Thanh khoản vào thời kỳ “không bình yên”

(ĐTTCO) - Lãi suất trên thị trường 1 và 2 bất ngờ bật tăng mạnh trong tháng 12-2021. Đây là dấu hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống đã qua thời kỳ bình yên, bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Gấp rút hút tiền
Trong tháng 12-2021, lãi suất huy động trên thị trường 1 bật tăng mạnh. Gây “sốc” trên kênh tiền gửi trong tháng cuối năm 2021 phải kể đến VPBank. Nhà băng này công bố chương trình tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings với lãi suất tháng đầu tiên gấp đôi các tháng sau đó, lên đến 10%/năm.
Cụ thể, gửi dưới 300 triệu đồng theo chương trình này với kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất 10%/năm trong tháng đầu, các tháng sau áp dụng lãi suất 5%/năm. Gửi 300 triệu đồng trở lên với kỳ hạn từ 9 tháng cũng được hưởng lãi suất từ 10%/năm trong tháng đầu tiên. Mức lãi suất tháng đầu cao nhất được áp dụng trên biểu lãi suất 10,6%/năm đối với tiền gửi trên 300 triệu đồng cho các kỳ hạn từ 15 tháng trở đi. 
Tại Techcombank, biểu lãi suất mới nhất cũng tăng thêm 0,2-0,4% so với kỳ điều chỉnh trước. Trong biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 15-12-2021, lãi suất cao nhất tại NamABank đã lên mức 7,4%/năm cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên và không yêu cầu số dư tối thiểu, tăng 0,3%/năm so với trước đó.
Lãi suất tiền gửi online cao nhất tại SCB cũng được nâng lên mức 7,15%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng, tăng khoảng 0,2%. VietBank điều chỉnh tăng 0,3% nhiều kỳ hạn tiền gửi online, mức cao nhất 6,9%/năm đối với kỳ hạn từ 13 tháng. Điều tương tự cũng diễn ra tại các NH như Eximbank, OCB, GPBank…
Trong tuần lễ từ ngày 17-12 đến 24-12-2021, lãi suất trên thị trường liên NH cũng bứt tốc, tăng mạnh hơn so với mức tăng đang kéo dài trong khoảng thời gian 2 tháng gần đây. Theo thống kê CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần trong tuần lễ nói trên đã tăng lần lượt 0,27%, 0,55% và 0,63%, lên mức 1,12%, 1,81% và 1,73%/năm.
Trước đó vào đầu tháng 12-2021, lãi suất liên NH ở các kỳ hạn này vẫn còn dưới mức 1%, cụ thể kỳ hạn qua đêm 0,65%/năm, kỳ hạn 1 tuần 0,72%/năm và kỳ hạn 2 tuần 0,84%/năm. Diễn biến tăng đáng kể chỉ trong thời gian ngắn cho thấy thanh khoản của hệ thống không còn dồi dào như trước, các NHTM đang gấp rút bù đắp để trước nhu cầu mùa vụ về tín dụng cũng như thanh toán cuối năm. 
Điều này hiện đang là vấn đề quan trọng, bởi huy động vốn của các TCTD tính đến ngày 24-12-2021 mới tăng 8,44%, trong khi tăng trưởng tín dụng đã bứt tốc mạnh mẽ, đạt đến 12,68%. Việc các NH được nới room tín dụng và chỉ còn 1 tháng cuối năm để giải ngân, càng tạo áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn.
Áp lực với NH nhỏ có vẻ lớn hơn khi mức tăng đáng kể được ghi nhận ở nhóm này. Đồng thời, các nhà băng có động thái mạnh với lãi suất những ngày qua còn do trong cấu phần tiền gửi, tiền gửi từ khu vực dân cư tăng trưởng rất chậm.
Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 10-2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 3,08% so với đầu năm, đạt hơn 5,3 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý trong tháng 8 và 9-2021, tiền gửi dân cư sụt giảm mạnh, lần lượt giảm gần 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng. Điều này xuất phát từ việc thu nhập người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, cộng với lãi suất huy động ở mức quá thấp, mức sinh lời không hấp dẫn.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống ghi nhận giảm 1,5-2% tùy kỳ hạn so với thời điểm trước dịch. Vì vậy, dòng tiền nhàn rỗi đã chảy từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để có mức sinh lời cao hơn. 
Ở phần tiền gửi của các tổ chức kinh tế, trong năm 2021 đã ghi nhận mức tăng rất mạnh 7,63% trong 10 tháng, đạt hơn 5,25 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền này được đánh giá kém ổn định, các DN có thể rút ra bất cứ lúc nào nếu xuất hiện cơ hội đầu tư hoặc sản xuất kinh doanh tốt khi kinh tế phục hồi.
Trước đó, tín dụng tăng thấp, các NHTM tỏ ra thờ ơ với câu chuyện này. Nay cầu tín dụng đột ngột tăng mạnh, thanh khoản lập tức bị tác động, huy động vốn trở lại để bảo đảm thanh khoản trở thành vấn đề cấp thiết. 
 Ai chịu thiệt?
Trước yếu tố mùa vụ trong dịp mua sắm thanh toán và nhu cầu tín dụng cuối năm tác động lên thanh khoản hệ thống, nhà quản lý cũng không đứng ngoài cuộc. Sau khi NHNN bơm tiền hỗ trợ qua nghiệp vụ mua ngoại tệ, hiện đến lượt Kho bạc Nhà nước tham gia việc duy trì thanh khoản cho thị trường. Ngày 24-12-2021, KBNN thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ NHTM, với khối lượng dự kiến 100 triệu USD.
Loại hình giao dịch giao ngay, ngày giao dịch 27-12-2021 và ngày thanh toán dự kiến 29-12-2021. Theo đó, có 4 tổ chức mua vào ngoại tệ trong tháng 12-2021 với tổng khối lượng mua vào dự kiến đạt 900 triệu USD, một tần suất và quy mô hiếm thấy trong nhiều năm gần đây. Qua đó, lượng tiền VNĐ được KBNN bơm vào các nhà băng trong tháng 12-2021 lên tới 20.400 tỷ đồng.
Dẫu vậy, động thái của KBNN vẫn chưa thể bù đắp được nhu cầu thanh khoản của các NHTM. Bởi chỉ riêng tín dụng, trong hơn 1 tháng qua, các NHTM đã bơm ra gần 264.000 tỷ đồng. Không còn cách nào khác, các NH phải cấp tập tăng lãi suất huy động để chủ động nguồn tiền kinh doanh.
Nhưng việc gấp rút tăng lãi suất lại đem đến nỗi lo tăng lãi suất suất cho vay. Trong khi đó, với thanh khoản dồi dào, nhiều NH thừa tiền đem đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP), TPDN. Tính đến hết tháng 9-2021, các NH đã mua vào 124.400 tỷ đồng, chiếm 27,3% lượng TPDN phát hành, trong đó chiếm tỷ lệ cao là TPDN của DN bất động sản. 
Ghi nhận trong năm 2021, lãi suất cho vay giảm khoảng 1,5% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Mức giảm của lãi suất cho vay có phần chậm hơn so với mức giảm của lãi suất huy động. Theo đó, các NH vẫn ghi nhận sự tăng trưởng cao của biên lợi nhuận (NIM). Khó có thể tin rằng sau khi mặt bằng lãi suất huy động tăng trở lại, lãi suất cho vay sẽ giảm, ngược lại chắc chắn sẽ tăng, vì NH cũng là DN, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Nhưng điều này cũng cho thấy, dù ở hoàn cảnh nào, các nhà băng vẫn nắm đằng chuôi, bên bị động vẫn luôn là DN, người đi vay. 
  Trước đây, tín dụng tăng thấp, các NHTM tỏ ra thờ ơ với câu chuyện này. Nay cầu tín dụng đột ngột tăng mạnh, thanh khoản lập tức bị tác động, huy động vốn trở lại để bảo đảm thanh khoản trở thành vấn đề cấp thiết. 

Các tin khác