Tài sản của các gia tộc giàu nhất tại Mỹ tăng nhanh gấp 10 lần gia đình bình thường

Nhà Walton, đứng sau đế chế bán lẻ Walmart, hiện là gia đình giàu nhất tại Mỹ - Ảnh: Getty Images
Nhà Walton, đứng sau đế chế bán lẻ Walmart, hiện là gia đình giàu nhất tại Mỹ - Ảnh: Getty Images

Theo một báo cáo mới công bố của Viện nghiên cứu chính sách, có trụ sở tại Washington (Mỹ), năm 2020, tổng giá trị tài sản của 50 gia đình giàu nhất tại Mỹ là 1.200 tỷ USD. Trong khi đó, tổng tài sản của 65 triệu gia đình - chiếm 50% số gia đình thuộc nửa có tài sản thấp nhất tại Mỹ - là 2.500 tỷ USD. 

Báo cáo này sử dụng dữ liệu từ xếp hạng 50 gia đình giàu nhất tại Mỹ của tạp chí Forbes công bố tháng 12/2020 và khảo sát tài chính tiêu dùng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). 

5 gia đình giàu nhất, gồm nhà Walton, Koch, Mars, Cargill-MacMillan và Lauder, chứng kiến tài sản tăng 2.484% kể từ năm 1983.

Theo báo cáo, 27 gia đình trong số này (có mặt trong cả danh sách tỷ phú giàu nhất và danh sách Forbes 400 năm 1983) chứng kiến tổng tăng 1.007% từ mức 80,2 tỷ USD năm 1983 lên 903,2 tỷ USD năm 2020 (đã điều chỉnh theo lạm phát). Trong khi đó, mức tăng tài sản trong khoảng từ năm 1989 - 2019 của các gia đình bình thường tại Mỹ chỉ là 93% (đã điều chỉnh theo lạm phát). 2019 là năm gần nhất có số liệu về tài sản của các gia đình Mỹ bình thường.

Những gia đình thuộc top giàu nhất thậm chí tăng tài sản nhanh hơn. 5 gia đình giàu nhất, gồm nhà Walton, Koch, Mars, Cargill-MacMillan và Lauder, chứng kiến tài sản tăng 2.484% kể từ năm 1983. 

Bất chấp đại dịch bùng phát và tàn phá nền kinh tế, các gia tộc này càng giàu hơn, trong những gia đình ở chiều ngược phải vật lộn kiếm sống. Theo các nhà phân tích, đây là bằng chứng của sự phục hồi theo hình chữ K của Mỹ, trong đó người thu nhập cao trở lại công việc và tăng thu nhập, trong khi nhóm thu nhập thấp mất việc làm, chật vật để chi trả các hóa đơn và rơi vào nhóm nghèo. 

Bất bình đẳng ở Mỹ càng trở nên tồi tệ hơn sau đại dịch. Năm 2018, chênh lệch giàu nghèo tại nước này đã ở mức cao nhất kể từ khi Cơ quan điều tra dân số Mỹ bắt đầu theo dõi chỉ số này 50 năm trước. 

“Rất nhiều người không thích thừa nhận thứ mình đạt được như mua nhà hay tránh được các khoản vay sinh viên - những điều được xem là nhờ vào tài sản của thế hệ trước. Điều này gây ra nhiều vấn đề lớn khi những người khác băn khoăn không biết vì sao họ lại bị bỏ lại phía sau. Thực tế là chỉ số hàng đầu cho sự thịnh vượng về kinh tế giờ đây không phải là làm việc chăm chỉ hay trí thông minh, mà là gia đình nơi bạn sinh ra”, Josh Hoxie, Giám đốc dự án về cơ hội và thuế của Viện nghiên cứu chính sách, nhận định với Business Insider.

Các tin khác