Nhà băng đua hút vốn qua kênh trái phiếu

(ĐTTCO) - Phát hành trái phiếu (TP) để huy động vốn trung và dài hạn là một trong những hoạt động được các nhà băng đẩy mạnh trong 5 tháng đầu năm nay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

VietinBank vừa công bố thông tin về việc phát hành TP ra công chúng năm 2021 với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Dự kiến hoạt động phát hành chia 2 đợt: đợt 1 từ quý II đến quý III-2021, đợt 2 từ quý III đến quý IV-2021.

Trong đợt 1, NH sẽ chào bán 80 triệu TP với tổng giá trị 8.000 tỷ đồng, bao gồm 4.000 tỷ đồng TP kỳ hạn 8 năm và 4.000 tỷ đồng TP kỳ hạn 10 năm. Trong đợt 2, dự kiến phát hành 1.000 tỷ đồng TP kỳ hạn 8 năm và 1.000 tỷ đồng TP kỳ hạn 10 năm.

Trong khi đó, ACB thông báo đã phát hành thành công lô TP trị giá 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Đây là đợt phát hành đầu tiên của NH trong năm nay và 2 công ty chứng khoán trong nước đã mua trọn lô TP này.

Giữa tháng 5, VIB cũng đã phát hành thành công TP đợt 3-2021 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Tính đầu năm đến nay, VIB thực hiện 3 đợt phát hành, huy động 4.000 tỷ đồng thông qua kênh TP. Đối tượng mua TP của VIB trong 3 đợt cũng đều là các công ty chứng khoán trong nước. 

Theo thống kê, nhóm NH có tổng giá trị phát hành TP lớn nhất trong tháng 5, đạt 15.685 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73% trong tổng giá trị phát hành. Trong đó, các NH có lượng huy động lớn nhất là MSB (2.700 tỷ đồng), TPBank (2.600 tỷ đồng), ACB (2.000 tỷ đồng), BIDV (1.800 tỷ đồng).

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhóm ngành NH đã phát hành tổng cộng 32.374 tỷ đồng TP, chiếm 29% tổng giá trị phát hành của toàn thị trường, xếp thứ 2 sau nhóm bất động sản. 

Năm nay, TP trở thành kênh hút vốn rẻ của các NHTM. Bởi lãi suất huy động TP bình quân đã giảm từ 6,41%/năm xuống mức 4,48%/năm. Trong 2 đợt phát hành thành công của ACB và VIB gần đây nhất, lãi suất huy động TP chỉ 4%/năm đối với kỳ hạn 3 năm.

Theo bộ phận NH đầu tư VietinBank, nhu cầu phát hành TP của các NHTM trong năm 2021 sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là TP tăng vốn nhằm giúp các NH bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số CAR. 

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH chỉ ra, một số trường hợp NH cũng tăng phát hành mới để mua lại TP đã phát hành những năm trước, nhằm cơ cấu lại lãi suất các khoản huy động từ kênh này. Vì trong các đợt phát hành trước đây, các NH phải huy động TP với lãi suất cao hơn.

Dự báo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn do NHNN quy định tại Thông tư 08/2020 sẽ tiếp tục tạo cú hích để kênh TP dần trở thành nguồn huy động vốn trung và dài hạn nhằm thay thế cho kênh tín dụng truyền thống của các nhà băng. Vì huy động vốn từ kênh tiền gửi tiết kiệm chủ yếu là vốn ngắn hạn, nếu chỉ trông chờ vào kênh này, NH khó có thể đáp ứng được các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định và còn có thể đối mặt với tình trạng mất thanh khoản.

Thời điểm này, với yêu cầu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn dịch bệnh, các NH cũng khó nâng lãi suất huy động trung và dài hạn lên mức cao để hút vốn, bởi như vậy sẽ khó cân bằng lợi nhuận. Trong khi đó, với uy tín của mình, nhà băng có thể dễ dàng huy động TP với lãi suất thấp gần phân nửa so với các nhà phát hành doanh nghiệp.

Kênh đầu tư cũng rất "đắt khách" vì dễ dàng chuyển nhượng trong khi gửi tiết kiệm kỳ hạn dài không được rút trước hạn, nếu tất toán tiền gửi trước hạn phải chịu lãi suất rất thấp.

Các tin khác