Giảm thiểu rủi ro nợ xấu ngân hàng

(ĐTTCO)-Mặc dù các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cơ cấu lại rất nhiều khoản nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong báo cáo tài chính quý 2 của các NHTM vừa công bố, tổng số dư nợ xấu tính đến thời điểm 30-6 vẫn tăng 4,5% so với cuối năm 2020, tương đương tăng gần 124.898 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại một số NHTM gần đây tăng nhanh.
Một dự án bất động sản tại TPHCM được ngân hàng rao bán để thu hồi nợ xấu. Ảnh: PHAN LÊ
Một dự án bất động sản tại TPHCM được ngân hàng rao bán để thu hồi nợ xấu. Ảnh: PHAN LÊ

Nợ xấu tăng khi “xóa treo” 

Mặc dù nợ xấu của nhiều NHTM vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở mức 3%, nhưng lường trước rủi ro tiềm ẩn từ các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không ít NHTM đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để bao phủ nợ xấu.

Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, có 11 NHTM có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 100% trong 6 tháng đầu năm 2021, thậm chí một số NHTM có tỷ lệ này lên đến 200%-300%.

Cụ thể, trong nhóm NHTM quốc doanh, Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến 352%; VietinBank, Agribank, BIDV cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu quanh mức 130%. Đối với khối NHTM tư nhân, Techcombank đạt 259%, MBBank 236%, ACB 208%...

Động thái mạnh tay trích lập dự phòng của các NHTM không chỉ nhằm ứng phó với rủi ro nợ xấu phát sinh trong tương lai mà còn là bệ đỡ để tránh áp lực tăng chi phí dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Bởi lẽ, những khoản nợ được cơ cấu có khả năng trở thành nợ xấu khá cao sau khi được “xóa treo”, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đánh giá, con số nợ xấu trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa phản ánh hết tình hình hiện tại. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ rất lớn sau khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 03/2021 vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên dòng tiền của doanh nghiệp (DN) bị đứt gãy, dẫn đến DN khó trả được nợ cho ngân hàng.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam vừa công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, mặc dù ổn định tài chính chung đã được Việt Nam duy trì, nhưng chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng.

Do đó, các cấp có thẩm quyền cần theo dõi cẩn thận sự gia tăng của nợ xấu để đảm bảo “sức khỏe” cho khu vực tài chính và thúc đẩy áp dụng quy định về an toàn vốn theo chuẩn Basel II đối với mọi ngân hàng đang hoạt động. 

Cần có nghị quyết riêng

Thực hiện Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 của NHNN về hoãn, giãn, cơ cấu lại nợ vay nhằm giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho DN, tính đến ngày 14-6, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 326.300 tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 theo hướng mở rộng phạm vi, kéo dài thời hạn áp dụng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các NHTM cho biết, việc sửa đổi này không chỉ giúp người dân, DN phục hồi sản xuất, quay vòng vốn mà còn giúp giảm áp lực về nợ xấu nhất thời lên các NHTM. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với hậu quả khó lường của dịch Covid-19 thì nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới là hiện hữu.

Theo VNBA, các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hiện chiếm khoảng 70%-80% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng. Số nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18-5 đến thời điểm thông tư mới có hiệu lực là rất lớn, để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Quan điểm của NHNN là thận trọng, an toàn hệ thống, không để TCTD che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ phù hợp quy định pháp luật.

“Tuy nhiên, NHNN nên báo cáo Chính phủ thực trạng các DN và TCTD bị ảnh hưởng nghiêm trọng kèm theo trong tương lai nợ xấu sẽ tăng đột biến. Từ đó, đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho DN và TCTD bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, VNBA đề nghị.

Trong khi đó, ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, khuyến nghị, cơ quan quản lý cũng cần sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ rõ ràng, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì điều này có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng.

Theo NHNN, tính đến ngày 31-5, toàn hệ thống ngân hàng còn khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Với gần 430.000 tỷ đồng nợ xấu chưa xử lý xong, thêm vào đó là các khoản nợ tiềm tàng vì dịch Covid-19, NHNN đã đề xuất trình Quốc hội xây dựng luật về xử lý nợ xấu để xử lý nợ của các TCTD, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017 sẽ hết hiệu lực vào tháng 8-2022. Theo NHNN, việc ban hành luật về xử lý nợ xấu sẽ giúp chính sách xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42/2017 được duy trì, hỗ trợ TCTD đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, thu hồi vốn nhanh, khơi thông nguồn vốn cho TCTD hoạt động, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của TCTD và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.

Các tin khác