Đến cuối năm 2024, lãi suất có thể sẽ lên mức 1,8%.

Các quan chức trong FOMC cũng cho rằng lạm phát ở Mỹ trong năm 2022 sẽ tăng lên mức 2,2% và đi ngang ở mức này trong năm 2023, cao hơn mức dự báo 2,1% đưa ra hồi tháng 6.

Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo ở mức 3,8% trong 2022 và 3,5% trong 2023, không thay đổi so với dự báo trước.

Tăng trưởng GDP được dự báo đạt 3,8% trong 2022 và 2,5% trong 2023, đều cao hơn so với dự báo trước.

Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 8 vừa qua là 5,2%, giảm mạnh từ mức đỉnh 14,8% vào tháng 4/2020 nhưng vẫn cao hơn mức 3,5% vào tháng 2/2020 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.

Lạm phát tháng 7 ở Mỹ là 4,2%, vượt xa mục tiêu 2% của Fed. Nhiều quan chức Fed cho rằng lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt một khi những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch được giải quyết. Tuy nhiên, một số quan chức cũng xem việc giá cả tăng nóng là cơ sở để hối thúc việc tăng lãi suất ngay từ năm 2022.

Các tin khác