'Bộ tứ kim cương' phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Đông

(ĐTTCO) - Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Bộ tứ kim cương dự kiến sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn nhằm phản đối các nỗ lực thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc dự kiến sẽ phản đối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm “Bộ tứ kim cương” tại Nhà Trắng vào ngày 24-9 tới.

'Bộ tứ kim cương' phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Đông ảnh 1

Tổng thống Biden trong cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ hồi tháng 3. Ảnh: Alex Wong/GETTY IMAGES/AFP

Theo thông báo từ Nhà Trắng hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp bốn bên đầu tiên trong khuôn khổ các nước thành viên thuộc nhóm “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison.

Một số nguồn tin thân cận cho hay dự thảo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm QUAD sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn trước đây liên quan đến những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo đó, các thành viên nhóm QUAD “phản đối các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ”, đặc biệt là tại hai vùng biển trên.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh nhóm QUAD diễn ra dưới hình thức trực tuyến hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo đã nhất trí “tạo điều kiện hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, để đối phó những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ” ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp này sẽ là dịp để Tổng thống Biden thắt chặt mối quan hệ với các thành viên “Bộ tứ kim cương” và thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như hợp tác trên các lĩnh vực công nghệ mới nổi.

Đặc biệt, về vấn đề hợp tác công nghệ, dự thảo cho hay bốn nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống mạng 5G an toàn và minh bạch. Đây cũng chính là lĩnh vực chứng kiến sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nguồn tin lưu ý ngôn từ trong dự thảo tuyên bố chung có thể thay đổi trước khi được chính thức công bố.

Các tin khác