Tây Đô chuyển mình

(ĐTTCO) - TP Cần Thơ là một trong những địa phương dẫn đầu ở ĐBSCL về giá trị GRDP đầu người, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, số lượng du khách và doanh thu du lịch. Điều này cho thấy vị thế và tiềm lực kinh tế của TP Cần Thơ đang chuyển biến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò trung tâm và động lực của vùng ĐBSCL.
Một góc TP sông nước Cần Thơ thơ mộng.
Một góc TP sông nước Cần Thơ thơ mộng.

Các dự án giao thông trọng điểm

Giữa tháng 11-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự lễ khởi công các gói thầu thuộc dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo không gian mới cho sự phát triển TP Cần Thơ trong tương lai.

Theo đó, đường Vành đai phía Tây của Cần Thơ sẽ hình thành trục vành đai ngoài quan trọng, kết nối các trục giao thông ĐBSCL, nối các Quốc lộ 91, 61C và 1A với hệ thống giao thông đô thị của TP, góp phần tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, kết nối TP Cần Thơ với các tỉnh lân cận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết dự án có tổng chiều dài 19,4km, kinh phí đầu tư 3.837 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.

Cùng với đường Vành đai phía Tây, TP Cần Thơ tập trung đầu tư các đường trục chính đô thị, đường tỉnh, như dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923; xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917; dự án đường tỉnh 918 (giai đoạn 2); dự án đường tỉnh 921...

Đặc biệt, cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn TP, do UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư, hiện đang bố trí vốn năm 2023 để triển khai thực hiện.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bìa trái), tại ngày hội du lịch sinh thái huyện Phong Điền 2022.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bìa trái), tại ngày hội du lịch sinh thái huyện Phong Điền 2022.

Việc đẩy nhanh hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ sẽ kết nối đồng bộ với mạng lưới đường bộ cao tốc đi qua địa bàn TP Cần Thơ, cũng như các tuyến quốc lộ trục dọc và trục ngang chạy qua địa bàn.

Ngoài ra, còn kết nối với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, khu công nghiệp và các đô thị lớn ở TP. Sau khi hoàn chỉnh sẽ góp phần vào giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực nội ô, đồng thời mở rộng không gian mới cho sự phát triển đô thị TP Cần Thơ trong tương lai…

Tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

UBND TP Cần Thơ cho biết, năm 2022 dù gặp không ít khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thích ứng với tình hình mới, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, TP có được kết quả khả quan.

Tổng số 17/17 chỉ tiêu đều vượt và đạt; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao 12,64%; các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 26,84%; cung ứng hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 108.164 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 2,28 tỷ USD, tăng 26,5%; GRDP đầu người đạt gần 86 triệu đồng, tăng gần 18%.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (giữa), trong chuyến thăm CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (quận Thốt Nốt).

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (giữa), trong chuyến thăm CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (quận Thốt Nốt).

Song song đó, TP đẩy mạnh các hoạt động kết nối, xúc tiến, quảng bá du lịch; tổng du khách đến Cần Thơ hơn 5,1 triệu lượt, gấp 1,4 lần so năm 2021, tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.117 tỷ đồng, gấp 2 lần so năm 2021.

Theo lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ, tới đây TP tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”; đồng thời tập trung xây dựng thể chế hóa và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết 45 của Quốc hội.

Trên tinh thần đó, các cấp, các ngành cần đẩy nhanh thực hiện những nhiệm vụ được giao; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; nghiên cứu cơ chế phù hợp nhằm đột phá thu hút các nguồn vốn đầu tư.

TP Cần Thơ sẽ trở thành “TP trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL”. Trong đó sẽ đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tập trung thực hiện liên kết, sản xuất, chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG,

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Trung tâm của các trung tâm vùng ĐBSCL

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thời gian qua TP đã chủ động, tự lực, tự cường để vươn lên; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược và những nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với quan điểm xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành “TP trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL”, hiện TP đã có các định hướng phát triển mang tính đột phá, trong đó có việc đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tập trung thực hiện liên kết, sản xuất, chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Cần Thơ có lợi thế là nơi hội tụ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học… của Trung ương đóng trên địa bàn, giúp TP trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ và kỹ năng cho cả vùng ĐBSCL.

Với việc đẩy mạnh vai trò là trung tâm động lực khoa học công nghệ và liên kết, sản xuất, chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL, Cần Thơ đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ trên cơ sở đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, sàn giao dịch công nghệ, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhằm kết nối với các trung tâm trong nước và quốc tế.

Cần Thơ cũng thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ của TP và vùng ĐBSCL, thông qua các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ…

Những ngày qua, TP Cần Thơ khẩn trương hoàn thiện đề án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL” tại TP. Trung tâm được xây dựng với định hướng là “trung tâm của các trung tâm trong vùng”, nhằm giúp kết nối các khu chế biến xuất khẩu nông sản của các địa phương thành hệ thống liên hoàn thống nhất.

Trong đó có sự phân công về thị trường, vùng nguyên liệu theo năng lực và lợi thế của từng địa phương. Trung tâm được kỳ vọng là bước đột phá lớn, giúp giải quyết những tồn tại lâu nay trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng.

Tới đây, TP Cần Thơ sẽ phát huy tối đa nội lực và ngoại lực để phát triển trở thành TP thông minh, hiện đại và trung tâm của vùng. Trong đó, nội lực là tiềm năng và lợi thế của TP như vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông; trung tâm đầu mối giao thông của vùng về đường hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa; trung tâm dịch vụ, công nghiệp...

“Nguồn lực nội tại của TP Cần Thơ là chủ lực, nguồn lực Trung ương có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nhanh sự phát triển của TP dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường” - ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Các tin khác