Doanh nghiệp Mỹ lao đao vì USD tăng giá

(ĐTTCO) - Ngày 27-7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng Fed đã tăng lãi suất thêm tổng cộng 1,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Lãi suất cao đang đẩy đồng USD lên mức giá cao nhất 20 năm, cùng với đó là nhiều hệ quả.
Giá thuê nhà ở Mỹ đã tăng 40% kể từ đầu năm 2021.
Giá thuê nhà ở Mỹ đã tăng 40% kể từ đầu năm 2021.
Doanh nghiệp toàn cầu điêu đứng
Đồng bạc xanh lá mạnh đã quét sạch hàng tỷ USD khỏi doanh thu quý II của các công ty Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm dự báo của mình trong thời gian còn lại của năm. Danh sách những công ty dẫn đầu bị thiệt hại hàng triệu hoặc hàng tỷ USD đã tăng lên từng ngày sau khi đồng tiền của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 20 năm vào tháng này, bao gồm IBM, Netflix, Johnson & Johnson và Philip Morris… 
Cú sốc tiền tệ đã phủ bóng đen lên các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Mỹ thời gian gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu, lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đè nặng lên nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng. Dữ liệu kinh tế đã báo hiệu sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh, khi lạm phát cao buộc cắt giảm sức chi tiêu thực tế của người tiêu dùng. “Nếu sắp tới đồng USD không tăng giá thêm, thu nhập của các doanh nghiệp vẫn sẽ giảm thêm vì sự mạnh lên của đồng USD trong 12 tháng qua đã mang lại những trở ngại ngoại hối” - Max Kettner, một chiến lược gia của Ngân hàng HSBC, nói.
Giá USD đã được thúc đẩy bởi Fed, khi các nhà hoạch định chính sách ở Washington tăng lãi suất nhanh và mạnh để kìm chế lạm phát, vốn đã đạt mức cao nhất 40 năm hồi tháng 6. Đến nay, Fed đã 2 lần tăng lãi suất cơ bản chỉ trong 2 tháng, và dự kiến tiếp tục tăng trong năm nay để hạn chế nhu cầu cũng như nâng lên cao hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản. 
Lãi suất cao hơn thường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các công ty Mỹ có hoạt động kinh doanh mạnh ở nước ngoài lại bị ảnh hưởng, do đồng USD mạnh làm giảm giá trị doanh số bán hàng quốc tế của họ, khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong nước. Cuối tháng 7, IBM đã cảnh báo rằng việc đồng bạc xanh mạnh lên có thể làm giảm doanh thu của hãng trong năm nay khoảng 3,5 tỷ USD, bao gồm khoảng 900 triệu USD trong quý II. Cổ phiếu của IBM đã giảm 5% sau công bố. Còn Johnson & Johnson đã cắt giảm dự báo của mình, khi nhà sản xuất nước súc miệng Listerine cảnh báo sự tăng giá nhanh chóng của đồng USD có thể làm giảm 4 tỷ USD doanh thu của hãng trong năm nay. Lực cản tiền tệ đối với nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris đã làm lu mờ 500 triệu USD trong quý. Mạng trực tuyến Netflix ước tính doanh thu từ tháng 4 đến tháng 6 giảm 339 triệu USD do đồng USD mạnh. 
Tác động của đồng USD lên thu nhập thường chậm hơn sự thay đổi thực tế của đồng tiền này, vì vậy có thể phải vài quý tới mới được nhìn thấy đầy đủ, ngay cả nếu đồng USD lúc đó đã hoãn đà tăng. Karl Schamotta, chiến lược gia thị trường trưởng tại Corpay, dự kiến đồng USD sẽ sớm đạt đỉnh, do nhiều nhà đầu tư đang đặt cược rằng Fed sẽ phải kiềm chế tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ của mình khi nền kinh tế Mỹ nguội đi.

Khó kiềm lạm phát khi giá nhà tăng phi mã
Theo Apartment List, giá thuê nhà đã tăng gần 40% kể từ tháng 1-2021. Đối với các nhà môi giới, việc giá thuê tăng 2 con số là một lợi ích cho việc kinh doanh. Nhưng đối với Fed, chúng đóng vai trò là một rào cản trong nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Các nhà kinh tế cảnh báo, giá thuê tăng sẽ duy trì áp lực tăng lên đối với lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng giá tiêu dùng đối với các nhóm hàng khác, và việc giải quyết giá cả tăng vọt của Fed trở nên khó khăn hơn.
Sarah House, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo, cho biết: “Sẽ rất khó để nói rằng chúng ta đã kiểm soát được lạm phát, nếu chi phí nhà ở vẫn tiếp tục tăng cao hơn”. Hiện các quan chức hàng đầu rất chú ý đến lạm phát liên quan đến nhà ở, vì nó là một thành phần quan trọng của lạm phát tổng thể. Theo một số ước tính, chi phí nhà ở chiếm khoảng 1/3 chỉ số giá tiêu dùng. Vào tháng 6, chỉ số này đã tăng 9,1% so với năm trước, nhanh nhất kể từ tháng 11-1981. Đối với thước đo "cốt lõi", loại bỏ các mặt hàng "dễ bay hơi" như thực phẩm và năng lượng, chi phí nhà ở chiếm hơn 40%. 
Các nhà kinh tế như Ryan Wang tại HSBC đã điều chỉnh dự báo cao hơn, đưa lạm phát tiền thuê nhà trên cơ sở hàng năm lên mức cao nhất 7% vào đầu năm tới. Vào tháng 2, các nhà nghiên cứu tại chi nhánh San Francisco của Fed ước tính xu hướng thị trường cho thuê hiện tại sẽ làm tăng lạm phát CPI tổng thể thêm 1,1 điểm phần trăm trong cả hai năm 2022 và 2023, hoặc 0,5 điểm phần trăm so với chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Cho đến nay, những dự đoán đó vẫn được giữ vững.
Để có thể giúp giảm bớt một số áp lực này là nguồn cung nhà ở tăng lên, điều mà chính quyền Biden đang ưu tiên. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chuyên gia về nhà ở cho rằng những nỗ lực đó chẳng giúp gì việc giảm bớt được vấn đề trước mắt, bởi lẽ chi phí vật liệu xây dựng tăng vọt cũng đang được chuyển lên những người thuê nhà.
Các nhà môi giới và nhà đầu tư bất động sản cảnh giác nhất về một cuộc suy thoái, điều mà các nhà kinh tế dự đoán vào năm tới, khi Fed thực hiện cam kết "vô điều kiện" để khôi phục sự ổn định giá cả. Tom Porcelli, một nhà kinh tế học tại RBC Capital Markets, cho rằng nhà ở có khả năng "chỉ mới bắt đầu suy thoái".  
 James Kavanaugh, Giám đốc Tài chính của IBM, cho biết: “Tốc độ tăng của USD là nhanh nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Hơn một nửa trong số tất cả các loại tiền phòng hộ của chúng tôi đều giảm hai con số so với USD trong năm nay”

Các tin khác