Tín dụng đen hoành hành: Kỳ vọng có gói tín dụng ưu đãi dành cho công nhân

(ĐTTCO)-Gặp nhiều khó khăn, nhiều công nhân đã phải tìm đến tín dụng "đen" để vay tiền, tuy nhiên, sau khoảng thời gian quy định trả xong cả gốc lẫn lãi, nhiều người bất ngờ khi bị gọi điện trực tiếp đến công đoàn nơi làm việc để đòi nợ...
Tín dụng đen hoành hành: Kỳ vọng có gói tín dụng ưu đãi dành cho công nhân

Thời gian qua, nhiều công nhân lao động gặp khó khăn về tài chính, nhưng khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng và buộc phải tìm đến tín dụng “đen”. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian quy định trả xong cả gốc lẫn lãi, nhiều người lao động bất ngờ khi tổ chức tín dụng gọi điện trực tiếp đến công đoàn nơi họ làm việc tiếp tục đòi tiền lãi của khoản vay mà họ không hề hay biết. Nhiều người lao động mong muốn Chính phủ và các ngân hàng có chính sách cho công nhân vay với thủ tục vay nhanh gọn.

Cuối năm 2018, anh Nam, quê ở Hà Tĩnh, công nhân Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vay 50 triệu đồng từ một tổ chức tự xưng là “tín dụng”. Mỗi tháng anh phải trả cả gốc và lãi là hơn 3 triệu đồng. Từ 50 triệu đồng vay ban đầu, số tiền anh đã trả hết cả gốc lẫn lãi là 65 triệu đồng sau 17 tháng.

Bẵng đi một thời gian dài, đầu năm nay, anh Nam luôn trong tâm trạng bất an và không an tâm làm việc khi tổ chức đó liên tục gọi điện tới cán bộ công đoàn đòi tiền lãi của khoản vay anh đã hoàn trả 2 năm trước.

Anh Nam chia sẻ: "Hồi đó khi trả xong họ bảo sẽ làm cho tôi giấy tất toán gửi tới nhà, nhưng không thấy gửi, sau đó không liên lạc được với bên đó luôn. Không thấy ai đòi, không nhắc nợ gì cả. Nhưng đến bây giờ, họ lại bảo tôi là con nợ. Tôi gọi lên tổng đài của tổ chức cho vay họ không bảo là mình đang nợ và nợ bao nhiêu; họ chỉ báo rằng tôi liên hệ người này, người kia để hỏi số nợ. Mà họ thì không gọi tôi chỉ gọi công đoàn, kế toán, số tiền báo kế toán lúc thì 50 triệu, khi thì 40 triệu, khi thì 20 triệu đồng".

Anh Nam chỉ là một trong nhiều trường hợp người lao động của Công ty TNHH New Apparel far Easten Việt Nam, tỉnh Bình Phước bị các đối tượng từng cho vay tín dụng gọi điện tới tổ chức công đoàn đòi tiền.

Theo chị Trần Thị Toan cán bộ công đoàn của Công ty, doanh nghiệp có hơn 4.000 công nhân lao động, trong 2 năm dịch bệnh nhiều người lao động khó khăn đã vay nặng lãi, vướng vào tín dụng đen. Sau khi tấn công người thân của công nhân vay tín dụng không hiệu quả, phía cho vay quay sang gọi điện, nhắn tin đe dọa doanh nghiệp trả tiền. Khi không được đáp ứng, các đối tượng quay sang bôi nhọ danh dự, đăng tải thông tin của chị lên mạng xã hội.

"Khi bị các tổ chức đe dọa tôi có báo cáo với công đoàn cấp trên, làm đơn tố giác công an huyện. Công an hiện cũng đang điều tra. Ban thân tôi cũng quản lý một trang web công đoàn cơ sở đẩy mạnh thông tin cảnh giác về tín dụng để họ tránh xa. Tôi mong muốn nhà nước có ngân hàng chính thống có chính sách cho người lao động vay thủ tục đơn giản hỗ trợ người lao động khó khăn hay hỗ trợ vốn cho quỹ CEP của công đoàn để người lao động vay' - chị Toan chia sẻ.

Đánh giá diễn biến của tín dụng đen thời gian qua, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, qua đấu tranh các vụ việc liên quan đến tín dụng đen cho thấy, có vụ lãi suất lên tới 90-100%/tháng, có lãi suất lên tới 700-1.000%/tháng. Trong quá trình đó, các tổ chức tín dụng đen sử dụng nhiều thủ đoạn như đe doạ, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM…

Trong 3 năm qua, Bộ Công an đấu tranh phát hiện xử lý hơn 2.700 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều người bị hại là công nhân.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tín dụng đen, Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tập trung tổ chức phòng ngừa xã hội; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen để nâng cao ý thức tự giác cho công nhân và người dân. Chúng tôi cũng chỉ đạo công an các tỉnh, thành kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động này. Qua đó, để phát hiện tội phạm vi phạm pháp luật, xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để hoạt động tín dụng đen".

Hình thành các gói tín dụng cho công nhân vay qua sổ lương

Trước diễn biến phức tạp của tín dụng đen trong công nhân lao động tại các Khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn nắm tình hình, phối hợp với công an địa bàn xử lý các trường hợp liên quan.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn phối hợp nhiều đối tác về phúc lợi, Quỹ tài chính… hình thành các gói tín dụng cho công nhân vay qua sổ lương.

"Để thực hiện lâu dài chúng ta cần có một số chính sách để công nhân tiếp cận nguồn tín dụng. Trước mắt Chính phủ, ngân hàng nhà nước cần thiết hình thành nguồn tín dụng cho công nhân vay, có một số chính sách cho công nhân" - ông Ngọ Duy Hiểu nêu rõ.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu vì sao tín dụng đen còn đất để tồn tại. Đối với nhu cầu chính đáng của người dân khi vay sản xuất, Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam cho rằng, với nhu cầu cấp bách cần có nguồn tín dụng chính thức có thể đáp ứng. Nhưng với những nhu cầu tín dụng không chính đáng như chơi lô đề, cờ bạc, cá độ các cơ quan chức năng phải trấn áp từ cả phía cung và phía cầu.

Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh: Hiện Ngân hàng nhà nước đang tăng cường cho các ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân. "Chúng tôi đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dạn cho vay với chủ trương là cho vay, phát triển thị trường nhỏ lẻ; thứ hai là sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn".

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo 2 công ty thuộc 2 ngân hàng thương mại lớn: FE CREDIT là công ty tài chính thuộc ngân hàng VPBank và Công ty thuộc HD Bank cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho công nhân có nhu cầu vay.

Tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại công nhân lao động diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: "Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cách tiếp cận vốn cho đúng đối tượng, quy mô phù hợp, hiệu quả, góp phần chống tiêu cực trong hoạt động tín dụng. Bộ Công an nắm chắc tình hình, xử lý nhanh, kịp thời đối tượng vi phạm, ngăn chặn kịp thời hậu quả xấu tới công nhân lao động cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế".

Trong bối cảnh Covid-19 hơn 2 năm qua ảnh hưởng lớn đến  đời sống và việc làm của người lao động. Đến nay, giá xăng và các loại mặt hàng tăng giá từng ngày khiến cuộc sống của người lao động trở nên khó khăn, yêu cầu cần có gói tín dụng dành cho công nhân lao động với các quy định vay nhanh gọn là cần thiết hơn bao giờ hết; giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, đồng thời, giúp người lao động trụ vững tránh xa cơn lốc “tín dụng đen”.

Các tin khác