Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà ước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo

(ĐTTCO) - Theo Quyết định 942 về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thời gian thực hiện từ 2021-2023.
Việt Nam chính thức nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo. Ảnh minh họa
Việt Nam chính thức nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo. Ảnh minh họa

Những loại tiền số được tạo ra bởi công nghệ blockchain như Bitcoin, Etherum... hiện mới có 1 quốc gia chấp nhận. Trong khi đó, Bitcoin, Etherum và một số loại tiền số khác trở thành một kênh kiếm tiền mới thu hút nhiều người đầu tư.

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo. Các quy định hiện nay chỉ mới đề cập khái niệm tiền điện tử, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử hay Mobile Money. Do vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần lên tiếng, khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo khác hoàn toàn không phải là tiền điện tử, không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Các loại tiền ảo không được công nhận là một loại tài sản ảo và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp.

Bộ Tài chính đã có quyết định (số 664/QĐ-BTC) nhằm nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Hiện nay, Tổ đã bước đầu triển khai nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan. 

Ngoài nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, Quyết định 942 cũng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, phát triển làm chủ các công nghệ lõi khác như thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở phục vụ Chính phủ số. Mở các nền tảng quốc gia hướng tới tạo thành hệ sinh thái, để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số.

Bộ KHCN, Bộ TTTT đẩy mạnh nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data)... tạo điều kiện sớm triển khai các công nghệ số tiên tiến trong Chính phủ số.

Ngoài ra, các bộ thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ mới cho Chính phủ số. Đồng thời khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số, để làm chủ các công nghệ cốt lõi trong Chính phủ số, trước hết đó là các công nghệ điện toán đám mây, bảo mật, an toàn, an ninh mạng, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, các nền tảng cho phát triển các ứng dụng chuyên ngành.

Khuyến khích xây dựng các chương trình nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mang đặc thù Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh, tạo nền tảng thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia.... Các sản phẩm, dịch vụ này sẽ ưu tiên thí điểm ứng dụng trước trong các cơ quan nhà nước, từ đó đánh giá, hoàn thiện, hình thành nền tảng để phục vụ kinh tế số, xã hội số....

Các tin khác