Tín dụng tăng phi mã, lo nhiều hơn vui

(ĐTTCO) - Quý I-2022 tăng trưởng tín dụng (TTTD) diễn biến đầy ngoạn mục. Trên bề nổi, cơ quan quản lý cho rằng điều này cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế. Song bên trong, bài toán nắn dòng chảy tín dụng có vẻ đang được tích cực triển khai.
Liệu TTTD mạnh dòng vốn có chảy vào bất động sản?
Liệu TTTD mạnh dòng vốn có chảy vào bất động sản?
Cho vay tăng mạnh chưa từng thấy
Tính tới hết tháng 1, tín dụng ghi nhận mức tăng 2,74%, cao nhất kể từ năm 2018 tới nay. Dữ liệu từ cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ cho thấy, tín dụng tính đến cuối tháng 2 tăng 1,82% so với cuối năm 2021, thấp hơn mức tăng trưởng ghi nhận vào cuối tháng 1.
Tức dư nợ cho vay tháng 2 đã giảm khoảng 96.000 tỷ đồng so với tháng 1. Đến tháng 3, tín dụng đảo chiều tăng phi mã. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tính tới ngày 21-3, TTTD ở mức 4,03%. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, cho biết tính từ đầu năm đến hết 31-3 TTTD đạt 5,04%. 
Mục tiêu tăng tín dụng năm 2022 là 14%, như vậy mới 3 tháng các TCTD đã sử dụng hơn 1/3 chỉ tiêu của cả năm. Thông thường vào quý I, dư nợ tín dụng tăng khá thấp. Từ năm 2017, xu hướng cho vay khởi sắc từ những tháng đầu năm mới bắt đầu xuất hiện, dù vậy chưa có năm nào tín dụng có mức tăng mạnh như hiện tại.
Mức tăng 5,04% của quý I gấp 2,3 lần mức tăng 2,16% của quý I-2021, gấp 3,8 lần mức tăng tín dụng quý I-2020 (nếu so sánh trong thời điểm xảy ra dịch bệnh). Còn trong điều kiện nền kinh tế bình thường, tín dụng quý I-2017 có mức tăng cao nhất tính từ năm 2011, nhưng cũng chỉ ở mức 4,3%. Năm 2018, tín dụng quý I chỉ tăng 3,29%, quý I-2019 tăng 3,19%. 
Cùng lúc tín dụng toàn ngành tăng cao, các NH cũng đang cho thấy sự lạc quan về tình hình TTTD năm nay, khi liên tục công bố các chỉ tiêu “khủng”. Chẳng hạn, năm ngoái VIB chỉ đạt mức TTTD 19%, nhưng vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu tăng 30% trong năm nay. Hay MSB đặt mục tiêu dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) ở mức 130.752 tỷ đồng, tăng 25%. SeABank dự kiến TTTD tối đa 17%... Nhiều NH khác cũng đặt kế hoạch tăng cao hơn mức 14% toàn ngành. Trong khi đó, VietinBank đã cho biết dư nợ tín dụng quý I-2021 đã đạt đến 7%.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mức tăng 5,04% trong quý I cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đồng thời các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả. Đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN) đã trở lại bình thường. Thế nhưng, mức tăng như trên so với các năm trước là rất cao. Cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.

Tín dụng đổ vào BĐS rất lớn
Trên thực tế, nhu cầu về vốn đang rất lớn khi hoạt động sản xuất kinh doanh được mở cửa trở lại. Song việc tín dụng tăng quá nhanh cần hết sức chú ý. Bởi lẽ, sau đợt dịch lần thứ 4, DN đang hồi phục và chưa thật sự “khỏe mạnh” nên khả năng hấp thụ nguồn vốn lớn là điều rất khó. Trong khi đó, các vụ việc đang xảy ra cho thấy khoản tiền các NH đổ vào DN bất động sản (BĐS) rất lớn.
Đơn cử, với FLC Group, Sacombank cho vay ngắn và dài hạn hơn 1.840 tỷ đồng. BIDV cũng cho FLC vay hơn 1.747 tỷ đồng, OCB cho vay hơn 1.392 tỷ đồng, NCB cho vay 634 tỷ đồng, Agribank cho vay 169 tỷ đồng. 
Không chỉ đổ vốn trực tiếp, NH còn cấp vốn thông qua mua trái phiếu DN. Trong báo cáo kết quả đợt phát hành ngày 20-9-2021, lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm của Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, có thể hiện 1 TCTD đã tham gia với tỷ trọng 50%, tức 950 tỷ đồng. Đồng thời, trong cơ cấu nhà đầu tư mua lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm của Công ty Soleil (cũng thuộc Tân Hoàng Minh) phát hành ngày 1-11-2021 và lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm phát hành ngày 6-7-2021, cũng có nhà đầu tư là TCTD nhưng danh tính chưa được công bố.
Hiện NHNN đang yêu cầu các NH không được cho vay BĐS quá 8% tổng tín dụng chung của NH. “Chốt chặn” về tỷ trọng này của NHNN, đương nhiên các NH buộc phải tuân thủ, bởi phía sau đó sẽ có chế tài. Theo đó, tín dụng BĐS bất ngờ bị phanh lại tại một vài nhà băng. Tuy nhiên, liệu vốn đổ vào BĐS có giảm hay không vẫn chưa thể nói trước được.
Bởi trong thời gian gần đây, “đại gia” BĐS gia nhập các nhà băng dưới nhiều hình thức ngày càng phổ biến. Hay đối với cho vay cá nhân, các NH vẫn có thể “danh chính ngôn thuận” bơm vốn vào BĐS thông qua sản phẩm tín dụng tiêu dùng. Bởi giờ đây từ NH có vốn nhà nước đến NHTM tư nhân đều đồng loạt công bố chuyển trọng tâm từ mảng bán lẻ thay vì bán buôn, việc dòng tiền từ kênh cho vay bán lẻ sẽ chạy vào đâu cũng cần được nhìn nhận lại để tránh rủi ro.
Khi trao đổi với ĐTTC về chương trình phục hồi kinh tế đang thực thi, các chuyên gia đều nhận định, năm nay chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng phải chặt chẽ, nhất là phải kiểm soát tốt dòng tín dụng đi ra khi thực thi gói hỗ trợ lãi suất 2% để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh phải kiểm soát chặt dòng tín dụng vào lĩnh vực BĐS, kể cả tín dụng cho các dự án đầu tư và tín dụng cho người mua. Vì mục tiêu của NHNN hiện nay là phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2023. Giảm lãi suất sẽ kích thích nhu cầu vay vốn nên phải kiểm soát để tránh các hệ lụy về sau.
 Với định hướng của Chính phủ và NHNN, các DN sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn vẫn sẽ hấp thụ được vốn. Nhưng điều này đi kèm với điều kiện đáp ứng được chuẩn cho vay của các nhà băng. 

Các tin khác