Người Việt ngày càng có nhiều thiện cảm với thanh toán không tiền mặt

(ĐTTCO) – Đó là nhận định được nhiều sự đồng tình của các diễn giả tại hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt” diễn ra sáng nay 19-11, do báo Tuổi trẻ tổ chức dưới sự chỉ đạo nội dung từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2021”.

Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong thói quen thanh toán của người tiêu dùng. (Ảnh: Internet)
Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong thói quen thanh toán của người tiêu dùng. (Ảnh: Internet)

Cơ hội bứt phá

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trước đó, tỷ trọng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op chỉ chiếm 4%.

Nhưng ngay trong dịch Covid-19, tỷ trọng này tăng vọt lên 40% thậm chí nhiều thời điểm lên đến 50%, một mục tiêu mà Saigon Co.op dự kiến phải mất đến 3-4 năm nữa mới đạt được. Con số này cho thấy đã có thay đổi mạnh mẽ trong thói quen, thanh toán của người tiêu dùng tại hệ thống suốt mùa dịch vừa qua.

Số liệu của NHNN cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch thanh toán qua điện tử liên NH tăng 41,4% về giá trị và qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nhiều NH đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số.

Đồng thời, chỉ từ tháng 3-2021 đến nay đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức định danh điện tử (eKYC) trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Lưu Tuấn Nghĩa, Giám đốc phát triển kinh doanh, mảng chấp nhận thanh toán, Visa Việt Nam cho biết, nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa do CLEAR triển khai vào tháng 8 và tháng 9-2021, được khảo sát trên 6.520 người tiêu dùng ở Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Campuchia cho thấy, thanh toán tiền mặt ngày càng giảm tại Việt Nam từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra và sẽ còn tiếp tục giảm nhiều hơn nữa trong tương lai.

Theo Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, thời gian qua, hệ sinh thái thông minh, thanh toán số đã được thiết lập, với việc kết nối dịch vụ NH số và các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng dịch vụ trên không gian số.

Theo đó, người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ và sau đó thanh toán hoàn toàn trên kênh số. Nhờ vậy, hoạt động thanh toán không bị gián đoạn trong bối cảnh người tiêu dùng bị cách ly, giãn cách do dịch Covid-19.

Nói đến sự thay đổi kể trên cũng phải nhắc đến nỗ lực của các NHTM. Thời gian qua, ngành NH đã chủ động miễn, giảm phí dịch vụ để thúc đẩy hoạt động TTKDTM với tổng số tiền giảm phí năm nay khoảng 1.557 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là những đầu tư về mặt kỹ thuật, như ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank trao đổi, NH đã nâng cấp hệ thống bảo mật giao dịch trực tuyến 3D secure lên phiên bản 2 vào năm 2020, giúp gia tăng trải nghiệm và độ an toàn bảo mật cho các giao dịch trực tuyến của khách hàng.

Hay như chia sẻ của ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank, NH phải làm cho người dân cảm thấy vui khi sử dụng dịch vụ. Bên cạnh giảm phí, phải lồng ghép dịch vụ của mình vào hoạt động mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng để người dân có thể thanh toán đơn giản, dễ dàng nhất có thể. Vừa rồi, VietinBank cũng cung cấp dịch vụ đặt tên cho số tài khoản, thay vì phải nhớ số tài khoản, để người dân dễ sử dụng.

Tiếp tục hoàn thiện các vấn đề tồn tại

Nhìn nhận các cơ hội song các diễn giả tại hội thảo cũng nêu lên những tồn tại, thách thức đặt ra hiện nay.

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, hệ thống Saigon Co.op đã đón nhận biến đổi đối với hành vi tiêu dùng từ cách mua sắm, thanh toán trong dịch Covid-19 một cách đột ngột, không nhiều sự chuẩn bị, thậm chí mang tính đối phó. Đó cũng là lý do con số tăng trưởng nói trên chỉ dừng 40%. Còn hiện tại có sự đan xen giữa không tiền mặt và tiền mặt, tỷ lệ duy trì ổn định khoảng 10-11%.

Còn theo PGS.TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ NH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM, NH số trong nước đã có nhiều tính năng tương đương NH số nước ngoài nhưng hiện vẫn chưa đa dạng phương thức mở tài khoản (ID, chữ ký số, quay video...); chưa cung cấp đa dạng các dịch vụ tín dụng trên nền tảng số; chưa đầu tư cao vào bảo mật và các dịch vụ quản lý tài chính cá nhân.

Một điểm khác biệt nữa là NH số tại Việt Nam chưa cho người dùng không cần đến chi nhánh và có thể thực hiện mọi giao dịch thông qua NH số. Người dùng vẫn chưa hoàn toàn yên tâm giao dịch với các NH qua mạng xã hội và lo ngại về các vấn đề về bảo mật thông tin…

Riêng đối với các nhà băng, điều được mong đợi hiện nay là ngành NH được kết nới vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giúp cho quá trình số hoá ngành tài chính nhanh chóng hơn. Qua đó, các NH có cơ sở để cấp những khoản vay nhỏ, lẻ cho người dân một cách an toàn, nhanh chóng. Và nếu cơ sở dữ liệu này được mở cho các đơn vị trung gian thanh toán cũng có thể tạo được sự đột phá trong thanh toán qua di dộng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài. Trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, nhu cầu, hành vi tiêu dùng của người dân có xu hướng thay đổi từ giao dịch gặp mặt trực tiếp sang tương tác chủ yếu qua các kênh số đối với hầu hết các dịch vụ trong xã hội, từ các dịch vụ NH tài chính, thanh toán cho đến giải trí, giao hàng, gọi xe, lưu trú và ngay cả việc mua sắm, đi chợ hàng ngày...

"Chuyển đổi số hướng tới xã hội không tiền mặt tạo ra tác động kép vừa góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Nhắc lại các mục tiêu đề ra tại Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng đã giao NHNN phối hợp với và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới. Đồng thời, hoạt động thanh toán phải đảm bảo tiêu chí an toàn.

Các tin khác